Bạn đọc viết:
Ngăn chặn tin nhắn giả mạo: Cần giải pháp kỹ thuật từ các nhà mạng
(Dân trí) - Thời gian gần đây trên mạng ĐTDĐ đã và đang bùng phát tin nhắn "rác" nhằm lừa đảo khách hàng. Thực ra những chiêu thức này tuy không còn mới, nhưng vẫn dụ được không ít người hoặc bực mình vì suýt “bé cái nhầm”, hoặc dễ dàng sập bẫy…
Chạnh lòng nghĩ: Bọn trẻ giờ sao nhanh nhẩu đoảng vậy không biết, mới hôm kia có con bé nào đó cũng nói là nhầm lúc gửi tiền, mình cũng đã trả lại. Vốn tính thật thà, thương người, ông Nguyễn Văn Bắc tưởng thật và tính chuyện soạn tin nhắn gửi trả lại. Đang loay hoay bấm phím, bất ngờ cô con gái lớn chạy ra giằng lấy máy: “Bố sập bẫy rồi, tụi nó lừa đảo đấy, không tin bố kiểm tra lại tài khoản đi”.
“Trứng đòi khôn hơn vịt”, ông Bắc đang định "tế" cho con bé một trận thì cô tiếp tục giảng giải: “Bố không biết chứ, lâu nay chúng thường sử dụng phần mềm SMS Touch kết nối Internet, rồi lấy đầu số của nhà mạng gửi tin nhắn đến người sử dụng để lừa đảo ấy mà…" Tá hỏa ông Bắc kiểm tra ngay, may tài khoản vẫn y nguyên 70.000 đồng chứ thực ra không hề được cộng thêm. Hóa ra hôm rồi đã “ăn quả lừa”, may có con gái cảnh báo chứ không lại suýt mất tiếp. Trời ạ!...
Trong khi chờ đợi… (cũng chẳng biết phải chờ đợi cái gì nữa, vì người sử dụng đâu có biết vì sao số ĐTDĐ của mình lại “bị lộ”, và cũng đâu biết làm cách nào ngăn chặn…), đành trông mong vào cơ quan chức năng và các nhà mạng tìm kiếm, áp dụng các giải pháp kỹ thuật chống tin nhắn giả mạo được gửi đi từ Internet.
Nhưng mà với thực tế như thế này thì… nhằm giúp người sử dụng phân biệt tin nhắn lừa đảo một cách hiệu quả, nên chăng giải pháp trước mắt đối với người sử dụng, đặc biệt với loại hình thuê bao trả trước vẫn là phải: thường xuyên cảnh giác để tránh bị sập bẫy đối với các chiêu thức lừa đảo vẫn đã và đang bùng phát qua mạng ĐTDĐ.