Bạn đọc viết:

Ngăn chặn sai phạm quản lý tài chính trong nhà trường

(Dân trí) - Những năm qua, không ít hiệu trưởng có những sai phạm trong quản lý tài chính, dẫn đến mất đoàn kết nặng nề, thậm chí xảy ra những vụ tham ô, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường cũng như công tác chuyên môn.

Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh vừa làm rõ những sai phạm của cán bộ quản lý, hội đồng quản trị trường đại học Hùng Vương ( TP HCM ) trong việc quản lý, sử dụng, thu chi các khoản tài chính. 
 

Cách đây, hai năm, trường đại học Qui Nhơn (Bình Định) cũng làm xôn xao dư luận vì để xảy ra nhiều sai phạm, đặc biệt là về thu chi, sử dụng tài chính, khiến hiệu trưởng trường này bị đình chỉ công tác, xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền.

 

Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cũng vừa có kết luận những sai phạm của Hiệu trưởng trường THPT Lê Lai liên quan đến công tác sử dụng, thu chi tài chính.

 

Các đơn thư tố cáo của cá nhân, tập thể ở một số cơ sở giáo dục lâu nay gởi lên các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, phần lớn đều liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tiền bạc, tài chính “ có vấn đề” của hiệu trưởng, của kế toán và  thủ quỹ nhà trường.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng buộc phải  xử lý kỉ luật không ít cán bộ quản lý giáo dục do mắc nhiều sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng và thu chi tài chính. Theo bộ phận thanh tra phòng giáo dục và sở giáo dục ở nhiều địa phương cho biết, số vụ việc kiện tụng, tố cáo công tác quản lý và sử dụng tài chính, các khoản thu của một số lãnh đạo nhà trường đang có chiều hướng gia tăng, với tính chất rất phức tạp. Họ phải tốn nhiều thời gian để xác minh, điều tra, làm rõ các sai phạm và kiến nghị cấp trên xử lý, kỉ luật.

 

Tại sao nhiều hiệu trưởng từ bậc phổ thông đến đại học lại có nhiều sai phạm trong công tác này? Theo chúng tôi – những người vốn công tác nhiều năm ở cơ sở giáo dục, có mấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sai lầm đó:
 
Ngăn chặn sai phạm quản lý tài chính trong nhà trường
Trường ĐH Hùng Vương TPHCM (ảnh minh họa từ internet)

 

Thứ nhất là khi được đơn vị, tổ chức đề bạt, bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo, chủ tài khoản nhà trường, người hiệu trưởng thường xuyên bận rộn với nhiều công việc sự vụ,  lại có khi xem nhẹ việc quản lý tài chính, coi đó là chuyện nhỏ, không mấy quan trọng. Nên nhiều  hiệu trưởng chưa dành thời gian để học hỏi, nghiên cứu, còn thiếu kiến thức nghiệp vụ về quản lý công tác này.Họ ít hoặc không được học tập, trang bị, đào tạo bài bản về công tác quản lý tài chính, đây là lý do chính khiến nhiều hiệu trưởng làm sai về quản lí thu chi tài chính mà không biết mình làm sai, phải trả giá  đắt bằng những hình thức kỉ luật…

 

Thứ hai, khi đã có chức có quyền, được nhiều người tâng bốc, nịnh nọt, hiệu trưởng dần bị tha hóa, phát triển đầu óc bản vị, cá nhân chủ nghĩa. Họ coi tiền bạc, kinh phí của Nhà nước cấp, phụ huynh học sinh đóng góp, là do mình định đoạt chi tiêu, bất chấp qui định, pháp luật. Họ có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, làm việc thiếu  dân chủ, không công khai, minh bạch về tài chính theo qui định. Dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, kiện tụng kéo dài.

 

Thứ ba, không ít hiệu trưởng khi lên được chức vụ lãnh đạo rồi, được vài năm đầu tích cực, đạt được một số thành tích bước đầu sinh ra chủ quan,  thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, phẩm chất người cán bộ. Có biểu hiện lợi dụng chức quyền, cấu kết với kế toán, thủ quỹ cố tình làm sai trái để kiếm chác, trục lợi về vật chất, tiền bạc cho cá nhân mình. Nhất là trong các khoản xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị nhà trường hằng năm.

 

Thứ tư, công tác thanh tra ở đơn vị và của cấp trên về mặt quản lý tài chính hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thành phần ban thanh tra nhân dân bầu ra theo nhiệm kỳ 2 năm 1 lần, dưới sự chỉ đạo của ban chấp hành công đoàn nhà trường, vừa thiếu kiến thức, hiểu biết nghiệp vụ kế toán, tài chính, vừa chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Ban thanh tra như vậy thường bị hiệu trưởng khống chế, cho nên khó phát hiện, ngăn chặn được sai phạm của hiệu trưởng và kế toán.

 

Còn cấp trên hằng năm có cho bộ phận tài chính về kiểm tra, quyết toán tài chính đơn vị nhà trường nhưng vì nể nang, rồi quan hệ “lợi ích” hai chiều  nên bỏ qua những sai phạm. Hiệu trưởng được thể cứ làm tới, gây nhiều thất thoát về tài chính cho tập thể, nhà nước, tạo ra hình ảnh xấu trong môi trường giáo dục.

 

Để công tác quản lý tài chính của hiệu trưởng luôn minh bạch, hiệu quả, đúng luật, tránh được những sai trái, gây thất thoát về vật chất, tiền bạc của nhà nước và tập thể, trước hết, người lãnh đạo cần tu dưỡng đạo đức, giữ gìn phẩm chất trong sạch, liêm khiết, tránh xa những cám dỗ về vật chất, tiền bạc. Mặt khác, các cấp quản lý cần mở những lớp bồi dưỡng, tập huấn về quản lý tài chính để hiệu trưởng được học tập, nâng cao hiểu biết nghiệp vụ quản lý tài chính.

 

Có ý thức trách nhiệm và có kiến thức về quản lý tài chính sẽ giúp hiệu trưởng thực hiện đúng, giảm thiểu chuyện làm sai mà không biết mình sai. Thực hiện nghiêm qui chế dân chủ ở cơ sở, các khoản thu chi phải được công khai, bàn bạc thống nhất trong toàn hội đồng nhà trường. Tạo điều kiện cho thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát công tác tài chính, góp phần lành mạnh hóa công tác tài chính nhà trường. Có vậy hiệu trưởng mới  yên tâm, không sợ kiện tụng, tố cáo làm trái về công tác quản lý tài chính để tập trung cho công tác lãnh đạo và chỉ đạo chuyên môn. Mặt khác, công tác thanh tra, quyết toán tài chính của cấp trên rất cần tính nghiêm túc, chặt chẽ, công tâm, tránh tình trạng nể nang, xuê xoa vì “lợi ích” không chính đáng

 

                                                     Thanh Bình

                                                   (Quảng Ngãi)

 

LTS Dân trí - Tuy không phải là đơn vị hoạt động kinh tế, nhưng nhà trường nào cũng có khoản thu chi tài chính, nhất là khi xây dựng mở rộng trường sở hoặc mua sắm trang thiết bị. Vì vậy hiệu trưởng không thể chỉ lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn mà còn phải trực tiếp quản lý tài chính.

 

Thường khi mới được đề bạt, không có hiệu trưởng nào am tường về lĩnh vực quản lý tài chính. Cho nên nếu không chịu khó tìm hiểu thêm, lại chủ quan, thiếu dân chủ, thậm chí muốn vun vén cho lợi ích cá nhân thì rất dễ mắc sai lầm như bài viết trên đây đã phản ánh.

 

Muốn khắc phục tình trạng này, cần có những lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý tài chính cho hiệu trưởng cũng như nhưng quy định rõ ràng về chi tiêu tài chính trong nhà trường cho hai loại trường công lập và dân lập (tư thục). Mặt khác, người hiệu trưởng cần tuân theo nền nếp làm việc dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ và giáo viên. Đấy cũng là cơ sở quan trong bảo đảm sự đoàn kết trong nhà trường để tập trung cho mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.