Nếu tất cả đều giỏi, tất cả đều tốt nghiệp
Một lớp có 42/43 học sinh được “học sinh giỏi”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia: 97.57%. Có thể nhìn thấy gì qua những con số tròn trịa viên mãn ấy? Và có cần duy trì một kỳ thi quá căng thẳng tốn kém nếu sự viên mãn ấy được coi như là... thật?
Một lớp có 42/43 học sinh được “học sinh giỏi”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia: 97.57%. Có thể nhìn thấy gì qua những con số tròn trịa viên mãn ấy? Và có cần duy trì một kỳ thi quá căng thẳng tốn kém nếu sự viên mãn ấy được coi như là... thật?
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội hôm qua, một cách điềm tĩnh, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đã nhắc tới “sự quan tâm rất lớn của dư luận” đối với kỳ thì “2 trong 1” vừa qua. Ấy là “tiêu cực thi cử”, là “tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao, có địa phương đạt 99%”. Theo ông Hòa, “thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết học sinh”.
Và ông đề nghị dự thảo luật Giáo dục lần này cần có (điều) khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tùy thực tế mà có thể bỏ thi THPT để giảm chi phí cho ngân sách, bởi mỗi lần tổ chức kỳ thi rất tốn kém.
Phải nói, phát biểu của ông Hòa - cẩn trọng, chừng mực một cách cần thiết - nhưng đúng và trúng. Đúng với thực tế mang tính chất “hiện thực”. Và trúng vào sự bức xúc của dư luận.
Xin lưu ý bằng một câu chuyện thời sự - như hài, vừa xảy ra trong lễ tổng kết cuối năm trong một lớp học ở Bà Rịa- Vũng Tàu : Lớp có 43 học sinh thì 42 trong đó là học sinh giỏi.
Một trong số học sinh giỏi đó được chính người chú của mình nhìn nhận như một “đứa trẻ thất bại”: 12 tuổi nhưng không biết yêu thương, không biết tôn trọng người khác, không tự chịu trách nhiệm với bản thân, không thể chủ động sinh hoạt. Chưa bao giờ nói được một câu rõ nghĩa và chuẩn mực".
Còn kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, GS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam từng phát biểu trên Lao Động: Tôi rất bất bình khi suốt 1 tuần qua ra rả nói chống quay cóp, chống sử dụng công nghệ trong thi cử, rồi huy động bao nhiêu công an, giáo viên, bao nhiêu người kiểm soát để học sinh không mang điện thoại, máy tính, chỉ mang bút chì thước kẻ vào như soát kẻ gian... Một kỳ thi có vẻ như còn đánh đố và dọa nạt.
Và kết quả của kỳ thi tốn kém “đánh đố và dọa nạt” ấy, là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lên tới 97.57%. Là “nhiều tỉnh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 99%”. Là rất nhiều trường tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100%.
Những con số về tỉ lệ tốt nghiệp ở mức độ hoàn hảo đang cho thấy vấn đề của chính kỳ thi ấy. Nó sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa nếu như “tất cả cùng tốt nghiệp”, y như câu chuyện gần như “cả lớp cùng là học sinh giỏi”.
Kỳ họp này, Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được thông qua, nhưng nó chỉ thực sự là sửa đổi- nếu khắc phục được bệnh thành tích, nếu bịt được những lỗ hổng trong thi cử, nếu nó trả lời được cho dư luận câu hỏi về sự chân xác, và cả ý nghĩa một kỳ thi quốc gia quá căng thẳng, quá tốn kém, và cũng quá nhiều tiêu cực.
Theo Anh Đào
Báo Lao động