Bạn đọc viết

Nếu chỉ biết học mót, học lỏm…

Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay thì lối tư duy theo kiểu học mót, học lỏm càng làm cho đất nước tụt hậu

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Học mót, học lỏm là hai từ thông dụng trong tiếng Việt, phản ánh nét đặc trưng trong tư duy và hành động của người Việt xưa và nay.

Học mót là học lại của người khác từng tí một, không đầy đủ, không hệ thống, không bài bản, nghĩa là nhặt được gì thì nhặt giống như đi mót khoai, mót lúa.

Học lỏm là học bằng cách nghe, nhìn, bắt chước người khác. Phàm việc gì mà bắt chước thì chuyện làm đúng hoặc làm sai là điều tất nhiên, bởi người học không nắm được vấn đề một cách đầy đủ có hệ thống.

Suốt hàng ngàn năm dưới thời phong kiến, số người Việt được cắp sách đến trường chiếm tỉ lệ không đáng kể, đại đa số người dân mù chữ. Sang thời thực dân đế quốc, với thân phận nô lệ, người dân vẫn phải chịu cảnh tối tăm, cực khổ. Năm 1945 khi giành được độc lập, Việt Nam có đến 95% dân số mù chữ.

Vậy là, do hoàn cảnh lịch sử, xã hội, người Việt chỉ còn cách “tự học” theo kiểu học mót, học lỏm nói trên. Trải qua thời gian, lối học mót, học lỏm ăn sâu vào tâm thức, hình thành nên nếp nghĩ, nếp làm của người Việt. Học mót, học lõm không xấu nhưng tư duy và hành động theo kiểu học mót, học lỏm thì thật sự đáng lo ngại cho sự phát triển của một đất nước. Khi đầu óc chỉ biết nghĩ đến chuyện “cóp bi” sản phẩm trí tuệ của người khác thì cũng có nghĩa là sự sáng tạo đã bị triệt tiêu. Đôi khi chúng ta ngộ nhận chuyện bắt chước thiên hạ là biểu hiện của cái sự thông minh, tài trí của người Việt, ít ai nghĩ đó chỉ là thói ranh mãnh của kẻ thụ động, sống dựa vào cái đầu của người khác. Ở góc độ khác, cái sự học mót, học lõm thiếu sáng tạo, bê nguyên xi của người, ngôn ngữ hiện đại gọi là ăn cắp bản quyền.

Điển hình cho lối học mót, học lõm là chuyện hằng năm có gần 4000 đoàn cán bộ lãnh đạo các ban ngành, địa phương đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm. Thời gian đi chỉ có dăm bảy ngày hay vài tuần, quá ít để có thể học được đến nơi đến chốn. Thực chất đó là những cuộc du lịch trá hình, chuyện học hỏi chỉ là cách nói để lách luật, che mắt dư luận, có chăng thì cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Báo chí vừa đưa tin, từ 22-10 đến 21-11/2015, Tiền Giang đã cử 2 đoàn cán bộ trong đó có cả người nghỉ hưu đi Mỹ để học hỏi kinh nghiệm… xổ số! Và, nếu không vấp phải sự phản ứng của dư luận thì đoàn thứ 3 gồm 20 cán bộ sắp nghỉ hưu và một số cán bộ ngành kiểm sát, phòng kinh tế, không liên quan đến chuyên môn sẽ đi Hà Lan và Nga học kinh nghiệm xây đê điều với chi phí cho một người từ 80 đến 100 triệu đồng.

Sau những chuyến đi ngốn tiền ngân sách hàng tỉ ấy, chắc chắn mọi việc ở cơ quan vẫn “nguyễn y vân”.

Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay thì lối tư duy theo kiểu học mót, học lỏm càng làm cho đất nước tụt hậu. Làm sao có thể tưởng tượng nổi sau gần 30 năm đổi mới, hội nhập, chúng ta vẫn chưa làm nổi cái ốc vít theo chuẩn của một doanh nghiệp nước ngoài? Còn ô tô, xe máy “made in Việt Nam” ư, mãi vẫn chỉ là giấc mơ mà thôi.

Dư luận đã từng đặt câu hỏi: Hàng chục ngàn GS,TS đang làm gì trong khi các ông hai lúa chế tạo xe bọc thép, máy cấy, trực thăng, tàu ngầm, ô tô chạy bằng nước lã…? Vào website của một trường đại học xem lí lịch khoa học của một số giảng viên có học hàm học vị mà thấy “rét”: Mỗi vị liệt kê hàng chục đề tài, công trình nghiên cứu khoa học. Nếu tổng hợp cả mấy chục nghìn GS,TS trong cả nước thì số đề tài khoa học hiện có chắc phải lên tới con số triệu, vậy mà không hiểu sao, nhiều năm liền chúng ta không có nổi một phát minh hay sáng chế được quốc tế thừa nhận?

Nhìn ra xung quanh, không khỏi hổ thẹn với xứ người. Chẳng nói đâu xa, ngay bên hông chúng ta, người Campuchia vừa cho ra đời chiếc xe ô tô điều kiển bằng smartphone mang tên ngôi đền cổ Angkor - Angkor EV có giá chỉ 5.000 USD.

Theo số liệu thống kê và xếp hạng mới nhất của ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì Việt Nam đã tụt hậu so với Lào và Campuchia về năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất cũng như trình độ marketing.

Chúng ta sẽ đứng ở đâu trong thế giới hiện đại này nếu chỉ biết học mót, học lỏm?

Nguyễn Duy Xuân