Nên tạo điều kiện thực hiện các “giờ học mở”

(Dân trí) - Nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cùng với việc đổi mới mục tiêu cho sát thực tễn và xu thế phát triển, thì việc đổi mới nội dung chương trình , cũng như phương pháp dạy và học là yêu cầu tất yếu cần được xúc tiến.

        Nên tạo điều kiện thực hiện các “giờ học mở” - 1

Trong giờ thực hành vật lý (ảnh minh họa, nguồn ảnh: internet)

“Giờ học mở” là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với nhiều thầy giáo cô giáo, cũng như đối học sinh; đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ giáo viên mới hành nghề. Vậy nên chăng, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh, người thầy cần thực hiện giờ học mở, nhằm tạo ra một cú hích trong sự nghiệp trồng người.

Thực tế, hơn chục năm về trước, thuở còn ngồi trên ghế giảng đường trường Đại học Vinh, những ngày mới chân ướt, chân ráo vào học

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đếnDiễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

tập làm nghề “cao quý” – Sinh viên (SV) Sư phạm, chúng tôi đã được đội ngũ các thầy cô giáo, giảng viên nơi đây dạy bảo rất nhiều điều bổ ích. Trong đó , tôi nhớ như in hình ảnh, lời giảng của TS. Giảng viên bộ môn Chủ nghĩa xã hội Khoa học Đinh Thế Định chỉ cho bọn SV chúng tôi rắng: “ĐẠI HỌC LÀ TỰ HỌC”. Nghĩa là, khác với thời học sinh phổ thông, khi lên Đại học, phương pháp học tập chủ yếu của SV là khả năng TỰ HỌC – TỰ TÌM TÒI – TỰ NGHIÊN CỨU.

Và hôm nay, sau gần chục năm được gắn bó với cái nghề “cao quý, sáng tạo”, được gần gũi, giảng dạy qua nhiều khối lớp, nhiều thế hệ học sinh khác nhau, tôi lại nhận ra thêm một điều nữa rằng: Lời dạy của TS Đinh Thế Định vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh giai đoạn hiện nay, khi Bộ GD&ĐT đang tiếp tục phát động đợt thi đua đổi mới phương pháp dạy học (PPDH). Nó phát huy tối đa tác dụng không chỉ đối với SV; mà ngay cả đối với học sinh Trung học phổ thông (THPT) cũng rất cần triển khai cách dạy và cách học sáng tạo này. Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận ra một điều rằng, nếu người Thầy chịu khó tìm tòi, nghiên cứu đổi mới PPDH theo hướng tích cực, tạo ra “một giờ học mở” sẽ có tác dụng rất lớn trong việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo, tư duy nhạy bén, của cả thầy và trò.

Thực tế, lâu nay nền giáo dục nước ta chủ yếu vẫn diễn ra theo một xu hướng chung, một khuôn mẫu quy định chung mang tính bất di, bất dịch là người Thầy lên lớp và “buộc phải” thực hiện đầy đủ tất cả các bước, các khâu như một tiến trình không thể khác từ khâu ổn định tổ chức, kiểm tra sỹ số, bài cũ, dẫn vào bài, giảng bài mới cho đến củng cố, dặn dò và ra bài tập về nhà. v..v… cho người học, thậm chí ở nhiều trường hợp còn buộc thầy cô phải thể hiện được các bước đó một cách rõ ràng , rành mạch trên giáo án, nếu không khi kiểm tra, đánh giá sẽ bị coi là hồ sơ giáo án “có vấn đề”.

Đặc biệt là ở các giờ đánh giá, thao giảng hay thi chọn giáo viên giỏi các cấp, khi người Thầy buộc phải giảng dạy theo tiêu chuẩn đánh giá của “Phiếu dự giờ” thì tuyệt nhiên, người Thầy phải thực hiện các khâu, các bước trên như một mệnh lệnh! Nếu người Thầy bỏ qua hoặc xem nhẹ một bước nào đó thì coi như bài giảng “chưa ổn”, “chưa xong, thiếu bước”….Bởi vậy, bài giảng vì thế không được đồng nghiệp đánh giá cao; ngược lại, nếu người Thầy răm rắp thực hiện đầy đủ các bước trên, tất sẽ được đồng nghiệp đánh giá, chấm điểm “ổn” hơn. Điều này , ở một khía cạnh nào đó là hoàn toàn không sai về nguyên tắc, nhưng xét đến cùng nó sẽ không hoàn toàn đúng vì như thế vô hình trung, bài giảng của người Thầy sẽ rơi vào khô cứng, giáo điều, máy móc, và hạn chế tất yếu của nó là không thể phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cả Thầy và trò. Nhiều khi đang say sưa, đang cao hứng, đang thăng hoa giảng dạy một vấn đề nào đó là trọng tâm của tiết học, Thầy và trò đang rất tâm đắc muốn nói, muốn giảng sâu sắc thêm nhưng lại sợ không đủ thời gian, không hết bài, không đảm bảo đầy đủ tiến trình các bước lên lớp theo “quy định”…Thế nên người Thầy đành phải dừng lại để “chạy xô” cho xong bài giảng, cho kịp giờ, thế là cả Thầy và trò đã đánh mất đi một cơ hội “làm mới mình”. Nhiều lần tham gia đánh giá dự giờ dạy thao giảng của các đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy một điểm chung là các thầy, cô vẫn thường xuyên chăm chú nhìn đồng hồ để căn chỉnh thời gian sao cho “trọn vẹn”, cho kịp giờ, nếu không sẽ “cháy giáo án” hoặc “Lụt giáo án” thì rất gay!!! Chính điều này đã và đang là lực cản vô tình, cản trở không nhỏ đến chất lượng bài giảng là điều không tránh khỏi. Ngược lại đối với lớp học, nếu người thầy cứ tiếp tục bài giảng theo đúng tiến trình, theo quy định, theo các bước đã được lập trình thì rõ ràng, chúng ta đã đánh mất đi khả năng tư duy sáng tạo, tính độc lập suy nghĩ làm việc của các em. Và bởi lẽ đó người Thầy sẽ không kích thích được tư duy của các em là điều dể hiểu.

Không những thế, việc gò bó, gượng ép dạy học theo lối truyền thống còn làm thui chột đến ý thức tự học, tự sáng tạo, tự khám phá ở các em. Tạo dựng ở các em một tâm lí chờ đợi, thụ động, phụ thuộc, ỷ lại theo kiểu Thầy cho – trò nhận, Thầy giảng - trò nghe, Thầy đọc – trò chép. Trong khi đó nếu biết cách hướng dẫn, khuyến khích các em tìm tòi nghiên cứu khám phá, thì giờ học không chỉ dừng lại ở giới hạn 45 phút trên bục giảng, không chỉ đóng khung ở 4 bức tường vôi. Ngược lại, một giờ học mở sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho cả Thầy và trò phát huy hết những năng lực, sở trường, những khả năng sáng tạo theo cách riêng của mình. Chính vì thế mà có ý kiến cho rằng, một người thầy giỏi không phải là người thầy cung cấp cho các em được khối lượng kiến thức như thế nào, mà người thầy giỏi phải là người biết cung cấp cho các em phương pháp để tìm kiếm kiến thức. Bởi, người Thầy trên bục giảng – những kỹ sư tâm hồn cũng được ví như người nghệ sỹ trên sân khấu, người nghệ sỹ ấy, người kỹ sư tâm hồn ấy sẽ không thể “Sáng tạo ra những con người sáng tạo” nếu họ còn bị hạn chế bởi những quy định quá ngoặt ngoèo, quá chặt chẽ, thậm chí là quá xơ cứng, máy móc, giáo điều.

Kinh nghiệm cho thấy, dù một người thầy giỏi bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể chuyển tải cho học sinh hết được các nội dung hay, hết kiến thức trong bài học với thời lượng 45 phút/1 tiết học. Chính điều này lại càng cần thiết hơn nữa cho sự hiện diện, lên ngôi của một “giờ học mở”. Nghĩa là, người Thầy trên cơ sở kinh nghiệm giảng dạy, khả năng làm chủ kiến thức, chọn lựa phương pháp cũng như bản lĩnh đứng lớp, theo lượng kiến thức và bài học, căn cứ vào trình độ của các em, căn cứ theo chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản, người Thầy có thể tùy cơ ứng biến chọn lựa một “giờ học mở” để qua đó dành nhiều thời gian hướng dẫn giúp HS nắm thật kỹ một “lượng” kiến thức trọng tâm của bài học để các em nắm được “chất” yêu cầu của bài, có thể lướt qua một số nội dung bài học không trọng tâm; thậm chí bỏ qua, hay chỉ cần hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu nội dung còn lại, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa “giờ học mở” với lối dạy truyền thống. Do đó cần tạo ra một cơ chế thông thoáng, một chính sách mở khi đánh giá một giờ dạy nói riêng và cho cả một nền giáo dục nói chung trong xu thế phát triển chung của nền giáo dục cách mạng nước nhà.

Khi đem vấn đề nên hay không triển khai “giờ học mở” trong các trường phổ thông với một số đồng nghiệp, chúng tôi nhận được sự nhất trí đồng thuận cao của nhiều người, bởi họ lí giải rằng, “giờ học mở” sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho cả thầy và trò.

Thầy giáo Lê Ngọc Quang – GV phụ trách môn Toán – Trường THPT Hà Huy Tập – Cẩm Xuyên cho rằng: Để giảng dạy và bồi dưỡng môn Toán có hiệu quả cao, người thầy rất cần lựa chọn PPDH theo hướng mở nhằm truyền đạt kiến thức kỹ năng cho người học, thầy cũng nêu ví dụ cho rằng: Khi giảng dạy các bài toán về “Phương trình tiếp tuyến”, với thời lượng 45 phút, người thầy không thể truyền đạt cho HS được tất cả các dạng của nó, thậm chí, nếu truyền đạt hết các em cũng không thể hiểu hết, thế nên người thầy có thể mạnh dạn chọn lựa một một số dạng cơ bản để hướng dẫn cho các em. Còn cô giáo Trần Thị Kiều Oanh – giáo viên phụ trách môn Tin học thì quả quyết cho rằng: Rất cần triển khai giờ học mở vì qua công tác giảng dạy và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh, khi cô đưa ra các bài tập thực hành, chính bản thân các em đã sáng tạo đưa ra những cách giải vừa hay, vừa nhanh gọn đến mức …cô không thể ngờ!!!

Không chỉ có các môn khoa học tự nhiên mới cần các “giờ học mở”; ngược lại, ở các bộ môn khoa học xã hội cũng hết sức cần thực hiện điều này, bởi hơn bao giờ hết, các môn khoa học xã hội này chính là nơi để mở ra khả năng tư duy lí luận, khả năng nắm bắt nhạy bén, sự liên hệ giữa bài học trong sách vở với thực tiễn sinh động của cuộc sống sinh động, là cầu nối giữa khả năng gắn học đi đôi với hành, lí luận với thực tiễn, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội, nơi để các em có cơ hội rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cảm thụ.v.v… Tuy nhiên, theo thầy giáo Trần Đăng Kiên – giáo viên giảng dạy môn Văn cho rằng, trước đây, do cơ chế, việc giảng dạy môn Văn thường diễn theo lối áp đặt kiểu “tầm chương trích cú”, với thói quen không dễ thay đổi là người Thầy cảm nhận thay, tư duy thay, làm thay sau đó chỉ việc “rót" kiến thức cho người học. Thói quen đó đã biến HS giống như một chiếc bình đựng kiến thức!Để triển khai có hiệu quả “giờ học mở”; thì ngày nay, trước yêu cầu của xã hội ngày càng cao, việc đổi mới PPDH rất cần đến việc triển khai loại hình “giờ học mở”. Trong quá trình triển khai người thầy cũng cần định hướng cho người học tìm hiểu, nghiên cứu theo đúng hướng, đúng mục đích yêu cầu, tránh tình huống cảm nhận theo hướng cực đoan, xa rời nguyên lí giáo dục.

Muốn thực hiện được thành công “giờ học mở”, một điều cần hơn nữa để mang lại hiệu quả cao là các cấp, các ngành không ngừng đầu tư để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho sự nghiệp trồng người mà Đảng và nhân dân giao phó./.

Phan Anh Tú

Trường THPT Hà Huy Tập – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Cái yếu nhất của nền giáo dục chúng ta là đào tạo ra những con người thụ động, quen với lối học thuộc lòng nhồi nhét lý thuyết, không coi trọng thực hành và cách học suy luận, sáng tạo, cho nên học sinh không biết vận dụng linh hoạt những kiến thức được học.

Vì vậy muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đi đôi với đổi mới nội dung chương trình cho sát với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển, cần đổi mới căn bản cách dạy và cách học.

Tổ chức thành công các “giờ học mở” chính là nhằm phát huy cao tính tích cực và sáng tạo của học sinh, nhằm biến quá trình học tập thành quá tụ học là chính, từ đó thật sự làm chủ kiến thức, vừa nhớ lâu những kiến thức cơ bản vừa biết vận dụng sáng tạo những kiến thức đó, để khi bước vào đời, các em sẽ trở thành những con người năng động, thích ứng với sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ cũng như sự đổi thay nhanh chóng của tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa.

Cơ chế quản lý giáo dục cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình “giáo dục mở”. Nền giáo dục “khép kín trong bốn bức tường” đã thuộc về dĩ vãng!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm