Nên nhập các đơn vị sự nghiệp các sở, ngành thành một đầu mối
(Dân trí) - Điều này sẽ góp phần giảm biên chế bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công hiện nay
Hiện nay, hầu hết các đơn vị sở, ngành cấp đều có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Các đơn vị này, cùng thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ về cơ bản khá giống nhau. Ví dụ, ngành nông nghiệp thì có nhiều đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực nông nghiệp; ngành giáo dục thì có nhiều đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực giáo dục; ngành tư pháp thì có nhiều đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực tư pháp.
Với việc nhập một số đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã chứng minh việc sáp nhập các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là đúng đắn, hiệu quả. Trước khi trung tâm này ra đời, có đến 7 đơn vị đều trực thuộc Sở Y tế nhưng hoạt động độc lập, kém hiệu quả, nhất là có quá nhiều biên chế làm công tác quản lý, phục vụ. Khi nhập vào một đầu mối đã phát huy hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là góp phần giảm biên chế, tinh gọn bộ máy. Theo đó, một đơn vị có thể thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau, rất đa chức năng.
Thực trạng hiện nay có nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ cơ bản tương đồng và cùng chung một cơ quan quản lý nhưng lại chia thành rất nhiều đơn vị, hoạt động độc lập với nhau. Ví dụ: trong ngành Tư pháp thì Phòng công chứng chỉ thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực; Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản chỉ thực hiện nhiệm vụ đấu giá; Trung tâm trợ giúp pháp lý thì chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý... Việc mỗi cơ quan, tổ chức chỉ thực hiện duy nhất một nhiệm vụ là chưa hợp lý, gây lãng phí biên chế, nhân lực, phình to về bộ máy. Trong khi, những người làm việc trong các đơn vị này thường có bằng cấp tương đồng nhau đó, ví dụ ngành Tư pháp là học ngành luật.
Vậy tại sao không sáp nhập các đơn vị này vào một đầu mối, với đa chức năng? Khi đó, bộ phận nào vẫn thực hiện nhiệm vụ của bộ phận đó như đấu giá, công chứng, trợ giúp pháp lý... nhưng chỉ có chung một bộ máy quản lý, điều hành, phục vụ. Trường hợp cần thiết phải có các đơn vị ở cấp huyện thì có thể xem xét thành lập thêm chi nhánh, cơ sở trực thuộc là phù hợp
Điều này, sẽ giảm được rất nhiều số cán bộ lãnh đạo, bộ phận trung gian, gián tiếp và tăng những người làm việc trực tiếp. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành cũng như công tác chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ công dân, tổ chức. Bên cạnh đó, sẽ giảm được kinh phí chi cho xây dựng trụ sở, thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, phối hợp, bảo vệ...
Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét sáp nhập tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ngành hiện nay vào một đầu mối. Theo đó, tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập của các sở, ngành chỉ có một đầu mối lãnh đạo, điều hành. Có thể gọi là Trung tâm sự nghiệp công lập sở, ngành, với hoạt động đa chức năng, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ sự nghiệp của ngành. Điều này sẽ góp phần giảm biên chế bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công hiện nay.
ThS Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum