Nên hạn chế rẽ trái để tránh tắc đường

(Dân trí) - Tôi đã đọc hầu hết những bài viết về chủ đề chống ùn tắc giao thông trên Dân trí. Đây là vấn đề thiết thân của mọi người dân thành phố và qua kinh nghiệm bản thân, tôi muốn đóng góp thêm ý kiến của mình.

Qua thực tế mà tôi nhìn thấy trên hệ thống đường của Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh có quá nhiều ngõ hẻm và đường nhỏ giao cắt với đường lớn, cho nên mỗi lần có xe chạy từ trong hẻm hay đường nhỏ ra là ở đó xảy ra ách tắc cục bộ do những phương tiện rẽ trái băng qua đường đã làm cản trở luồng giao thông. Khi nhìn thấy cách lưu thông trên đường ở một nước bạn, tôi thấy rất hợp lý mà tại sao ở nước ta đã làm mà lại không làm cho đến nơi đến chốn. Chúng ta nên nhớ rằng một

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

nguyên tắc chống ùn tắc là phải tạo điều kiện cho dòng xe chạy liên tục trên đường. Vì vậy, giải pháp chống ách tắc giao thông cần làm triệt để các quy định như sau:

- Các phương tiện lưu thông trên đường (kể cả trong hẻm) khi đến nơi giao cắt với đường chính (đường ưu tiên) mà ở đó không có đèn tín hiệu hoặc bảng cho phép rẽ trái và đi thẳng thì các phương tiện chỉ được phép rẽ phải đi tiếp cho đến nơi có đèn tín hiệu hoặc bảng chỉ dẫn mới được rẽ trái quay đầu xe.

- Song song với cách làm trên là việc sở giao thông thành phố phải nghiên cứu việc đặt đèn tín hiệu và bảng chỉ dẫn cho phép quay đầu xe một cách hợp lý trên tất cả các tuyến đường lớn nhỏ. Bên cạnh đó, nếu tuyến đường nào đủ rộng cho 4 làn xe (1 làn xe ô tô và 1 làn dành cho xe máy mỗi chiều) thì phải đặt dải phân cách hai chiều bằng con lươn với chiều dài hợp lý để tạo luồng giao thông càng liên tục càng tốt, đồng thời tránh một số phương tiện lấn sang phần đường ngược chiều gây cản trở cho dòng phương tiện lưu thông ngược lại.

- Ở các đường nhỏ không thể đặt giải phân cách ở giữa thì vẫn phải có bảng chỉ dẫn nơi cho phép rẽ trái và quay đầu xe. Các phương tiện đang lưu thông không được rẽ trái hoặc quay đầu xe ở những nơi không có biển báo quay đầu xe.

- Cấm bán hàng rong trên lòng đường và trên vỉa hè trong thời gian cao điểm từ 6h30-9h sáng và 16h30-19h tối. Các phương tiện vi phạm thì cũng bị xử lý như trường hợp đi ngược chiều và phải đưa vào quy định xử phạt. Việc quản lý và xử phạt nên kết hợp giữa cảnh sát giao thông và ban trật tự dân phòng của các địa phương. Cách làm trên phải được ban bố rộng rãi và giải thích cho người dân hiểu về lợi ích mà giải pháp sẽ đem lại, tránh trường hợp người dân không hiểu lại thắc mắc và phản đối phương án mới.

Nên hạn chế rẽ trái để tránh tắc đường

Mạnh ai nấy đi trên dường phố Hà Nội (nguồn Internet)

Theo cách lưu thông này thì một số phương tiện cần rẽ trái sẽ mất thêm quãng đường đi và sẽ mất thời gian hơn, nhưng nếu xét trên toàn cục là nếu không bị ách tắc giao thông thì ta thấy là sẽ tiết kiệm thời gian hơn cho chính mình và cho nhiều người khác, hơn nữa còn giảm được ô nhiễm môi trường do tắc đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều đáng nói ở đây là có nhiều người ý thức được điều này và cũng có nhiều người chưa ý thức được nhưng vì không có quy định cụ thể và xử phạt cụ thể nên hàng ngày chúng ta vẫn mắc phải và trở thành thói quen. Hơn nữa, nếu thực hiện tốt giải pháp đó, các phương tiện giao thông cũng phải tính toán đường đi, công việc hợp lý và hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông khi không cần thiết.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: cấm việc bán hàng rong trên đường, lấn chiếm vỉa hè của các hộ kinh doanh. Quy hoạch thành phố để kéo giãn dân cư, các công ty, nhà máy, trường học, các hộ kinh doanh ăn uống, … Vấn đề này không thể giải quyết được ngày một ngày hai cho nên phải làm từng bước và có quy định mốc thời gian cụ thể để phấn đấu thực hiện, tránh tình trạng “đáng trống bỏ dùi”. Việc chính cần làm ngay là việc giảm thiểu các xung đột trong giao thông càng ít càng tốt theo cách làm đã nêu trên đây. Đồng thời kết hợp với việc phân bố thời gian làm việc hợp lý cũng là giải pháp quan trọng trước mắt.

Ở nước ngoài tôi theo học, người ta đã áp dụng từ lâu, một cách linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: đối với một trường đại học hoặc trườngTHPT thì mỗi lớp có một thời khóa biểu riêng, thời gian học có thể lệch nhau một tiết học hoặc hơn. Việc làm này nhằm hạn chế được hiện tượng học sinh, sinh viên đến trường và tan trường cùng một lúc, gây ra ách tắc cục bộ tuyến đường đó. Các trung tâm ngoại ngữ hoặc các lớp buổi tối cũng như vậy, mỗi một lớp có thời gian riêng, không phải chỉ quy định từ 17h30 đến 19h30, rồi từ 19h30 đến 21h30, mà phải có sự xen kẽ như 17h-19h, 17h30-19h30, 18h-20h, 18h30-20h30,…Phụ huynh học sinh cũng cần rèn luyện cho con em tính tự lập từ nhỏ, như tự đi học bằng xe buýt, tự lo bữa sáng, bữa trưa. Phụ huynh có thể chuẩn bị sẵn, hoặc các em có thể chuẩn bị bánh mì kẹp thịt nguội, xúc xích, bơ, pho mát, cà chua cắt sẵn, xà lách (dao cắt thịt là loại dao có răng cưa không sắc nên sẽ không nguy hiểm cho các em), kết hợp với 1 hộp sữa là các em đã có bữa ăn đầy đủ. Hôm nào không có thời gian thì các em ăn uống ở một quán gần trường mà bố mẹ biết để yên tâm về vấn đề vệ sinh. Các em lớn hơn có thể hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, bằng bếp … Tôi nói như vậy là vì tôi có đã tự nấu ăn từ khi học lớp 4 khi bố mẹ thường xuyên về muộn, vì vậy không có lý do gì mà trẻ em bây giờ không làm được nếu bố mẹ không tập cho các em ngay từ nhỏ. Có rất nhiều cách giải quyết vấn đề nhưng chúng ta lại không chịu thực hiện với lý do này lý do khác để rồi tự rước khổ vào mình, rồi than thở, gây khó khăn cho chính mình và cho xã hội. Cuối cùng, tôi muốn nói là cho dù các giải pháp đưa ra có hay đến mấy mà nếu chúng ta không đồng sức đồng lòng, không có ý thức vì cộng đồng thì cũng sẽ không thực hiện được. Chúc cho mọi người cùng đồng lòng vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Bảo Ngọc

LTS Dân trí - Đúng như tác giả bài viết trên đây đã nhận định, có những giải pháp trong “tầm tay” làm giảm ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn dựa trên nguyên tắc bảo đảm cho dòng xe chạy liên tục, rất ít khi bị dừng lại. Muốn vậy, phải hạn chế rẽ trái, nhất là ở những chỗ có mật độ đi lại đông. Điều này chúng ta đã áp dụng nhưng chưa triệt để; cũng như việc bố trí lệch giờ học và làm việc để tránh mật độ đi lại quá đông vào giờ cao điểm hay phân làn đường hợp lý đều là những giải pháp “trong tầm tay” có thể thực hiện ngay và đem lại hiệu quả nhanh.

Đương nhiên vẫn cần những biện pháp cơ bản, lâu dài và định ra mốc thời gian để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị cũng như kế hoạch


phân bổ dân cư một cách hợp lý, không để mật độ dân cư quá cao trong nội đô.