Bạn đọc viết
Nạn tham nhũng: Có nguy cơ trở thành một “thương hiệu”!
Được bạn bè quốc tế khen ngợi và nể phục vì đã hoàn thành xứ mệnh bảo vệ tổ quốc, bảo vệ non sông đất nước trước mọi kè thù ngoại xâm, nhưng đó là thời chiến. Còn thời bình, tuy nhiệm vụ số một là phát triển kinh tế xã hội nhưng chúng ta lại đang phải đối mặt với nạn tham ô tham nhũng (được coi là “giặc nội xâm”) đang từng ngày hoành hành khiến công cuộc phát triển kinh tế…chật vật.
Chống tham nhũng là một trong những chủ trương, nhiệm vụ mang tính then chốt của Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn (2016 – 2020), có thể nói vấn đề về chống tham nhũng từ lâu đã trở thành điểm nóng trong các nghị trường, trên các diễn đàn và trở thành tâm điểm trong thời gian qua, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều biện pháp được áp dụng với sự quyết tâm và cương quyết của toàn hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi và xóa sổ tình trạng tham ô, tham nhũng (một vấn đề đang được coi là “vấn nạn xã hội”) như: hạn chế và kiểm soát quyền lực; công khai minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; Quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; quy trách trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng; cải cách hành chính, đổi mới quy trình công nghệ trong quản lý điều hành…nhưng tổ chức thực hiện những giải pháp này ra sao lại cho thấy chúng ta đang có xu hướng chạy theo hình thức (tức là vẫn chỉ mang tính lời nói, báo cáo hay, còn thực tế lại trái ngược hoàn toàn).
Có ý kiến ví von rằng, nạn tham nhũng hiện nay được ví như một bức tường và bức tường đó không thể bị xuyên thủng hoặc phá hủy nếu chỉ biết dùng những lời nói, những khẩu hiệu hay những “chiến dịch” mang tính “kiểm tra định kỳ” bởi nếu chỉ đơn giản như vậy thì “bức tường” đó không những không thể xuyên thủng, phá hủy mà còn tăng độ bền chắc và vẫn hiên ngang đứng vững sau nhiều “trận bão”. Vậy câu hỏi đặt ra là phải làm gì để phá “bức tường” đó? Và liệu dùng “búa” có phải là một giải pháp khả thi?
Nhiều ý kiến cho rằng “dùng búa phá sập tường” là phương án hiệu quả và khả thi nhất bởi “nhát búa” sẽ đồng nghĩa với sự cương quyết và dứt khoát, vậy những giải pháp gì được cho là tạo thành “nhát búa” để phá hủy bức tường tham nhũng kiên cố?
Thứ nhất: Cần xây dựng hệ thống giám sát – phát hiện – điều tra độc lập
Nhiều người đồng quan điểm rằng, Trừ Trung ương, thì mỗi địa phương và mỗi bàn ngành Trung ương cần có một đơn vị (tổ chức) độc lập có chức năng và nhiệm vụ phát hiện, điều tra, kết luận sai phạm (tổ chức này hoạt động không có “vùng cấm”, không chịu bất kỳ “áp lực” nào) với mục đích phát hiện nhanh, điều tra, kết luận nhanh, đúng, cương quyết, không né tránh, nể nang trong xử lý sai phạm.
Thứ hai: Điều chỉnh, bổ sung thêm các điều Luật
Điều chỉnh, bổ sung điều khoản trong hệ thống Luật về vấn đề tham ô, tham nhũng, theo đó sẽ truy thu, bồi hoàn bằng mọi hình thức nếu cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm gây hậu quả (đặc biệt liên quan đến kinh tế), kết hợp với truy cứu trách nhiệm đối với tất cả các sai phạm với hình thức xử lý từ thấp đến mức án cao nhất (tùy thuộc tính nghiêm trọng của vụ việc), cách chức buộc thôi việc, đồng thời nên bỏ những hình thức mang tính “khái niệm” như “nhắc nhở, cảnh cáo, góp ý, phê bình, rút kinh nghiệm…”. Đó là hai giải pháp mà theo quan điểm của nhiều người là mang tính khả thi và hiệu quả cao nhất.
Chúng ta đã và đang áp dụng rất nhiều giải giáp, nhiều phương án nhằm ngăn chặn và đẩy lùi, xóa sổ nạn tham ô tham nhũng nhưng hiệu quả cuối cùng thu lại được đã minh chứng cho tính hiệu quả, tính khả thi của những giải pháp đã áp dụng và nạn tham ô tham nhũng vẫn âm thầm “phát triển” ở mọi hình thức và tinh vi hơn.
Ai cũng có thể nhận thức về hậu quả và hệ lụy của vấn nạn này bởi không những làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước mà tệ hại hơn là làm giảm niềm tin của nhân dân, phát triển kinh tế bị kìm hãm và tạo ra tư tưởng “vô cảm” đối với xã hội, cộng đồng.
Hàng nghìn tỉ đồng mất trắng mỗi năm, xã hội mất công bằng, kinh tế phát triển ì ạch mang tính manh múi và chắp vá…đó là thực trạng đang diễn ra, nếu chúng ta không thay đổi cách thức mà chỉ dựa vào lời nó mang tính hô hào khẩu hiệu thì “bức tường” tham nhũng sẽ càng thêm “vững chắc” và có nguy cơ trở thành một “thương hiệu”!
Nguyễn Hiển