Muốn tăng phí BOT, trước hết cần minh bạch tất cả thông tin
(Dân trí) - Hầu hết các dự án BOT được chỉ định thầu, để rồi một số đã bán thầu và bán tới vài lần. Vậy, chưa nói tới việc chỉ định thầu đúng hay sai, chỉ riêng những khoản chênh giá khủng đó đã vào tay ai. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng, đó chính là động cơ của chỉ định thầu?
Các trạm thu phí BOT giao thông đã, đang là những bức xúc của dư luận, thì mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước. Điều này càng khiến dư luận thêm bức xúc với những lý do hoàn toàn chính đáng.
Theo văn bản của Bộ GTVT, lý do tăng phí bởi trong các hợp đồng ký kết giữa Bộ với các nhà đầu tư làm BOT, có điều khoản tăng phí theo lộ trình; Thu phí thực tế giảm so tính toán ban đầu do lượng xe lưu thông giảm so với tính toán. Lưu lượng giảm bởi một số địa phương mở thêm tuyến giao thông chạy song song hoặc cắt ngang tuyến BOT…
Cũng theo văn bản của Bộ GTVT, nếu không tăng phí, nhiều dự án BOT vỡ phương án tài chính, chủ đầu tư có nguy cơ phá sản và các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu... Vì vậy, Bộ GTVT đề ra hai phương án giải quyết, trong đó phương án 1 là tăng phí đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, Bộ GTVT sẽ đàm phán trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn. Phương án 2, Bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể. Bộ GTVT cho biết đang nghiêng về phương án 1.
Những nội dung trên khiến dư luận buộc phải đưa ra một số câu hỏi:
Thứ nhất, lời cảnh báo của Bộ GTVT là khả năng phá sản của một số chủ đầu tư, đặc biệt là sẽ có hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu ở các ngân hàng có nhằm tạo áp lực trong dư luận và Chính phủ? Tuy nhiên, điều cần làm rõ là, tại sao trong những hợp đồng kinh tế này, hầu hết các điều khoản luôn có lợi cho nhà đầu tư nhằm đảm bảo kinh doanh có lãi và không thể lỗ? Đây là một nội dung khiến dư luận không thể hiểu trong nền kinh tế thị trường. Cụ thể, tại sao phải có lộ trình tăng phí 3 năm 1 lần? Tại sao không tăng theo lộ trình thì Nhà nước buộc phải cân đối nguồn để bù đắp? Tại sao phải nhằm “bảo đảm các dự án BOT kinh doanh hiệu quả” mà không phải là làm ăn không tốt thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm?
Thứ hai, trong các hợp đồng này, tại sao có những điều khoản mật. Câu hỏi đặt ra, làm như vậy có đúng luật không? Và nếu đúng đi nữa tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì nay, đã có thể giải mật đó chưa? Bởi, những hợp đồng này gắn trực tiếp với quyền lợi, nghĩa vụ của tất cả những người tham gia giao thông, do đó, rất cần công khai, minh bạch. Mọi người dân có quyền được tiếp cận với những hợp đồng này để kiểm tra tính hợp pháp và giám sát việc thực hiện.
Thứ ba, điều khiến dư luận cực kỳ bức xúc cho dư luận, từng gây mật trật tự an ninh, tắc nghẽn giao thông thời gian qua ở một số trạm thu phí là do trạm thu phí đặt nhầm chỗ. Vậy câu hỏi phải đặt ra, vì sao Bộ GTVT lại đồng ý cho đặt các trạm thu phí nhầm địa chỉ như vậy? Dù Bộ GTVT có viện bất cứ lý do gì đi nữa, nhưng chắc chắn không ai chấp nhận được bởi nguyên tắc và đạo lý tối thiểu: không mua thì không phải trả tiền.
Thứ tư, theo báo cáo của Bộ GTVT, có trạm BOT tăng thu, nhưng chủ yếu là giảm thu và nhiều trạm giảm nhiều, vậy, lấy cơ sở gì để đảm bảo rằng con số báo cáo của các chủ đầu tư là chính xác? Câu hỏi này đưa ra hoàn toàn có cơ sở bởi chính sự quản lý lỏng lẻo của Bộ GTVT. Chẳng hạn, với trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, không có sự tố nhau giữa các cổ đông, cơ quan chức năng đã không thể biết việc chủ đầu tư đã giấu doanh thu với con số khủng. Hoặc như, giải pháp minh bạch khoản thu một cách đơn giản nhất là thu không dừng, nhưng hết lần này đến lần khác các trạm thu phí đều viện cớ để trì hoãn, và bất thường là ở chỗ, Bộ GTVT cũng đành … “thua”. Thậm chí, mới đây, Tổng cục ĐBVN có văn bản đề nghị Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 nếu đơn vị không thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định. Điều này cho thấy, thực hiện thu phí thủ công, nhưng trạm thu phí còn không sao lưu dữ liệu thu phí thì lấy gì để biết những khoản thu phí khổng lồ là tăng hay giảm?
Rồi, hầu hết các dự án BOT được chỉ định thầu, để rồi họ bán thầu và bán tới vài lần (nội dung này được đề cập kỹ trong bài “Sai phạm BOT của Út “trọc” gắn liền trách nhiệm của Bộ GTVT” ra ngày 19.4.2019). Vậy, chưa nói tới việc chỉ định thầu đúng hay sai, chỉ riêng những khoản chênh giá khủng đó đã vào tay ai, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng, đó chính là động cơ của chỉ định thầu?
Đấy là chưa muốn nói đến cách tính tổng chi cho dự án đã được kiểm toán vạch ra với những sai số khủng khiếp mà người viết đã từng nhắc đến trên diễn đàn này (bài “BOT giao thông - chuyện đã leo thang tới mức này ư?” ra ngày 11.3.2019)
Vì vậy, trước khi đưa lấy ý kiến tăng phí gửi các bộ ngành liên quan, thiết nghĩ, Bộ GTVT trước tiên phải minh bạch, thật minh bạch với những con số đáng tin cậy, lúc đó, dư luận chắc chắn đồng tình, ủng hộ nếu đề xuất tăng phí là đúng.
Vương Hà