Mục tiêu thí đua trong giáo dục cần sát thực tế và thiết thực

(Dân trí) - Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trong giáo dục, công tác thi đua có thời gặt hái được những kết quả đáng tự hào, nhưng nay có nhiều điều bất cập.

Là lĩnh vực hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo và tâm huyết,  giáo dục càng cần đẩy mạnh công tác thi đua nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học. Nhận thức đúng vai trò quan trọng đó của công tác thi đua trong giai đoạn mới, ngành giáo dục đã có những cố gắng đổi mới đáng kể trong chỉ đạo và đánh giá công tác thi đua. Mặc dầu vậy, trên thực tế, công tác này còn tồn tại không ít những bất cập, hạn chế, thâm chí trở thành những lực cản vô hình, kìm hãm sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cũng như mọi mặt hoạt động trong nhà trường.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trước đây, ngành giáo dục đã từng được coi là “Bông hoa đẹp” của chế độ mới, mọi người đều biết đến phong trào thi đua “hai tốt” (Thi đua dạy tốt, học tốt). Phong trào được khởi phát, ra đời vào thời điểm cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng đã đạt được hiệu quả lớn trong việc làm dấy lên một phong trào thi đua rộng khắp, thiết thực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ đất nước lúc bấy giờ. Đơn vị dẫn đầu nổi tiếng cả nước trong phong trào thi đua “hai tốt” là trước cấp II Bắc Lý (Hà Nam) từng được Bác Hồ biểu dương khen ngợi và khuyến khích nhân rộng. Trên nền của phong trào thi đua “Hai tốt”, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã cụ thể hóa nội dung của công tác thi đua bằng việc triển khai các phong trào, các cuộc vận động thiết thực, có ý nghĩa. Chẳng hạn như: cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Những phong trào, cuộc vận động thi đua nêu trên đã tạo ra hiệu ứng trong dư luận xã hội, ít nhiều mang lại

 

Hiệu quả đáng khích kê. Tình trạng học sinh bỏ học có chiều hướng giảm, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, những tấm gương điển hình trong ngành giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù đạt được những thành quả nhất định, công tác thi đua khen thưởng ở các đơn vị trường học cũng đang bộc lộ những bất cập, tồn tại cần sớm được khắc phục, nhất là công tác thi đua, khen thưởng trong đội ngũ giáo viên - nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các đơn vị trường học.
 
Mục tiêu thí đua trong giáo dục cần sát thực tế và thiết thực - 1
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên Hà Nội

 

Trước hết, những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên mà nhiều đơn vị trường học áp dụng bấy lâu nay còn cứng nhắc, chưa thực sự phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, ở một số trường quy định: để đạt được danh hiệu lao động tiên tiến, lao động tiên tiến xuất sắc hay cao hơn là chiến sỹ thi đua, nhất thiết giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm. Nhằm đáp ứng quy định “cứng” này, nhiều giáo viên đã tìm mọi cách để có bằng được sáng kiến kinh nghiệm, kể cả việc “chế biến” đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp ở địa phương khác để “biến cái của người thành của minh”. Điều này dẫn đến việc thi đua thiếu lành mạnh, không thực chất.

 

Một bất cập khác trong công tác xếp loại danh hiệu thi đua giáo viên ở nhiều trường học hiện nay là: những giáo viên có nhiều học sinh xếp loại học lực khá, giỏi hay có thành tích trong việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thường được “ưu ái” đánh giá cao. Trong khi đó, những giáo viên có nhiều nỗ lực trong việc phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém hay giáo dục học sinh cá biệt lại không được quan tâm đúng mức khi xét tặng các danh hiệu thi đua cá nhân.

 

Thực tế trên đã tạo ra sự thiếu công bằng, thậm chí triệt tiêu động lực thi đua giữa các giáo viên. Mặc dù phong trào “hai không” do Bộ GD&ĐT phát động đã thu được những kết quả bước đầu nhưng trong thời gian gần đây, bệnh thành tích trong giáo dục đang có dấu hiệu “tái phát”. Vì những lý do khác nhau, một số nhà trường đã chạy theo thành tích ảo khi đề ra trong bản phương hướng, kế hoạch năm học những chỉ tiêu quá cao so với thực tế để “ngầm” thi đua với trường bạn và để “đưa” danh hiệu về cho trường mình. Chẳng hạn, để thỏa mãn yêu cầu trường chuẩn quốc gia phải có đủ tỷ lệ học sinh gỏi cần thiết. Vì vậy, có trường đối phó bằng cách họp hội đồng giáo viên,  vận động, quán triệt đến tận từng giáo viên để tìm mọi cách làm “đẹp hóa” số điểm của học sinh để “kéo” tỷ lệ học sinh giỏi lên. Cũng vì chạy theo thành tích mà những “mảng tối” trong chất lượng giáo dục của nhà trường đã không được nhận diện đúng với thực tế. Có thể nhận thấy, những tồn tại, bất cập nêu trên đã làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp, tích cực từ các phong trào thi đua.

 

Thiết nghĩ, để công tác thi đua khen thưởng trong các đơn vị trường học thực sự phát huy tác dụng, cần chú trọng nhiều hơn tới tính hiệu quả, thiết thực. Theo đó, ngành giáo dục và từng đơn vị giáo dục cần tiến hành rà soát lại các tiêu chí thi đua, loại bỏ các tiêu chí không phù hợp với thực tế. Các tiêu chí thi đua nhất thiết phải phù hợp với tinh thần của cuộc vận động “hai không”, vừa gắn với đặc điểm tình hình của từng trường vừa có tính khả thi cao. Bên cạnh việc đề ra phong trào thi đua với các tiêu chí sát đúng, ngành giáo dục và mỗi nhà trường cần xây dựng các chế tài để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các phong trào thi đua, từ đó có những hình thức khen thưởng, động viên hay xử lý kỷ luật kịp thời. Có thế, các phong trào thi đua mới thực  sự đi vào thực tiễn, trở thành động lực để phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường.

 

Bùi Minh Tuấn

      (Nghệ An)

 

LTS Dân trí-Công tác thi đua, nếu được tổ chức tốt, có tác dụng thúc đẩy mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy những cách làm sáng tạo để nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Muốn vậy, cần có nội dung thi đua thiết thực, nhằm đúng những mục tiêu cần phấn đấu đạt tới vừa sát với tình hình thực tế, vừa có tính khả thi đối với từng đơn vị. Nếu các tiêu chuẩn thi đua đề ra thấp thì không có tác dụng thúc đẩy phong trào cũng như sự phấn đấu của mỗi người, nhưng ngược lại, những tiêu chuẩn thi đua xác đinh quá cao, không sát tình hình thực tế, thì dễ làm nản lòng mọi người hoặc tìm mọi cách để tạo ra những “thành tích ảo” để vừa lòng cấp trên.

 

Bài viết trên đây đã nêu đúng thực trạng thi đua hiện nay trong ngành giáo dục còn nặng về hình thức, tạo nên những kết quả giả tạo, không đúng thực chất kết quả dạy và học. Điều đó không những làm triệt tiêu động lực thi đua mà tai hại hơn là tiếp tay cho căn bệnh giả dối trong môi trường giáo dục, làm hủy hoại ý chí phấn đấu của cả thầy lẫn trò.

 

Mong rằng ngành giáo dục sớm khắc phục tình trạng đó, đưa công tác thi đua “Dạy tốt và Học tốt” về đúng quỹ đạo ban đầu đã làm nên Ngọn cờ đầu Bắc Lý. Muốn vậy thì phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực hiện nay chính là “Dạy thật và Học thật” tạo tiền đề cơ bản cho “Dạy tốt và Học tốt”.