Mùa cưới và nỗi bất an...
Những rạp đám cưới được dựng ngay trên lòng đường quốc lộ, tỉnh lộ lâu nay ở các địa phương đã trở nên quen thuộc vào mỗi mùa cưới. Tình trạng này cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông rình rập, khi mà ranh giới giữa rạp cưới và lưỡi hái “tử thần” không thể mong manh hơn…
Tham dự một đám cưới mới đây diễn ra ở thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc (Hải Dương), chúng tôi không khỏi lo lắng khi rạp cưới nhà trai được dựng ngay trên lòng đường ĐT392B. Trong rạp quan khách, người nhà tưng bừng nâng chén chúc phúc, ngoài đường các phương tiện vẫn phóng ầm ầm, còi xe inh ỏi. Người ăn cỗ và những chiếc xe tải qua lại chỉ cách nhau lớp rèm mong manh. Ngồi ăn cỗ trong những lằn ranh sinh tử ấy, mấy ai có thể yên lòng?
Anh Đào Văn Thanh, một khách mời từ Hà Nội về ăn cưới cho biết: Ngồi ăn ở đây nhưng tôi không có được cảm giác mùi vị thức ăn mà chỉ mong xong nhanh, bởi mỗi lần xe cộ vù qua, gió tạt lạnh tóc mai, cũng đủ nớm nớp rồi... Mình là khách về dự đám, thôi thì gia chủ bố trí đâu phải ngồi đó. Việc “ma chê cưới trách” rất khó tỏ thái độ hay sự khước từ…
Quan sát đặc thù khu dân cư nơi đây, chúng tôi thấy đây là vùng dân cư tập trung khá đông đúc. Những căn nhà mặt tiền hình ống chật chội rất hạn chế về không gian bài trí. Theo người dân ở đây, những nơi tổ chức tiệc cưới an toàn như nhà văn hóa, các trung tâm dịch vụ tổ chức sự kiện không phải thiếu. Tuy nhiên, với tâm lý chung của không ít người dân muốn tổ chức đình đám tại gia cho tiện lợi và ý nghĩa. Từ đó, họ bất chấp nguy hiểm, tận dụng cả mặt đường để dựng rạp, tổ chức đình đám như sân riêng nhà mình.
Nếu có dịp về một số địa bàn dọc theo quốc lộ 21B đoạn qua Hà Nam, có thể thấy tình trạng “biến” đường thành rạp cưới diễn ra không phải ít. Điển hình như đoạn quốc lộ 21B đoạn chạy qua phường Liêm Chung, hay xã Phù Vân (TP Phủ Lý); xã Đồng Sơn, Liêm Sơn và thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng)… Cung đường này những năm qua đã được nâng cấp mở rộng thành tuyến đường chiến lược kết nối đi các tỉnh, khá rộng rãi, khang trang; do đó, mặt đường thường xuyên biến thành nơi lý tưởng cho đình đám mùa cưới.
“Vẫn biết việc cưới hỏi của gia đình là quan trọng, nhưng thiết nghĩ, khi dựng rạp, tổ chức, cũng cần có ý thức, cần nghĩ cho cộng đồng, nhất là việc gây nguy hiểm cho người khác. Chưa kể cảnh trong rạp thì ăn uống linh đình, hát hò ầm ĩ, người và phương tiện đi đường thì nguy hiểm, ùn tắc, thật chẳng văn minh chút nào!” – Ông Hoàng Văn Thực ở Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết khi đi qua và chứng kiến một rạp cưới được dựng nghênh ngang ra lòng đường quốc lộ 21A, đoạn qua xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Thị sát ở một số địa bàn khác như: Phú Thọ, Yên Bái, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc…, thậm chí cả thủ đô, chúng tôi cũng không khó gặp những rạp đám cưới dựng ngay trên lòng đường quốc lộ, tỉnh lộ hay đường liên huyện. Việc làm này gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông cho người tham gia giao thông.
Một rạp đám cưới dựng trên quốc lộ 21B, đoạn qua xã Liêm Sơn, Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: KC
Những năm qua, rất nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên khắp các cung đường cả nước đã cướp đi hàng trăm sinh mạng. Trong số đó, không ít vụ liên quan đến đám cưới như đám hỏi, đám rước râu, hay xe mất lái tông vào rạp cưới… khiến những ngày vui trọng đại bỗng chốc trở thành những đại tang thảm khốc.
Chúng ta hẳn vẫn chưa quên vụ tai nạn xảy ra ngày đầu tháng 4/2018, tại km 371 trên QL1A (đoạn thuộc địa phận thôn 1, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) khi chiếc xe đầu kéo tông "bay” rạp đám cưới ven đường. Gia chủ hẳn có phúc lớn nên thời điểm xảy ra tai nạn, đám cưới đã tổ chức xong và không có người bên trong rạp. Vì vậy, không có thiệt hại về người.
Và như điệp khúc đến hẹn, cứ vào mùa cưới hàng năm, đi bất cứ địa phương nào chúng ta cũng không khó để bắt gặp những đám cưới được dựng rạp trên đường gây cản trở giao thông, mặc cho bên ngoài các phương tiện giao thông cố gắng len lỏi, hoặc ì ạch băng qua vì ùn tắc...
Đáng nói, có rất nhiều gia chủ nhận biết rõ việc dựng rạp trên đường là nguy hiểm cho khách mời và người thân, nhưng họ vẫn làm ngơ và cố tình “tặc lưỡi” cho qua. Họ đặt trọn niềm tin an toàn vào mấy tấm biển các tông đề dòng chữ “đám cưới” ở hai đầu đường.
Thắc mắc việc này với một vị tổ trưởng dân phố ở thị trấn Gia Lộc (Hải Dương), ông cho biết: Đất lề quê thói vẫn vậy, người dân vẫn muốn tổ chức tại nhà vừa vui, vừa tiện. Chưa thể thay đổi được ý thức của các hộ dân, dù biết rằng dựng rạp thế là nguy hiểm, là vi phạm luật an toàn giao thông. Chúng tôi không cho tổ chức không được. Người này được, người kia không được rất khó xử. Thôi thì mình chỉ bằng cách vận động người dân dần dần…
Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cùng cơ quan chức năng các địa phương cần chung tay vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xóa bỏ thói quen, lề cũ, những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn để cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi theo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mà chúng ta đã phát động từ nhiều năm qua./.
Theo Kim Chiến
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam