Một “tệ nạn mới” ở nông thôn cần sớm dẹp bỏ
(Dân trí) - Phong trào “xây dựng nông thôn mới” cùng với việc thực hiện “nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” đang được Đảng vả Nhà nước triển khai đến khắp các vùng quê, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều nơi đã tổ chức những đám cưới tập thể vừa vui vẻ lại ý nghĩa mà đỡ tốn kém lãng phí. Thế nhưng không ít “tệ nạn” mới đang hình thành. Một trong số đó là việc tổ chức … cưới hai lần.
Việc cưới xin là hệ trọng cả một đời người, vì thế từ đôi bạn trẻ đến họ hàng đều muốn mọi việc được chu đáo vuông tròn. Từ chuyện xem ngày, chọn nơi tổ chức đám cưới đến chọn giờ hoàng đạo… đều được “người lớn” xem xét rất kỹ càng, để yên tâm về sau.
Nhìn chung các đám cưới đều diễn ra đúng thủ tục, lại văn minh tiết kiệm, để lại dấu ấn đẹp trong các cặp cô dâu chú rể về ngày trọng đại của cuộc đời. Nhưng gần đây, ở nông thôn có một hiện tượng thật đáng chê trách: Đó là tổ chức cưới hai lần. Từ một vài đám, đến nay, việc tổ chức cưới hai lần đã được không ít các đám cưới nông thôn áp dụng. Không biết có phải do thầy phán hay do tâm lý “người ta làm mình cũng làm cho yên tâm”, mà mấy năm gần đây chuyện cưới hai lần diễn ra càng nhiều gây bức xúc trong nhân dân và gây tâm lý hoang mang cho đôi vợ chồng trẻ.
Đang phát sinh một tệ nạn mới.
Theo thông lệ của một đám cưới, khi đôi bạn trẻ tâm đầu ý hợp “báo cáo” lại với cha mẹ hai bên, là đến thời điểm hai gia đình chính thức trò chuyện đi lại. Một số thủ tục như chạm ngõ, ăn hỏi rồi đăng ký kết hôn và đón dâu được tiến hành. Nhưng hiện nay, có nhiều người không chỉ tổ chức một lần mà đến hai lần cho con.
Việc cưới hai lần có “ngàn lẻ một” kiểu, nhưng phổ biến nhất là các hình thức sau:
Đăng ký 2 lần: Có những đám đăng ký kết hôn, sau đó 1 tuần lại đến chính quyền hủy hôn, thời gian sau đăng ký lại.
Đón dâu 2 lần: Nhà trai xem ngày rồi đón cô dâu về ngủ một đêm, sau đó một thời gian (có thể sau một vài tháng) mới tổ chức cưới theo nghi lễ đã định. Cá biệt có những đám tổ chức đón dâu 2 lần hình thức như nhau gây tốn kém lãng phí. Điều đáng nói là trong số đó có không ít người là công chức Nhà nước, cán bộ Đảng viên.
Hậu quả để lại…
Việc tổ chức cưới hai lần không những gây tốn kém, lãng phí, mất thời gian vô ích không cần thiết, mà còn ảnh hưởng đến hậu quả về tâm lý của đôi vợ chồng trẻ sau này. Khi biết mình “cao số” phải “đi hai lần đò”, nhiều cô dâu chú rể đã có cảm giác bất an, cảm giác này theo suốt, ám ảnh cuộc sống vợ chồng. Như vậy cha mẹ vô tình đã gây hoang mang tinh thần cho cặp vợ chồng mới cưới.
Có những đám đăng ký kết hôn, sau đó 1 tuần lại đến chính quyền hủy hôn, thời gian sau đăng ký lại. Như vậy gây phiền hà cho cấp quản lý. Chưa kể nếu thời gian lâu (ngoài 15 ngày hết hiệu lực hủy hôn tại nơi đăng ký) phải ra tòa làm thủ tục ly hôn rất phức tạp.
Trong thực tế có những “cô dâu” về ngủ 1 đêm, đã phải gánh chịu hậu quả của sự hình thành một sinh linh bé nhỏ rồi bị bỏ rơi (vì chưa đăng ký kết hôn). Việc cưới hai lần được nhiều đám áp dụng vô hình chung đã tạo thành một trào lưu dẫn đến tệ nạn mới phát sinh. Nếu người ta làm, mình không làm thì không yên tâm, mà làm thì tốn kém. Đó là chưa kể đến sự gián tiếp tiếp tay cho hành đông mê tín dị đoan, tin lời phán mù quáng của các thầy bói, thầy tướng số.
…Cần sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể:
Trước nguy cơ của tệ nạn mới phát sinh, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cần vào cuộc ngăn chặn bằng nhiều biện pháp hữu hiệu.
Đoàn thanh niên nên tổ chức các câu lạc bộ tiền hôn nhân trang bị những kiến thức cho thanh niên trước khi bước vào cuộc sống gia đình, ký cam kết không tham gia các thủ tục có tính chất “tệ nạn mới” như cưới hai lần, phong bì tiền “trả duyên”… Với Ủy ban nhân dân các cấp, khi đôi bạn trẻ đến làm thủ tục đăng ký kết hôn cần yêu cầu gia đình ký cam kết không tổ chức cưới hai lần. Với chính quyền: Cần đưa việc này ra thống nhất trước cuộc họp dân, dần dần sẽ đưa vào hương ước của làng. Trước mùa cưới cần cho các gia đình, dòng họ ký cam kết thực hiện đời sống mới. Hội Phụ nữ cần tuyên truyền cho hội viên hiểu rõ tác hại và hậu quả của cưới hai lần để chị em vận động những người thân tromg gia đình, họ hàng, làng xóm. Trong chi bộ, cần cho Đảng viên ký cam kết rõ ràng. Gia đình đảng viên, cán bộ công chức Nhà nước cần gương mẫu thực hiện trước. Nếu đảng viên nào có người nhà (anh chị em ruột, con cháu) vì phạm cần nghiêm túc nhắc nhở kiểm điểm trước chi bộ.
Một mùa xuân lại về, mùa những lứa đôi gái trai xây tổ ấm. Dư âm hạnh phúc của những cặp uyên ương vẫn còn đọng lại sau tuần trăng mật ngọt ngào, để rồi sau đó họ lại bắt đầu một cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ, chung tay xây dựng hạnh phúc. Những dư âm của ngày cưới như “vạn sự khởi đầu nan” sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của họ sau này.
Là cha mẹ, ai cũng mong cho con cái được hạnh phúc vẹn toàn nhưng lo cho con nghĩa là chuẩn bị cho con tâm thế bước vào cuộc sống gia đình tự lập, là chuẩn bị cho con những điều cần thiết của tiền hôn nhân: kiến thức làm vợ làm chồng, làm cha mẹ, là chuẩn bị cho con chút vật chất để bớt khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp. Nhưng lo lắng cho con đến nỗi nghe thầy bói phán để tổ chức cưới hai lần là không nên.
Vẫn biết việc cưới xin là hệ trọng cả một đời người, từ đôi bạn trẻ đến họ hàng đều muốn mọi việc được chu đáo vuông tròn. Nhưng hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang vận động toàn dân thực hiện việc cưới việc tang theo đời sống mới. Phong trào “xây dựng nông thôn mới” cùng với việc thực hiện “nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” đang được triển khai đến khắp các vùng quê, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Để làm tốt điều đó thì nếp sống mới trong việc cưới của mỗi gia đình phải văn minh tiết kiệm, tạo sự vui vẻ cho đôi bạn trẻ. Có như vậy cuộc sống mới thoải mái, hạnh phúc.
Mong rằng tất cả các bậc làm cha mẹ trước khi dựng vợ gả chồng cho con cần lưu tâm.
Nguyễn Thị Diệp