Tiêu điểm

Một khối băng chìm

(Dân trí) - Những sai phạm của Trường Đại học Lao động – Xã hội vừa được Bộ GD-ĐT công bố cho thấy chân dung thật của một trường đại học, và qua đó có thể hiểu được thêm nền giáo dục đại học nước nhà.

Nói ví von, trường đại học chỉ là một tảng băng chìm, hệ thống giáo dục đại học là một khối băng chìm.

Một nơi cần trung thực nhất, đó chính là các cơ sở giáo dục đào tạo, nhưng ở đây lại tồn tại quá nhiều mờ ám trong tuyển dụng, gian dối kết quả điểm thi. Không phải là vài trường hợp cá biệt, mà sai phạm khá phổ biến, trong nhiều hoạt động khác nhau của nhà trường. Có điều cần quan tâm, đó là sau khi mọi chuyện bị phanh phui, nhiều sinh viên của trường tiếp tục lên tiếng tố cáo về những tiêu cực trong nhà trường. Hóa ra lâu nay, sinh viên biết hết, thậm chí là nạn nhân của tiêu cực và của một môi trường giáo dục bê bối, nhưng chấp nhận phải học để có cái bằng cho xong việc.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm ở Trường Đại học Lao động – Xã hội chỉ là tìm thấy một tảng băng, bởi vì còn rất nhiều tảng băng khác. Chuyện gian dối điểm học, chạy chọt trong thi cử, bùa phép trong tuyển sinh, sử dụng giảng viên tùy tiện đâu phải chỉ có ở trường này. Nếu như Bộ GD ĐT thực hiện thanh tra đầy đủ và toàn diện các trường đại học thì sẽ thấy hệ thống giáo dục đại học thê thảm như thế nào. Tất nhiên vẫn có một vài trường có uy tín, đào tạo có chất lượng, nhưng số đó quá ít ỏi không đủ làm nên hình ảnh cho đại học Việt Nam.

 

Trường mọc lên quá nhiều, tạo ra một cuộc cạnh tranh trong tuyển sinh, ai cũng cần có “khách hàng” nên tìm mọi cách phù phép để có đầu vào. Trường đại học là cơ sở giáo dục, nhưng trên thực tế, nhiều nơi đã biến thành cơ sở kinh doanh. Những điều đẹp đẽ và thiêng liêng về đạo đức học đường, đạo đức nghề nghiệp, lễ nghĩa thầy trò bị thay thế bởi các giá trị rất thị trường, cho nên điểm thi, điểm học, bằng cấp có thể chuyển thành hình thức mua - bán. Sinh viên đến trường chào thầy nhưng trong lòng bất kính, bởi vì chính họ từng phải bỏ tiền để mua điểm của những ông thầy đó.

 

Việt Nam là một nước nghèo, nhưng nhiều gia đình phải chắt chiu, cầm cố tài sản, thậm chí sẵn sàng bán nhà cửa để cho con cái đi du học, nguyên nhân chính là họ không tin vào giáo dục đại học Việt Nam. Bởi vì nhìn vào thực tế, giáo dục đại học Việt Nam không những không phát triển mà ngày càng đi xuống một cách thảm hại, chất lượng của tấm bằng đại học không đáng tin ngay cả đối với doanh nghiệp, tổ chức trong nước, chưa nói đến quốc tế. Một quốc gia có nền giáo dục đại học kém chất lượng  thì không thể phát triển được nguồn nhân lực cao. Một quốc gia không có nguồn nhân lực hùng hậu thì quốc gia đó không thể hùng mạnh.

 

Lê Chân Nhân