“Một dòng thác đầy sinh khí”

Báo chí là lực lượng đi tiên phong trong sự nghiệp cách mạng. Hiểu rõ báo chí là một vũ khí sắc bén của người cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ Le Paria, vừa làm chủ bút, vừa là người in báo, cũng là người phát hành báo.

Trên tờ L’Humanité ngày 4.9.1919 với bài “Vấn đề dân bản xứ”, Nguyễn Ái Quốc đã gióng tiếng chuông cảnh tỉnh không chỉ riêng cho dân tộc mình mà là cho các dân tộc đang sống dưới ách thuộc địa. Trên La Revue Communiste số 14 - tháng 4.1921, Nguyễn Ái Quốc cảnh báo: “Bị đầu độc cả về tinh thần và thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm... Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”(*). Ngay số sau đó - La Revue Communiste số 15, Nguyễn Ái Quốc lại nêu rõ: “Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động: Tự do báo chí. Tự do du lịch. Tự do dạy và học. Tự do hội và họp”(*) để kêu gọi phong trào cộng sản quốc tế giúp đỡ.

 

“Về nước một thời gian, Bác chỉ thị cho cơ quan ra một tờ báo để hướng dẫn phong trào... Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Tên báo là Việt Nam Độc lập, gọi tắt là Việt Lập. Vì khuôn khổ tờ báo nhỏ, chữ... lại phải viết to để đồng bào đọc được dễ dàng, nên các bài viết phải rất ngắn. Có lần tôi ở Tĩnh Tây về, Bác phân công viết một bài cho báo Việt Lập. Bác nói: “Chú viết đúng một trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu”... Về sau có dịp đi công tác tại các địa phương, tôi mới thấy hết tác dụng rất to lớn của tờ báo...”(**).

 

Quả thật, chỉ với vài dẫn chứng trên cho thấy, báo chí với chức năng đích thực của nó như K.Marx chỉ ra là “tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”(***) là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống lành mạnh của xã hội. Nếu so với thời Bác Hồ làm báo thì hôm nay, trong thời đại của Internet, người làm báo lại có điều kiện “để làm báo” thuận lợi hơn rất nhiều. Bưng bít thông tin đã trở thành ngớ ngẩn, chưa nói một thông tin bị che giấu sẽ càng khuyến khích người ta tìm đọc. Phương tiện truyền thông hiện đại nói chung và báo chí nói riêng, vừa là sản phẩm của nền văn minh, vừa đóng góp quan trọng vào nền văn minh đó.

 

Đương nhiên, đóng góp như thế nào là còn tùy thuộc vào bản lĩnh, trình độ nhà báo và chất lượng thông tin. Công chúng đòi hỏi nội dung của những thông tin, những phóng sự, ký sự chuyển tải trên từng trang báo phải là những thông điệp của nhà báo gửi đến công chúng khi: “Báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ. Trong hy vọng và lo lắng, có điều gì báo chí nghe được ở cuộc sống, báo chí sẽ lớn tiếng loan tin cho mọi người đều biết, báo chí tuyên bố sự phán xét của mình đối với những tin tức đó”(***). Đó chính là sứ mệnh thiêng liêng của báo chí cách mạng. Làm được như vậy thì báo chí chính “là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực, lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí”(***). 

 

Chỉ có thể trở thành “dòng thác đầy sinh khí” khi báo chí thực hiện đúng sứ mệnh thiêng liêng của mình, chứ không phải là những bài báo vuốt ve và những bản sao của các văn bản báo cáo vô hồn.

 

---------------

 

* Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXBCTQG Hà Nội. 1995, tr.28, tr.36.

** Võ Nguyên Giáp. Tổng tập Hồi ký. NXBQĐND. 2008, tr.30.

*** C.Mác và  Ph. Ăng-ghen toàn tập. Tập I. NXBCTQG 1995. tr.99,  tr.237, tr.100.

 

Theo GS Tương Lai
Lao Động