Một địa chỉ của lợi ích nhóm

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, có lần thống kê có tới 895 điều kiện kinh doanh cấp 1, 2.129 điều kiện cấp 2, và 1.745 điều kiện cấp 3.

Một địa chỉ của lợi ích nhóm - 1

Ảnh minh họa, nguồn: CafeF

TS Lê Đăng Doanh có lần bình luận “Giấy phép là một miếng đất màu mỡ để chỗ này, chỗ kia gây phiền hà cho doanh nghiệp, kiếm thu nhập”. Ông nói thẳng: Việc khó bỏ giấy phép con “cũng chỉ vì cái phong bì”.

“Cái phong bì” ấy vừa được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa lượng hóa trong một hội nghị chính thức: “Hằng tháng thu mấy chục tỉ, giờ chỉ còn vài trăm triệu, cho nên họ chống đối kinh lắm”.

Họ là ai? Họ là những bộ ngành. Họ là xin- cho. Họ là người cấp phép. Và họ, chính là “lợi ích nhóm”.

“Mấy chục tỉ mỗi tháng” đó chính là lý do chính khiến giấy phép cha, giấy phép con, giấy phép cháu càng chống càng tăng, càng cắt bỏ càng nảy nở.

7.000 giấy phép các loại với 2.833 điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền. là một thứ kỷ lục kinh hoàng, một nụ cười mỉa đối với hai chữ “cải cách hành chính”.

Viết đến đây, không thể không nhắc lại cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Không ngẫu nhiên người nói ông “tự lấy đá ghè chân”.

Khi tiến hành soạn thảo Luật Đầu tư, ông Vinh đã phải rất mạnh mẽ và cương quyết với một quy định: Kể từ 1.7 này, các điều kiện kinh doanh quy định ở cấp thông tư không được đưa lên thành nghị định sẽ đương nhiên bị bãi bỏ vì “trái luật”.

Nhớ trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: Phải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật trên theo quy trình rút gọn, kiên quyết xong trước 1.7.2017.

Chính phủ một lần nữa, nghiêm túc và cương quyết tuyên chiến với giấy phép con, với cơ chế xin-cho.

Nhưng cắt bỏ giấy phép con không chỉ cần sự kiên quyết từ người đứng đầu Chính phủ. Không chỉ với những lời nói, dù vô cùng thẳng thắn. Lại càng không thể trông chờ vào sự “tự giác”, tự cắt bỏ của các bộ, ngành.

Cắt bỏ, hay cải cách thì đúng nghĩa khi có những “lưỡi kéo”, những người chính trực. Chỉ có ý nghĩa với những con số cụ thể giấy phép được cắt bỏ công bố trước toàn dân vào 1.7 này.

Bởi, nói như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, việc ban hành các điều kiện kinh doanh không giảm được nhũng nhiễu, khó khăn cho người dân, cho doanh nghiệp thì việc nâng cấp các điều kiện kinh doanh lên thành nghị định chỉ là cơ học hóa, cứng hóa các điều kiện, trói chặt hơn bằng các nghị định” hoàn toàn không phù hợp với tinh thần đổi mới, tháo gỡ rào cản khó khăn cho doanh nghiệp mà Chính phủ đang đề ra.

Đào Tuấn

Theo báo Lao động