Bạn đọc viết:

Một đất nước muốn phát triển, không thể hạn chế sử dụng ô tô

(Dân trí) - Mà chỉ nên hạn chế tại một thời điểm, một một địa điểm nào đó thôi. Ở châu Âu, Mỹ cũng chỉ hạn chế và không khuyến khích sử dụng ô tô trong thành phố. Nhưng với các loại thuế và phí đang và sẽ có thể áp dụng lên ô tô ở VN thì…

… Tôi thấy như thế lại là chỉ nói lên một điều: Ở Việt Nam không khuyến khích mọi người sử dụng ô tô? Nếu vậy, chiến lược đưa công nghiệp ô tô trở thành ngành mũi nhọn làm sao trở thành hiện thực? (Trong nước thì không khuyến khích sử dụng; sản xuất ra đắt hơn của nước khác làm sao xuất khẩu được). Như vậy có phải là tay trái đập tay phải?
 

Đứng trên phương diện cả một nước, muốn phát triển thì không thể hạn chế sử dụng ô tô. Mà chỉ nên hạn chế tại một thời điểm, một một địa điểm nào đó thôi (Ở châu Âu, Mỹ cũng chỉ hạn chế và không khuyến khích sử dụng ô tô trong thành phố).

 

Vậy theo tôi, VN ta cũng nên có những biện pháp như sau:

 

1/. Giải pháp khuyến khích sử dụng ô trên bình diện toàn quốc, nhưng hạn chế sử dụng trong thành phố.

 

Theo tôi để có thể phát triển được ô tô và vẫn đảm bảo được hạn chế quá tải giao thông (thường chỉ có ở TP lớn như HN và TP HCM) thì 1 chiếc xe chỉ nên thu 2 loại thuế và 3-4 loại phí:

 

Về Thuế:
 
+ VAT: 5 -10% (theo giá trị xe).
 
+  Thuế trước bạ: 5 – 15% (tùy từng địa phương và xe mới hay xe cũ).

 

Về Phí:

 

+ Phí cấp biển: 0,2 – 0,5% (theo giá trị xe).

 

+ Phí bảo vệ  môi trường: đóng theo năm tùy thuộc vào dung tích xi-lanh và độ cũ của xe và thu cùng phí kiểm định: từ 2 – 20 triệu/năm.

 

+ Phí bảo trì đường bộ: tùy thuộc vào dung tích, tải trọng. Nên thu qua lượng xăng, dầu tiêu thụ (Doanh nghiệp nào dùng xăng dầu không vào mục đích giao thông, được hoàn trả thông qua hóa đơn mua và ngành nghề đăng ký kinh doanh: chạy máy phát điện, giao thông đường thủy).

 

+ Phí đi trong nội thành và đi vào giờ cao điểm: có thể thu theo năm/ tháng/ ngày hoặc theo lượt. Và tùy thuộc vào mỗi địa phương. Ví dụ ở HN có thể mua vé tháng và đi được tất cả các thời điểm thì 5 triệu/tháng. Không đi vào giờ cao điểm thì 3 triệu/tháng. Hoặc phí theo lượt là 200.000/ lượt/ngày. Những thành phố và địa phương nào không có bức xúc về giao thông thì địa phương xem xét thu rất thấp hoặc không thu. Trước hết cứ làm với ô tô cho tốt đã rồi mới tính chuyện xe máy.

 

Còn thuế tiêu thụ đặc biệt thì nên bỏ. Để bảo hộ sản xuất ô tô trong nước thì thu thuế cao đối với nhập xe nguyên chiếc cũng như cụm phụ tùng không đủ độ rời rác. Khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa thì thu thuế cao đối với những những chi tiết nhập khẩu đã có nhà sản xuất trong nước cung cấp đạt tiêu chuẩn do Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh giá.

 

Mọi người sẽ thấy hợp lý nếu xe ô tô sản xuất trong nước (ví dụ Civic 1.8 AT) để lăn bánh có giá khoảng 430 triệu đồng, nhưng cũng là xe đó nhập khẩu thì giá là 920 triệu. Đi ô tô ở HN, TPHCM thì mất 10 - 15 triệu/tháng, còn đi ở Cao Bằng hay Cà Mau chỉ mất 5 – 7 triệu/tháng.

 
Một đất nước muốn phát triển,  không thể hạn chế sử dụng ô tô
Cổng ERP được lắp trên tất cả các con đường dẫn tới khu thương mại trung tâm của Singapore, các xa lộ và trục giao thông chính đông đúc, nhằm hạn chế xe lưu thông vào giờ cao điểm
 

2. Từng bước hạn chế phương tiện cá nhân trong nội thành: Để làm được, UBND các thành phố giao cho Sở GTVT lên phương án như sau:

 

+ Bước 1:  giai đoạn thử nghiệm (3 – 6 tháng).

 

- Đưa ra mạng lưới những đường, phố có thể cấm xe máy vào giờ cao điểm (có thể lấy các trục chính xuyên tâm và các đường vành đai).

 

- Tuyên truyền và vận động người dân ủng hộ, tạo thói quen đi bộ.

 

- Tổ chức các điểm  trông giữ xe đạp, xe máy hợp lý gần với tuyến đường cấm.

 

- Trong thời gian hạn chế ô tô cá nhân và xe máy, cần tổ chức tuyến xe buýt đi liên tục 3 đến 7 phút/chuyến  và có thể cho phép sử dụng xe đạp (coi xe đạp điện như xe máy). Lúc này xe buýt sẽ chạy được đúng giờ do đường không bị tắc.

 

- Áp dụng thu phí đi vào giờ cao điểm đối với ô tô khi đi trên đường này (giai đoạn này thử nghiệm vé lượt và vé ngày).

 

+ Bước 2: đánh giá và điều chỉnh.

 

- Đánh giá hiệu quả sau 1 – 2 – 4 và 6 tháng.

 

- Điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

+ Bước 3: mở rộng và cải thiện giao thông.

 

- Duy trì thêm 6 tháng – 3 năm để tiếp tục bổ sung và điều chỉnh.

 

- Đánh giá lại kết quả.

 

- Nếu có hiệu quả thì mở rộng thêm số tuyến đường cần hạn chế.

 

- Tăng cường năng lực của phương tiện vận tải công cộng.

 

+ Bước 4: sau 3 – 5 năm.

 

- Tiếp tục tăng cường năng lực vận chuyển của phương tiện công cộng.

 

- Tiến tới cấm xe máy trong nội thành (được sử dụng xe đạp).

 

- Thu phí ô tô đi vào nội thành và giờ cao điểm trong toàn bộ các tuyến đường nội thành (đa dạng loại vé: lượt/ngày/tháng/quý/năm).

 

Nguyễn Châu