Mối đe dọa lớn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp (DN)…

58% trong số 270 DN được khảo sát khẳng định mình chính là nạn nhân của tham nhũng, 13% DN cho rằng khoản chi phí không chính thức, hay nói thẳng băng ra là đút lót chiếm tới hơn 5% tổng chi phí của DN.
 

DN đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình đốn, hàng hóa trong nước yếu thế khi cạnh tranh với sản phẩm các nước. Chống chọi với các nguy biến trên thương trường đã kiệt sức, DN lại còn phải chịu áp lực từ những chiếc vòi tham nhũng, phải bỏ thời gian, tâm lực để đối phó với nạn nhũng nhiễu. Trong số hàng chục ngàn DN phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động vừa được công bố, chắc chắn có những đơn vị “chết” do tham nhũng.

 

Tham nhũng không chỉ gây hại cho nạn nhân trực tiếp là DN, mà tác động tiêu cực đến nền kinh tế. DN kinh doanh kém hiệu quả thì Nhà nước thất thu thuế, người lao động giảm thu nhập, các hoạt động từ thiện xã hội, bảo vệ môi trường mà DN có thể tham gia đóng góp sẽ bị hạn chế. Tham nhũng còn gây ra nạn hàng gian, hàng giả, thực phẩm mất an toàn vệ sinh, DN đổ chất thải ra môi trường, bởi vì lực lượng thi hành công vụ kiểm soát các vi phạm đó đã bị đồng tiền mua chuộc.

 

Một ảnh hưởng khác, các chỉ số nhận thức tham nhũng do các tổ chức trong nước hay quốc tế công bố (không thể che giấu được) sẽ tác động đến môi trường đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài hiển nhiên không lựa chọn một môi trường kinh doanh còn nhiều rủi ro. Ngoài ra, các ngân hàng, quỹ tiền tệ, tổ chức tài chính cũng sẽ xem xét cẩn trọng trước khi thực hiện các quyết định hỗ trợ hoặc cho vay đối với các quốc gia có nạn tham nhũng phổ biến.

 

Điều nguy hiểm nhất, tham nhũng vật chất sẽ dẫn đến tham nhũng quyền lực. Trong bộ máy công quyền, các cá nhân sẽ thấy nguồn bổng lộc từ quyền lực thì họ thi nhau chạy chức; kẻ có quyền lực thì bằng mọi giá bảo vệ quyền lực. Xu hướng này sẽ khiến cho tham nhũng lan rộng, vươn cao, đâm sâu vào gốc rễ của hệ thống. Các nhà lãnh đạo cao cấp đã từng cảnh báo tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ là vì lẽ này.

 

Không chỉ VN đang phải đối phó với nạn tham nhũng mà còn nhiều nước khác, cho nên thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp chống tham nhũng cụ thể, khoa học, từ sự hoàn thiện bộ máy hành chính để hạn chế cơ hội tham nhũng, đến hệ thống pháp luật để điều tra, xét xử khi phát hiện cá nhân sai phạm. Nhưng rốt cuộc, để đẩy lùi tham nhũng hiệu quả, dù biện pháp gì thì việc cốt lõi là những người lãnh đạo trong bộ máy quản lý phải trong sạch, liêm khiết.

 

  theo Lê Thanh Phong
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm