Mấy ý kiến về việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở

Thông thường, con đường đi của học sinh là học Tiểu học, tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS), vào Trung học phổ thông (THPT), học Đại học, Cao đẳng và ra trường, đi làm đúng nghề

Mấy ý kiến về việc phân luồng học sinh  sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở - 1

 Nhưng không phải ai cũng có được con đường bằng phẳng như vậy. Vì nhiều lý do, học sinh tốt nghiệp THCS không được học tiếp lên THPT. Vậy hướng đi nào cho học sinh sau tốt nghiệp THCS là điều người lớn chúng ta trăn trở.

Sự cần thiết phải phân luồng học sinh sau THCS

Trong thực tế, mỗi quận huyện chỉ có vài ba trường THPT, nhưng mỗi xã phường lại có 1 - 2 trường THCS dẫn đến mỗi huyện có đến mấy chục trường THCS. Như vậy số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS mà không theo học tiếp THPT cũng không ít. Các em lại ở tuổi vị thành niên, nếu không có định hướng rất dễ bị lệch chuẩn trong lối sống và việc chọn nghề nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có rất nhiều hướng đi. Ngoài việc tiếp tục học THPT hay trong các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các em còn có thể theo học nghề hoặc tham gia lao động sản xuất. Trong số học sinh không tự tin để học tiếp THPT, phần lớn là do các em bị hổng nhiều kiến thức cơ bản nên không thi, hoặc thi không đỗ.

Nhưng có một thực tế: khi các em thi trượt, không vào được THPT, nhiều phụ huynh vẫn không muốn cho con em vào học nghề, mà vẫn mong muốn con mình học ôn để thi lại năm sau. Có những em do lực học yếu, ôn nhiều năm vẫn không thi đỗ THPT gây tốn kém cho gia đình, lại thêm tuổi các em đã lớn, rất ngại khi ngồi với bạn bè cùng lớp mà ít tuổi hơn nhiều, mặc cảm học không vào, thành ra lỡ dở cả mấy năm.

Trước thực trạng khó khăn, bế tắc của công tác phân luồng hiện nay, phải thay đổi nhận thức của xã hội, đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong trường THCS, đầu tư mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề ở những vùng khó khăn. 

Giải pháp nào

Trong khi chúng ta chưa có một cơ chế cụ thể, mỗi nơi có một giải pháp khác nhau phù hợp với địa phương mình. Là một giáo viên, tôi nhận thấy cần sớm phân luồng học sinh sau THCS để giúp các em xác định được một hướng đi đúng đắn phù hợp với năng lực của mình.

Muốn phân luồng học sinh sau THCS được tốt, việc đầu tiên phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh. Các trường THCS cần làm tư tưởng cho PHHS để họ thông suốt khi quyết định cho con em mình vào học nghề (nếu lực học của các em không đảm bảo học THPT). Mặt khác, để phụ huynh có thể tin tưởng trao con em mình, các trường nghề nên công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, công việc sau này.

Công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS là cần thiết. Ngay từ kỳ II lớp 8, mỗi tháng học sinh được học 2 tiết hướng nghiệp để định hướng sau khi tốt nghiệp THCS. Thế nhưng 2 tiết ít ỏi này cũng không mấy khi được thực hiện nghiêm túc. Cần chú trọng các tiết hướng nghiệp để học sinh tự xác định được trình độ của mình có thể phù hợp với nghề nào nếu không theo học tiếp THPT.

Mặt khác, trước mỗi kỳ tuyển sinh vào THPT, nhà trường cần tư vấn cụ thể để các em nhận thức được lực học của mình, không nên làm hồ sơ theo trào lưu. Giáo viên chủ nhiệm nên mạnh dạn nói rõ với những học sinh có lực học “non” không thể thi đỗ THPT, đồng thời khuyên các em làm hồ sơ vào trường học nghề, vừa đỡ tốn kém cho gia đình, vừa tránh bị “tổn thương” khi điểm thi vào THPT của các em quá thấp.

Ngành giáo dục cần đầu tư hơn nữa cho các trường nghề, các Trung tâm dạy nghề cấp quận huyện. Nâng cấp các TTGDTX cấp huyện để thu hút học sinh vào học. Đối với trường THCS, cần tổ chức tốt, nghiêm túc các kỳ thi nghề phổ thông đối với học sinh lớp 9. Khi làm công tác hướng nghiệp cũng cần cho học sinh biết rõ những ưu tiên đối với học sinh tốt nghiệp THCS, khi vào học nghề sẽ được miễn học phí. Mới đây, chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS. Trong đó chú ý nhất là sau khi hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT và chương trình đào tạo TCCN, nếu đủ điều kiện theo quy định hiện hành, người học có thể tham gia kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT và kỳ thi tốt nghiệp TCCN để có cơ hội nhận được 2 bằng tốt nghiệp.

Việc đẩy mạnh phân luồng sau THCS phải làm ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9. Các trường THCS cần định hướng cho học sinh: nếu cảm thấy lực học không vào được lớp 10 công lập, học sinh nên đăng ký học trung cấp chuyên nghiệp (hệ vừa học vừa làm), khi ra trường các em có cả bằng THPT và bằng nghề, có thể đi làm ngay. Không nên để các em tự bơi trong muôn vàn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS. Sau khi tuyển học sinh đủ điều kiện về văn hóa vào THPT, cần có hướng phân luồng cho những học sinh còn lại vào Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề hoặc tham gia lao động sản xuất phù hợp với năng lực của mình (Điều này thầy cô giáo trong trường THCS và phụ huynh cần định hướng cho các em)

Với hệ Giáo dục thường xuyên, cần quản lý tốt chất lượng giáo dục, coi việc học giáo dục thường xuyên là một hệ nghiêm túc, tránh tư tưởng học sinh chán học, thấy mình thất thế so với các bạn mà bỏ học. Theo tôi,  nếu có thể, mỗi năm nên cho học sinh của TTGDTX thi khảo sát, nếu đủ điều kiện học THPT thì chuyển sang hệ THPT để thu hút các em cố gắng học tập, tránh tâm lý chán nản. Đào tạo nhân lực giáo viên tại các TTGDTX một cách bài bản quy củ. Hệ này phải học đầy đủ các môn như THPT để các em khỏi tự ti, cảm thấy mình thua kém bạn bè.

Lâu nay, chúng ta vẫn chỉ chú trọng đến việc học sinh thi vào THPT, thi đại học, cao đẳng và chọn ngành nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Nhưng còn một số lượng học sinh tốt nghiệp THCS mà không có điều kiện học tiếp THPT thì chưa được quan tâm nhiều. Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là vấn đề cần thiết và cấp bách. Cuối mỗi năm học lại có hàng ngàn học sinh tốt nghiệp THCS. Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là một bài toán cần nhiều lời giải khác nhau. Nếu việc phân luồng học sinh sau THCS được thực hiện với những biện pháp tích cực, phát triển đúng hướng sẽ là người bạn đồng hành không thể thiếu, là biện pháp quan trọng nâng cao hiệu quả xã hội của công tác phổ cập giáo dục trong tình hình hiện nay.

Nguyễn Thị Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm