Ý kiến giáo viên
Mấy suy nghĩ về học trái tuyến.
Hàng năm, cứ đến đầu tháng 7, các trường mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở lại tổ chức tuyển sinh đầu cấp. Đó là “bề nổi”. Còn thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã “vận động” từ mấy tháng trước để lo cho con em mình vào học một trường được họ coi là “như ý”, cho dù có xa, có trái tuyến.
Điều này đã tạo nhiều áp lực cho các trường, gây khó khăn cho khâu tuyển sinh và thiếu chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất. Không những thế còn ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, khiến xã hội có cái nhìn không tốt về bức tranh giáo dục.
Bởi vì học sinh đến tuổi đi học có quyền được chọn một cơ sở giáo dục để học tập theo chương trình phù hợp với lứa tuổi của các em. Trên mỗi địa bàn dân cư (xã, phường, thị trấn) đều có trường học gồm tất cả các cấp (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em mọi lứa tuổi. Việc này giúp các em đều có điều kiện học hành ở một ngôi trường gần nhà, đi lại thuận tiện. Những học sinh có hộ khẩu tại khu dân cư đó gọi là học đúng tuyến, học sinh hộ khẩu nơi khác chuyển đến gọi là học trái tuyến. Đấy chỉ là cách gọi để quản lý tốt hơn, còn trong thực tế, dù trái tuyến hay đúng tuyến, các em đều được đối xử công bằng như nhau.
Mấy năm gần đây, cơ chế “mở” có phần thoáng hơn nên hiện tượng học trái tuyến càng nhiều. Một số cháu vì điều kiện hoàn cảnh (như gửi về ông bà, người thân do bố mẹ phải đi làm ăn xa, hoặc các cháu nhập cư nơi khác đến chưa kịp chuyển khẩu về…) phải đi học ở những nơi không có hộ khẩu thường trú.
Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn nói đến thực tế nhiều phụ huynh bằng cách này cách khác xin cho con học “trái tuyến”. Trong ý nghĩ của họ, gửi con vào những trường đó sẽ giúp cho con em họ học tốt hơn.
Ngàn lẻ một lý do học trái tuyến.
Chính vì tâm lý đám đông, cứ mỗi mùa tuyển sinh, phụ huynh tìm mọi cách để cho con vào bằng được ngôi trường mà nhiều người đổ xô đến. Thôi thì tận dụng mọi mối quan hệ “thân” có “sơ” cũng có. Có người nghe lời “cò” đã phải chi một khoản không nhỏ để con được vào trường theo ý bố mẹ muốn. Vì thế mới dẫn đến tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để mua bằng được hồ sơ vào trường cho con. Mới có cảnh tượng xô đổ cánh cổng trường để bằng cách xin cho con vào học trường như ý.
Để khắc phục, một số trường đã có phương án thi tuyển vào đầu cấp để tuyển sinh vừa đủ số lượng theo chỉ tiêu, tránh quá tải so với hệ thống trường lớp hiện tại. Thế là dịch vụ luyện thi vào lớp 1- một hình thức “ăn theo” - cũng xuất hiện. Thôi thì đủ cả: Luyện đọc, luyện viết, luyện giao tiếp, luyện cả …ngoại ngữ nữa. Chỉ khổ cho các bé 5 tuổi ngây thơ phải rời bỏ gấu bông, búp bê, theo bố mẹ đến các “lò” luyện thi. Vốn tiếng Việt của các bé còn quá ít, giờ lại phải “cõng” thêm vốn tiếng Anh. Cái đầu non nớt của các em cảm thấy sợ khi vừa bắt đầu bước chân vào cuộc đời học sinh đã phải chịu nhiều áp lực. Nhiều em nảy sinh tâm lý sợ đến lớp, chán học và tìm đủ mọi lý do để khỏi phải đến trường. Điều đó ảnh hưởng đến cả quá trình học tập sau này.
Thực tế, không ít những trường được gọi là “tốp trên” ban đầu chỉ tuyển 2/3 số học sinh trong chỉ tiêu. Số 1/3 còn lại để dành cho những “suất” thân quen, các cháu nếu thi “thẳng thừng” chắc chắn sẽ không đủ tiêu chuẩn như các bạn, dẫn đến đầu vào “khập khiễng”, thầy cô dạy rất khó khăn. Mặt khác những em trình độ “non” hơn các bạn sẽ rất vất vả để theo kịp lớp khi tiếp thu bài.
Có những nơi, chẳng hiểu vì lý do gì mà cơ quan giáo dục cũng gián tiếp “tiếp tay”cho việc học trái tuyến. Chẳng hạn như trong công văn chỉ đạo ghi rõ việc phân tuyến tuyển sinh, nhưng khi duyệt chỉ tiêu thì lại ưu ái một vài trường “cánh hẩu”. Sĩ số học sinh lớp 5 trong khu vực đúng tuyến rất ít, nhưng lại duyệt chỉ tiêu lớp 6 gấp đôi. Trường đó nghiễm nhiên được phép vận động lôi kéo phụ huynh các trường khác nộp hồ sơ. Thậm chí lãnh đạo cấp trên còn gọi điện yêu cầu các trường phải trả lại hồ sơ đã nhận để phụ huynh nộp về trường A, trường B. Có những trường hợp lãnh đạo yêu cầu trường sở tại phải làm thủ tục “chuyển trường” cho những trường hợp không đủ tiêu chuẩn vào trường A, trường B theo kiểu đi đường vòng. Rồi thì gọi điện, nhắn tin, thư tay… gây bức xúc không đáng có trong mùa tuyển sinh.
Phụ huynh cần nhận thức rõ hơn về học trái tuyến
Việc dạy và học của các trường đều theo một chương trình chuẩn chung do Bộ giáo dục quy định. Tất cả các giáo viên đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy đều được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm. Tâm huyết với nghề thì ai cũng có, lòng nhiệt tình thì “một mười một chín”. Nhưng do sự đầu tư của lãnh đạo địa phương, tạo dựng được những mối quan hệ tốt, hay do làm tốt công tác Xã hội hoá giáo dục nên một số trường có cơ sở vật chất khang trang hơn. Có một số trường bề dày thành tích hơn đã tạo dựng được “thương hiệu” của mình. Nhưng cũng không ít trường đã tự quảng cáo để thu hút học sinh mà chưa chắc những quảng cáo ấy đã hoàn toàn đúng với chất lượng thật.
Với con trẻ: Các em học sinh trái tuyến đi học xa, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và đi lại trên đưòng rất bất tiện, sức khoẻ không đảm bảo, ảnh hưởng đến sự học tập. Mỗi lớp học sinh ở các trường này thường rất đông, dẫn đến quá tải. Nếu hoạt động nhóm học tập trên lớp, mỗi nhóm sẽ có số học sinh nhiều hơn, các em không được thực hành hết các kỹ năng thầy cô hướng dẫn (do mỗi tiết học chỉ có 45 phút), giáo viên không thể nào quán xuyến hết từng em trong lớp, đó là điều không tránh khỏi.
Đành rằng tạo điều kiện cho con học tập là rất nên, nhưng các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng chỉ có học trong điều kiện tốt nhất, con em mình mới học tốt được. Bởi thực tế trước đây, học trò phải học trong các khu lớp tạm tranh tre nứa lá, đồ dùng học tập thiếu thốn trăm bề, vậy mà vẫn có nhiều ngưòi tài giỏi thành đạt, giúp ích cho xã hội. Ngay cả bây giờ, những học trò của các tỉnh miền Trung khí hậu khắc nghiệt, vô vàn khó khăn mà các em vẫn vươn lên học giỏi, thành đạt nhiều. Vậy kết quả học tập cứ phải đâu là do điều kiện trường lớp quyết định hoàn toàn. Có khi cùng một thầy cô dạy, trong điều kiện trường lớp như nhau mà em này học tốt, em khác học kém. Cái chính là do ý chí và nghị lực cuả con người. Đôi lúc ta cũng cần nghĩ: Càng trong khó khăn, các em càng được tôi luyện kỹ năng sống để vượt khó, sau này ra đời sẽ khỏi bỡ ngỡ trước những sự việc, có cách ứng xử tốt hơn trong mọi hoàn cảnh.
Học trái tuyến vừa vất vả cho các em, vừa gây áp lực không cần thiết cho nhà trường về sự quá tải trường lớp, giáo viên. Chưa kể những phức tạp rắc rối về thủ tục, tốn kém về tài chính. Mặt khác (cá biệt) có những em học yếu nhưng được cha mẹ xin cho học những trường được coi là “tốp trên” rất dễ kiêu với bạn bè, sinh ích kỷ hẹp hòi và sống không hoà đồng. Hơn nữa, lứa tuổi các em chưa đủ cứng rắn để tự bảo vệ mình, xã hội nhiều vấn đề phức tạp, đi học xa nhà, liệu rằng lúc nào bố mẹ cũng ở bên để che chở bảo vệ được không?
Về phía ngành giáo dục
Để khắc phục dần hiện tượng phụ huynh “đổ xô” cho con đi học trái tuyến ở những trường thuộc “tốp trên”, ngành giáo dục cần đầu tư trang thiết bị cho các trường một cách đồng đều. Mỗi thầy cô giáo cũng cần tự rèn luyện về nghiệp vụ đạo đức và kiến thức sư phạm để dạy tốt hơn. Các trường cần sớm khẳng định thương hiệu của mình qua kết quả giáo dục thực chất để tạo được niềm tin trong nhân dân, để phụ huynh học sinh tin tưởng giao phó con em họ. Mặt khác, nhà trường cần tham mưu với chính quyền địa phương dành nhiều ưu tiên cho giáo dục, có những quyết sách về giáo dục, nhất là việc học trái tuyến với học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở. Để hạn chế những tiêu cực phát sinh từ việc học trái tuyến, thu tiền trái tuyến, hơn bao giờ hết các cơ sở giáo dục cần có biện pháp nâng cao chất lượng của trường để thu hút học sinh đến lớp, không chỉ bằng việc quảng cáo, mà phải thực chất.
“Hãy dành cho trẻ em những gì tốt nhất mà mình có” là khẩu hiệu mà ta vẫn thường gặp hàng ngày. Nhưng nên dành cho trẻ em những gì “mình sẵn có” chứ đừng cố gắng tạo ra những thảm đỏ, nhung lụa từ khi các em còn bé. Vì như thế các em rất dễ trở thành người ích kỷ, kiêu căng và không có ý chí phấn đấu, tôi luyện. Nếu con em mình chưa đạt được yêu cầu về mặt này mặt khác (lực học, sức khoẻ, môi trường, địa bàn) thì tốt nhất hãy để các em học tập gần nhà theo địa bàn dân cư. Không nên vì những mục đích ganh đua cuả người lớn mà cho trẻ học trái tuyến, gây áp lực không nhỏ đến môi trường giáo dục vốn được xã hội tôn vinh. Việc nhiều học sinh “đổ xô” vào một số trường đã tạo nhiều áp lực cho các trường, gây khó khăn cho khâu tuyển sinh và thiếu chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất. Không những thế còn ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh khiến xã hội có cái nhìn không tốt về bức tranh giáo dục.
Điều đó có nên?
Diễm Nguyệt