“Luật nước – Lệ làng”

Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Sa Pa (Lào Cai) trưa ngày 1/3 vừa qua đang được dư luận quan tâm đặc biệt, bởi sự việc người nhà nạn nhân và người dân kéo ra hiện trường đòi hai lái xe ô-tô phải bồi thường 400 triệu đồng mới cho đi là chuyện “lạ”...

“Luật nước – Lệ làng” - 1
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: VOV

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông (ATGT) huyện Sa Pa, vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 1/3, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên Quốc lộ 4D, thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa. Nam thiếu niên (SN 2004) điều khiển xe máy, đâm trực diện vào ô-tô ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) dẫn đến tử vong. Công an huyện Sa Pa đã nhanh chóng tổ chức lực lượng đến hiện trường, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông, tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh theo quy định.

Tuy nhiên, khi Công an huyện Sa Pa chuẩn bị tiến hành di chuyển phương tiện, thi thể nạn nhân để phân luồng giao thông thì gia đình nạn nhân cùng một số dân bản người dân tộc Mông khác có mặt tại hiện trường đã cản trở, không cho di chuyển phương tiện giao thông liên quan tai nạn, không cho khám nghiệm tử thi, đưa tử thi đến vị trí khác để tổ chức khám nghiệm; đồng thời, yêu cầu hai lái xe ô-tô bồi thường 400 triệu đồng mới cho di chuyển.

Sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông phương tiện qua khu vực này. Chỉ đến khi chính quyền cùng các cơ quan chức năng huyện tổ chức cho hai lái xe ô-tô liên quan vụ tai nạn hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng thì gia đình nạn nhân mới nhất trí cho di chuyển thi thể ra ngoài Quốc lộ 4D để khám nghiệm, cho di chuyển các phương tiện giao thông liên quan vụ tai nạn để thông tuyến Quốc lộ 4D.

Và như vậy, sự việc bước đầu được giải quyết là do hai lái xe ô-tô đã thương lượng khi một nửa số tiền (200 triệu đồng) được đưa ra.

Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 4/3, Ủy ban ATGT quốc gia có công văn đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Lào Cai kiểm tra, xử lý vụ “bắt đền” 400 triệu đồng sau vụ TNGT xảy ra tại huyện Sa Pa (Lào Cai).

Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, hành vi tụ tập đông người, cản trở các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ khắc phục TNGT, gây ùn tắc và đòi tiền đền bù ngay đối với những người liên quan vụ tai nạn là vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội, tạo tiền lệ xấu khi giải quyết TNGT, gây bất bình trong dư luận xã hội; đồng thời đề nghị, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh Lào Cai chỉ đạo cơ quan công an phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ vi phạm của các cá nhân trong vụ việc trên, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Qua sự việc trên, dư luận rất quan tâm về cách hành xử này và đặt ra những câu hỏi về cách xử lý của lực lượng công an địa phương (có mặt tại hiện trường) khi để cảnh “bắt vạ” này xảy ra.

Phải chăng gia đình nạn nhân, cả hai lái xe ô tô lẫn lực lượng công an đều coi cách hành xử như vậy là theo “lệ” đã được “mặc định” bấy lâu nay?.

Cái “lệ” ấy là gì? Đó là xe lớn đền xe bé; người sống đền người chết. Có nghĩa, trong mỗi vụ tai nạn, phía thiệt thòi hơn vẫn luôn được người trong cuộc chấp nhận đền bù thiệt hại.

Cách nghĩ ấy cần được xem xét ở những góc độ khác nhau, để đưa ra cách giải quyết tốt nhất vừa có lý và có tình, bảo đảm hài hòa của các bên liên quan.

Trao đổi với báo chí, luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Bình An) cho rằng, việc yêu cầu đòi bồi thường trong sự việc nêu trên, về cách thức, phương pháp và thời điểm cũng như mức bồi thường là chưa phù hợp.

Nếu là các va chạm nhỏ, ít thiệt hại, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về việc đền bù. Trong tình huống này, có thể không cần quan tâm đến lỗi và các yếu tố khác. Nhưng ở đây, va chạm giao thông đã gây ra hậu quả chết người nên mọi việc cần phải làm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Theo luật sư Chi, cần phải đo đạc hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, xác định yếu tố lỗi khi vi phạm, thậm chí phải xét nghiệm máu để xác định có chất kích thích hay không. Và cuối cùng, xác định nguyên nhân gây tử vong là gì.

Có thể có lỗi hỗn hợp (lỗi từ cả hai phía) và cơ quan chức năng phải làm rõ xem lỗi thuộc về bên nào là chủ yếu; hoặc lỗi 50/50; hoặc lỗi 100% thuộc về bên nào để làm cơ sở cho việc xem xét trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bồi thường đối với các bên.

Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh) đưa ra quan điểm: Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, cần xác định lỗi các bên vi phạm. Nếu bên nào có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp, có căn cứ xác định lái xe ô tô không có lỗi vi phạm gây ra hậu quả chết người thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, việc bồi thường dân sự do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được sẽ đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết theo trình tự dân sự.

Luật sư Thơm cho rằng, một số người dân đã quá khích, say rượu, nếu có hành vi gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, cản trở việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông thì tùy theo tính chất mức độ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015.

Dưới góc độ văn hóa của người Việt Nam thì “một cái lý bằng một tý cái tình”, giải quyết công việc nặng về tình cảm, thỏa thuận, hài hòa và không muốn đưa nhau ra pháp luật. Điều này có thể nói đã phát huy tính tích cực trong một số trường hợp. Nhưng, ở rất nhiều trường hợp khác, với sự thẩm thấu, bén rễ quá sâu của cách hành xử cũ, câu chuyện lại diễn ra theo cái hướng “phép vua thua lệ làng” như dân gian thường gọi.

Vụ việc TNGT ở Sa Pa vừa qua có thể nói là một điển hình của cách xử lý theo “lệ làng” của người Việt và nó đã, đang trở thành rào cản cho việc thực thi pháp luật.

Vì tình cảm mà người ta có thể biện bạch cho rất nhiều hành vi vi phạm giao thông của mình – để rồi khi bị xử phạt, người ta có thể bằng đủ lời xin xỏ, nhờ vả “thông cảm” “châm chước”, “bỏ qua”…. Người đi ô tô – và tất nhiên là TNGT xảy ra phải đền người đi xe máy là “mặc định”, mãi bị “đóng đinh” bởi lệ làng ấy và những hệ quả tiêu cực lại tiếp tục xảy ra...

Chính bởi sự tình cảm theo kiểu “lệ làng” ấy, không chỉ nạn nhân mà người đi đường, cảnh sát giao thông, hay thậm chí cả người không may bị cuốn vào vụ tai nạn cũng vẫn thường muốn thỏa hiệp, để câu chuyện được giải quyết êm đẹp cho nạn nhân, bất kể chuyện đúng, sai.

Vụ việc TNGT xảy ra ở Sa Pa để lại cho chúng ta bài học đắt giá về giáo dục an toàn giao thông ở các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và xã hội, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và cách ứng xử khi TNGT xảy ra đối với người dân. Và đối với sự việc này, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải kiên quyết xử lý để pháp luật được thực thi trong cuộc sống./.

Theo Nguyễn Minh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam