Bạn đọc viết

Lời thề… gió bay

Việc kí cam kết nói không với tham nhũng tiêu cực chỉ là việc làm mang tính chất hoa hòe hoa sói trang trí cho các bản báo cáo tổng kết thêm sặc sỡ mà thôi.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Từ năm 2014, ngành Hải quan được Nhà nước đầu tư cải cách thủ tục, áp dụng quy trình Hải quan điện tử được các chuyên gia đánh giá là còn chặt chẽ hơn cả ở Nhật. Mọi việc từ khâu tiếp nhận tờ khai, kiểm tra, giám sát đến thông quan hàng hóa đều công khai, minh bạch, hạn chế công chức tiếp xúc với doanh nghiệp, với giấy tờ; ngăn ngừa được tiêu cực, tham nhũng.

Thế nhưng theo báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thì có đến 28% doanh nghiệp phải trả thêm các khoản phí “bôi trơn” khi thực hiện thủ tục Hải quan. Riêng tại TP.HCM con số này lên đến hơn 53,35%.

Mới đây, thực hiện Chỉ thị 01-CT/ĐU ngày 17-9-2015 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Hải quan đã tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan kí cam kết nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Có thể xem đó như là lời thề - lời thề danh dự của cán bộ, đảng viên ở một ngành vốn rất nhạy cảm bởi chức trách nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao phó: “kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới”.

Việc tổ chức cho cán bộ công chức trong toàn ngành kí cam kết nói không với tiêu cực tham nhũng đã thu hút được sự chú ý của dư luận trong bối cảnh tham nhũng đang diễn biến phức tạp, ngày một tinh vi.

Thế nhưng giữa lí thuyết và thực hành là một khoảng cách quá xa vời. Vừa mới cam kết, “thề thốt” chưa được bao lâu thì xảy ra vụ ông Nguyễn Tường Duy (48 tuổi), công chức Hải quan thuộc đội kiểm soát Hải quan (đội chống buôn lậu) thuộc Cục Hải quan TP.HCM, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hôm 30-12-2015 ngay khi vừa đáp chuyến bay từ Trung Quốc về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Khám xét nơi ở của ông Duy, cơ quan an ninh đã thu giữ hơn 60 phong bì nghi là tiền tiêu cực trị giá gần một tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao là kiểm soát hàng hoá, chống buôn lậu qua biên giới, ông Duy đã tìm cách “làm khó” các doanh nghiệp, buộc họ phải chung chi số tiền hàng triệu đồng cho mỗi container hoặc lô hàng rời nhập khẩu. Vậy là đã rõ, gần một tỉ bỏ trong hàng chục phong bì kia là tiền hối lộ, lót tay.

Từ vụ bắt giữ này, báo chí lại khám phá thêm những thông tin liên quan đến ông Duy khiến dư luận thêm sốc. Thì ra ông Duy từng là cán bộ thuộc Cục Hải quan An Giang, bị kỉ luật buộc thôi việc năm 1991, do có sai phạm trong khâu kiểm soát hàng hóa ở cửa khẩu. Thế nhưng ngay sau đó, ông Duy cùng 3 anh em ruột thịt khác đều lần lượt chuyển về làm việc tại Cục Hải quan TP.HCM. Vậy là chuyện “làm khó” doanh nghiệp của ông Duy đã ngấm vào… máu thịt. Báo Tuổi trẻ đã chạy một cái tít nhiều ẩn ý: Cán bộ Hải quan xin chuyển công tác lên TP.HCM để dễ bề "làm ăn".

Chắc chắn trong cuộc cam kết rầm rộ toàn ngành vừa qua có sự tham gia của ông Duy. Việc ông bị lộ ngay sau khi “thề thốt” chẳng khác gì gáo nước lạnh dội lên đầu ngành Hải quan, khiến cho việc cam kết nói không với tham nhũng thành ra hình thức, có phần hài hước. Nó cho thấy một điều, kiểm soát hành vi của cán bộ, nhân viên không thể bằng một chữa kí sau mấy dòng cam kết không tham nhũng tiêu cực ghi trên tờ giấy A4. Thử hỏi, nếu không có sự tố giác của các doanh nghiệp bị ông Duy “làm luật” thì liệu ông ta có bị lộ không? Chắc chắn là không vì cấp trên vẫn tin tưởng bởi ông ta đã kí cam kết và cứ thế, hằng năm ông ta vẫn là cán bộ Hải quan gương mẫu, trong sạch, lại kí cam kết, lại thề thốt không tiêu cực tham nhũng.

Từ vụ ông Duy, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao trong điều kiện thủ tục Hải quan đã được hiện đại hóa, được cho là hết sức chặt chẽ, minh bạch mà vẫn xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực? Rõ ràng, vấn đề ở đây là con người chứ không phải máy móc. Tham nhũng tiêu cực sẽ còn dài dài một khi trong ngành Hải quan vẫn tồn tại những cán bộ biến hóa thành… “sâu”!

Và việc kí cam kết nói không với tham nhũng tiêu cực chỉ là việc làm mang tính chất hoa hòe hoa sói trang trí cho các bản báo cáo tổng kết thêm sặc sỡ mà thôi. Lời “thề” theo gió bay xa.

Nguyễn Duy Xuân