Bạn đọc viết:

Lời nhắc nhở “Lễ độ với dân” và kỷ niệm về một đại biểu Quốc hội

(Dân trí) - Bài báo của chị Phạm Phương Thảo – từng là Chủ tịch HĐND TPHCM, Đại biểu Quốc hội và là người rất được bà con yêu mến, nể phục - nhắc nhở cán bộ, công chức phải LỄ ĐỘ với dân, khiến tôi nhớ đến một lá thư, một sự việc cách đây 24 năm.

Lời nhắc nhở “Lễ độ với dân” và kỷ niệm về một đại biểu Quốc hội
Đại biểu Lê Thị Nga phát biểu về tội phạm tham nhũng tại kỳ họp Quốc hội này (ảnh minh họa: Việt Hưng)

 

Thật là một sự trùng hợp, khi hội  thi “Cán bộ công chức thân thiện với nhân dân và doanh nghiệp năm 2012 “ do quận 1 TP HCM tổ chức kết thúc, thì cũng là lúc tất cả các phường trong quận đồng loạt mở Hội nghị Nhân dân góp ý cho các chức danh Chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường.

 

Là một công dân của quận 1, nhưng tôi chỉ được biết  về Hội thi qua bài báo của chị Phạm Phương Thảo đăng trên tờ Sài gòn Giải phóng ngày Chủ nhật 14/10/2012 với tiêu đề “Công chức phấn đấu lễ độ với dân”.

 

Chị thảo từng là Chủ tịch HĐND TPHCM, là Đại biểu Quốc hội được bà con yêu mến nể phục. Trong đó bà con ấn tượng nhất là với chương trình đối thoại Nói và Làm (đài Truyền hình TP HCM tường thuật trực tiếp) do chị trực tiếp chỉ đạo, đã đề cập tới những vấn đề nóng bỏng của thành phố. Nhiều chương trình đề cập tới nội dung bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

 

Trong bài báo, chị Phạm Phương Thảo cho độc giả biết mục tiêu hướng đến của Hội thi là nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính của quận 1, để mang đến sự hài lòng, sự đồng thuận cao trong dân. Chị khẳng định: “Hội thi đã truyền tải được thông điệp của lãnh đạo quận 1 là: Cán bộ, công chức phấn đấu lễ độ với dân, xứng đáng là công bộc của dân. Có thể năng lực còn hạn chế thì phải học, kinh nghiệm chưa nhiều phải tích lũy, nhưng coi thường dân thì không thể chấp nhận”.

 

Bài báo của chị Phạm Phương Thảo không chỉ nói về Hội thi, mà còn có những lời tâm huyết nhắn gửi tới đội ngũ cán bộ công chức quận 1 và cả TPHCM: “Cuộc thi kết thúc, cán bộ công chức quận 1 tiếp tục lao vào công việc, những công việc hàng ngày đầy áp lực đối với một quận trung tâm. Nhưng dư âm hội thi vẫn mãi còn lắng đọng, đó là thái độ phục vụ dân, lễ độ với dân, tạo sự đồng thuận nơi dân”.

 

Nhiều lần trong bài báo của chị Phạm Phương Thảo nhắc nhở cán bộ, công chức phải LỄ ĐỘ với dân, khiến tôi nhớ đến một lá thư, một sự việc cách đây tròn 24 năm. Đó là năm 1988 khi TPHCM còn đang ở thời kỳ bao cấp với vô vàn khó khăn. Hồi ấy tôi được thuyên chuyển công tác từ Hà Nội vào thành phố theo điều động của Bộ Thủy sản, nhưng việc nhập hộ khẩu lại là một khâu cực kỳ nan giải. Một cán bộ tuy có việc làm nhưng không có hộ khẩu thì sẽ gặp nhiều trở ngại, vì không thể xin học cho con, không có tiêu chuẩn tem phiếu, không mua được nhà ở, không đăng ký được xe máy.. v..v…

 

Sau nhiều tháng “chạy chọt” nhưng bất lực, tôi liều viết thư gửi bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng lúc bấy giờ là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Thư gửi đi rồi nhưng trong lòng tôi chẳng có hy vọng gì vì các ông bà đại biểu Quốc hội có biết bao việc lớn, chắc gì họ quan tâm đến một người “ phó thường dân” như tôi. Nhưng thật bất ngờ, ngày 7/4/1988 tôi nhận được lá thư của ông Lý Chánh Trung - Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM  gửi đến tận nhà riêng của tôi. Xin được ghi lại toàn văn bức thư:

 

“Kính gửi Anh Văn Phú. Thưa anh! Xin phép được xưng hô như thế cho gọn, vì mình cùng một giới (nhà báo- ghi chú của tác giả). Chị Phượng có chuyển đến tôi bức thư dài của anh, chúng tôi có bàn với nhau và thấy tôi cần gặp anh với tư cách Thường trực Đoàn ĐBQH để tìm hiểu thêm trường hợp của anh và xem có thể giúp được gì trong vấn đề hộ khẩu. Vậy xin anh cho biết ngày giờ nào chúng ta có thể gặp nhau, hoặc tại Văn phòng Đoàn, hoặc nơi nào khác tùy anh. Sáng nào tôi cũng có mặt ở VP, trừ khi phải đi họp. Kính. Lý Chánh Trung”.
 
Lá thư của ông Lý Chánh Trung
Lá thư của ông Lý Chánh Trung

 

Sau ngày nhận thư, tôi đã được ông Trung tiếp tại số 2 bis đường 30 tháng 4, quận 1, TPHCM (nay là đường Lê Duẩn). Và ngay sau đó ngày 29 tháng 7 năm 1988, ông đã  viết một lá thư dài cho ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - Chủ tịch UBND TPHCM khi đó, đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm giải quyết nhập hộ khẩu cho tôi (cả hai lá thư này tôi đã giữ nguyên bản coi như một kỷ vật).

 

Một bức thư  với lời lẽ thật giản dị và lễ độ của một Đại biểu Quốc hội gửi cho một thường dân, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe dân để hiểu dân của một Đại biểu Quốc hội. Sau đó là những việc làm cụ thể của vị Đại biểu Quốc hội Lý Chánh Trung để giúp dân, giải tỏa bức xúc của dân, dù đã cách đây 24 năm, tôi thấy vẫn rất đáng để thế hệ cán bộ, công chức ngày nay suy ngẫm, học tập.

 

Văn Phú (Cán bộ hưu trí phường Đa Kao, TPHCM)

vanphu576@yahoo.com