Lợi ích dân tộc

Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN bế mạc tại Phnom Penh ngày 13.7 đã không ra được tuyên bố chung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, một hội nghị như vậy của ASEAN đã thất bại trong việc thống nhất quan điểm về vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Thất bại của hội nghị chắc chắn là có nguyên nhân và có người chịu trách nhiệm. Nguyên nhân là gì và người chịu trách nhiệm là ai đã được báo chí quốc tế phân tích khá rõ. Có nhắc lại ở đây chắc không nói được điều gì mới mẻ hơn. 
 

Tuy nhiên, thất bại này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ASEAN. Thật buồn khi chúng ta có thể đưa ra các tuyên bố chung về mọi vấn đề phức tạp của chính trị, an ninh thế giới, nhưng lại thất bại trong việc đưa ra tuyên bố về một vấn đề cụ thể của khu vực, một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thành viên của chính ASEAN.

 

Tuyên bố về việc tìm kiếm một phương án giải quyết tranh chấp mà các bên cùng có lợi chẳng hạn là điều có vẻ như bao giờ cũng ở trong tầm tay. Mà một việc ở trong tầm tay như vậy chúng ta còn chưa làm được, thì lấy gì để tin rằng việc to lớn hơn là xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết trên ba trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa, chúng ta sẽ thành công?

 

Việc hội nghị không thông qua được tuyên bố chung chắc chắn không phải là một tin vui, nhưng rõ ràng cũng không phải là điều gì đó quá khó hiểu. Trong 10 nước của khối ASEAN chỉ có 4 nước là Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam có lợi ích liên quan trực tiếp đến các tranh chấp trên biển Đông. Các nước khác thì lại nằm ngoài tranh chấp, thậm chí có nước chẳng liên quan gì đến chuyện tranh chấp cả.

 

Các nước thuộc nhóm không liên quan đến tranh chấp chắc chắn sẽ nhiệt liệt ủng hộ các nước thuộc nhóm kia nếu lợi ích của họ không bị ảnh hưởng. Lợi ích của các quốc gia ASEAN về dài hạn nằm ở đâu là điều còn cần phải tranh luận và cũng phải có một tầm nhìn phù hợp mới có thể xác định chính xác, riêng nỗi lo sợ bị thiệt hại trong quan hệ với Trung Quốc là điều rất hiện hữu.

 

Cuối cùng thì có vẻ như lợi ích dân tộc luôn luôn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hành vi của các quốc gia. Và khi đã coi lợi ích dân tộc là đáng kể nhất, thì một nền ngoại giao thực dụng được theo đuổi ở khắp mọi nơi. Từ thế giữa kỷ XIX, Lord Palmerston - Thủ tướng nước Anh - đã từng khẳng định: “Nước Anh không có đồng minh vĩnh viễn và không có kẻ thù vĩnh viễn. Nước Anh chỉ có những lợi ích vĩnh viễn mà thôi”.

 

Điều ông nói có vẻ đúng cho đến bây giờ và đúng cho không chỉ nước Anh. Trong một thế giới như vậy, thì nền ngoại giao mà chúng ta nên theo đuổi là như thế nào, thiết nghĩ, cũng đã quá rõ.

 

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng

Lao Động