Lỗi đâu phải do “cái bằng”

(Dân trí) - Gần đây một vài địa phương nói không với bằng tại chức, dân lập, tư thục điều đó đồng nghĩa với việc báo động “đóng cửa” các loại hình học tập này?! Theo chúng tôi lỗi không phải tại cái bằng? Mà tại cơ chế quản lý loại hình này lâu nay quá kém.

Trước hết phải khẳng định dù là trường công lập hay dân lập, Đại học chính quy hay tại chức đều do Chính phủ cho phép thành lập và do Bộ Giáo dục & Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý về mặt chuyên môn. Tất cả các chương trình học đều do các trường dạy và đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Giáo dục & Đào tạo kiểm duyệt trước lúc học.

Dù học chính quy hay tại chức, mỗi học viên phải được thi tuyển nghiêm túc, có điểm chuẩn theo quy định. Trong chương trình học có tuân thủ các học trình và có thi hết học phần, nếu không đạt phải thi lại…

Sau khi học xong Nhà trường tổ chức thi tốt nghiệp theo đúng quy định của Bộ đề ra, sinh viên tốt nghiệp mới được cấp bằng. Nói lại những điều trên để khẳng định tính pháp lý của loại hình học tập này. Điều phải bàn ở đây là do công tác quản lý của ngành quá yếu kém? Yếu kém cả trong cong tác quản lý giờ giấc, nội dung chương trình, thời gian học tập, quá dễ dãi trong việc tuyển dụng đầu vào.

Không ít cán bộ học đại học tại chức gần xong mới về cơ sở ghi tên vào học trung học phổ thông bổ túc văn hoá?! Không ít kẻ, nhất là cán bộ có chức, có quyền chỉ thiếu bằng cấp, chỉ cần ghi tên là coi như có học, có học là được thi và thi là đậu, thậm chí đậu điểm rất cao.

Trong nguyên tắc tuyển dụng tại chức là cán bộ đã có thời gian công tác thực tế nhiều năm, nay tập trung học để chuẩn hoá, thì không ít học sinh vừa tốt nghiệp, mới rời ghế nhà trường, thi Đại học chính quy không đậu cũng được vào học. Rồi thầy đến dạy cũng nhiều chuyện để nói, trong khi không ít người tâm huyết với nghề, muốn truyền thụ kiến thức cho người học, thì không ít kẻ coi đây là cơ hội đi “du lịch” hợp lý?

Chúng tôi hay nói vui rằng đi dạy tại chức là nghề “đánh bắt xa bờ”! đã đánh bắt xa bờ thì coi như ngoài luồng quản lý, thành thử dạy thế nào cũng được. Học viên thích thì thầy dạy, không thích thì thôi miễn sao bài kiểm tra thầy ra, thầy chấm, quỹ lớp càng nhiều, điểm thi càng cao… đang làm biến dạng loại hình học tập này, đẩy chất lượng học tại chức, trường mở ngày càng yếu kém. Không ít kẻ có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, lý luận cao cấp chính trị, nhưng vỏ thì vậy nhưng ruột không có gì, thậm chí “phải đi xoá mù” mới đáp ứng công việc.

Chúng ta phải thừa nhận mở rộng nhiều loại hình trường lớp, tạo điều kiện cho mọi người được học tập là một chủ trương đúng. Nhưng để nâng cao chất lượng, đánh giá đúng chất lượng đòi hỏi cả ngành chủ quản phải tăng cường công tác quản lý, người dạy phải đưa hết trách nhiệm, nên chăng cần kéo dài thời gian hơn.

Nếu học chính quy thời gian 3-4 năm, thì học tại chức phải 3-6 năm, để củng cố thêm kiến thức cơ sở. Đồng thời phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, tránh đánh trống ghi tên như thời gian vừa qua. Nên chăng Bộ Giáo dục & Đào tạo cần tổng kiểm tra lại bằng học tại chức, rà soát lại danh sách những người vừa học đại học, vừa học trung học phổ thông bổ túc văn hoá, nếu trùng thời gian đề nghị tước bằng, để lập lại kỷ cương giáo dục.

Luồng gió mới của Nghị quyết TW2 khoá VIII, về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài là một Nghị quyết sát đúng, là thực hiện quyền được học tập của mọi người, mở ra trang mới, cứu nguy cho nhiều trường, nhiều cơ sở lâu nay trống vắng học sinh, nay có nhiều lớp, nhiều ngành học, đào tạo cho xã hội nhiều nhân lực, không ít người nhờ học tại chức, để được nâng cao trình độ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
 
Không ít người bằng tại chức, học tại nơi làm việc, qua công tác thực tế nhưng trình độ chuyên môn công tác lại là bậc thầy của người có bằng cấp trình độ cao hơn. Lỗi không phải do cái bằng, mà do người cấp nó và quản lý, nó và cả người … dạy nữa đó.

Phùng Văn Mùi