Lê thê mấy chục năm chuyện lạ mà không lạ

(Dân trí) - Cung cách sử dụng cán bộ kiểu ấy đã xẩy ra cách đây hai, ba chục năm, thế mà lê thê đến nay cả một quãng thời gian dài như vậy vẫn cứ tồn tại điều nghịch lý đó, lại ngày càng phổ biến hơn, càng nghiêm trọng hơn

Khi đọc trên Dân trí điện tử bài

   Khi đọc trên Dân trí điện tử bài “Cán bộ sai phạm được thăng chức để … có cơ hội sửa sai” về chuyện mắc hàng loạt sai phạm nhưng chủ tịch UBND xã Châu Thái (Quỳ Hợp Nghệ An) chỉ bị cảnh cáo, oái ăm hơn, ông này còn được “cơ cấu” giữ chức Bí thư Đảng ủy xã với lý giải là … để khắc phục hậu quả đã gây ra trước đó, vì vậy bạn đọc bức xúc viết: 

 

“Oh, đây là 1 xu thế của cán bộ nhà nước hay sao nhỉ? Ở xã mình trước có một ông làm sai phạm ở xã sau khi bị kiểm điểm thì lên hẳn huyện làm chức cao hơn.”. Thanh Luan thanhluan5479@gmail.com

 

“Nghe thì buồn cười nhưng lại rất thật có ở một số địa phương hiện nay. Chuyện bị kỷ luật rồi bị "đá ngược" cũng là lẽ thường tình. Nghĩ mà thấy buồn.” Trinh Van Thao trinhvânhnoi@gmail.com

 

“Bị kỷ luật thì được thăng chức là chuyện bình thường ở ta, không có gì lạ!"

- Tiến Trung vbinh952@yahoo.com.vn

 

“Chuyện này có gì lạ đâu mà nói là chuyện lạ có thật. Chuyện thường ở Việt Nam thôi mà. ”- Thịnh thinhss@yahoo.com

 

Và bạn đọc lo lắng về  hiện tượng cán bộ thiếu đức và tài, nếu mỗi khi có sự cố không kỷ luật cách chức mà cứ đẩy  lên vị trí cao hơn :

 

“Đây có phải cách làm đúng? Chúng ta ra quá nhiều nghi quyết, quá nhiều văn bản nhưng rồi những người không nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyêt, văn bản lại chính là những người có trọng trách tổ chức thực hiện sao???”- Xomcoi xomcoith@gmail.com

 

“Nên xem xét về việc quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt để không phải đề bạt sai người, dẫn đến hậu quả cho nhiều người. Đã bị xử lý cảnh cáo do sai phạm mà còn đưa vào diện cán bộ nguồn lãnh đạo để khắc phục thì đúng là chỉ có ở Việt Nam.”- Hoai Duc hoai_tcvt@yahoo.com.vn

 

Nhớ lại từ những năm 1980 - 1990, hiện tượng này đã có trong xã hội khiến nhiều người không đồng tình. Từ thực tế đó, tháng 7/1990, tôi viết một tiểu phẩm đăng trên báo Lao Động mang tên: “Hãy kỷ luật chồng tôi” với nội dung như sau:  

“Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ X, suốt hai mươi năm ngồi ở ghế này, đã phải tiếp đến hàng ngàn người đến gõ cửa xin được tăng lương, đề bạt hoặc đi nước ngoài công tác, nhưng chưa có một lần nào ông lại được tiếp một người đến cầu khẩn hãy kỷ luật chồng mình.

 

Con người ấy đang ngồi trước mặt ông. Đó là một phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, đượm một nỗi buồn sâu xa chắc vì một nỗi bất hạnh lớn lao và dai dẳng đang dày vò chị. Tỏ ra rất sành về tâm lý, ông hỏi luôn:

 

- Chắc là anh ấy lại cặp bồ nhăng nhít với cô nào chăng?

 

Người phụ nữ bất hạnh rơm rớm nước mắt và lắc đầu.

 

Ông Vụ trưởng tiếp tục đoán:

 

- Chắc là anh ấy vô trách nhiệm với vợ con, không chịu đưa lương về cho chị, lại rượu chè be bét?

 

Những giọt nước mắt to, nhỏ tiếp tục lăn trên gò má người phụ nữ. Chị ta lắc đầu.

Ông vụ trưởng bắt đầu bối rối, đoán tiếp:

 

- Hẳn là chị phát hiện ra anh ấy bắt đầu tham ô tài sản của xí nghiệp và phải đề nghị cơ quan kỷ luật ngay để kịp cứu anh ấy khỏi trượt sâu vào con đường lầm lạc đến mức vào tù?

 

Người phụ nữ nức nở khóc và vẫn lắc đầu.

 

- Thế thì đúng là anh ấy trong thời gian làm giám đốc xí nghiệp đã sử dụng chức quyền của mình để độc đoán, chuyên quyền, trù úm công nhân làm cho anh em oán ghét, ảnh hưởng rất xấu đến thanh danh gia đình chị.

 

Người phụ nữ òa khóc và nói:

 

- Tất cả những điều ấy đều không đúng. Chồng tôi rất chung thủy với vợ con, sống liêm khiết trong sạch, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của công nhân, được cả nhà máy quý mến.

 

Ông vụ trưởng ngạc nhiên, giương kính lên nhìn chị:

 

- Thế tại sao một con người tốt như vậy mà chị lại yêu cầu kỷ luật?

 

 Nghe vụ trưởng vụ tổ chức hỏi, người phụ nữ liền giận dữ nói:

 

- Chính câu hỏi đó, tôi phải hỏi ông chứ không phải ông hỏi tôi. Một người tốt như chồng tôi mà bao nhiêu năm nay ông không chịu quyết định kỷ luật! Trong khi đó, giám đốc xí nghiệp Y, bên cạnh xí nghiệp chồng tôi, nào trai gái, nào tham ô, nào trù dập công nhân đến mức thanh tra nhà nước phải về xem xét thì lại được ông kỷ luật, rút lên Bộ đề bạt làm phó ban một ban gì đấy, tương đương với chức vụ phó rồi tăng lương, phân phối nhà rộng hơn, lại ở ngay Hà Nội.

 

Giọng chị ta rõ là đe dọa một cách quyết liệt:

 

- Lần cuối cùng, tôi yêu cầu ông hãy kỷ luật chồng tôi, để chồng tôi cũng được những quyền lợi như thế. Nếu không tôi sẽ kiện lên đồng chí Bộ trưởng về cách xử sự không công bằng này.”

 

Vậy là cung cách sử dụng cán bộ kiểu ấy đã xẩy ra cách đây hai, ba chục năm, thế mà lê thê đến nay cả một quãng thời gian dài như vậy vẫn cứ tồn tại điều nghịch lý đó, lại ngày càng phổ biến hơn, càng nghiêm trọng hơn, mà điển hình là trường hợp Tổng giám đốc Dương Chí Dũng tham nhũng ở Vinalines, tội sau này đến mức bị kết án tử hình, thế mà lúc đó người ta vẫn đẩy lên Bộ giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải, là cục quản lý chính cái ngành ông ta đã phá nát khi làm Tổng giám đốc. Vì thế là lẽ đương nhiên khi bạn đọc bất bình:

 

“Không thể chấp nhận được! Đã làm sai thì phải bị phạt và bồi thường thiệt hại chứ đằng này lại thăng chức thì ai cũng muốn làm sai.”- Nguyễn Văn Minh quangminh080286@gmail.com

 

Và gay gắt:

 

“Bí thư huyện ủy Quỳ Hợp và Bí thư tỉnh ủy Nghệ An nghĩ sao về hiện tượng này đây? Muốn làm suy yếu tổ chức Đảng hay sao lại phê chuẩn việc đề bạt một cán bộ đảng viên biến chất?.”- TRẦN thuindo2012@gmail.com

 

Nguyễn Đoàn (tổng hợp) 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm