Lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội: “Hay” nhưng chưa “hợp lý”?
Việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lần này được đánh giá là khách quan, công khai, minh bạch nhưng kết quả thì xem ra còn có điều đáng suy ngẫm.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi ngoài hội trường
Ngày 10/6, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội nước ta kể từ ngày lập nước đến nay mới có một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu ra hoặc phê chuẩn.
Sáng ngày 11/6, Quốc hội đã công bố công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả cho thấy, tất cả 47 vị được bỏ phiếu đều có tỷ lệ phiếu tín nhiệm (tín nhiệm cao và tín nhiệm) quá bán. Thật đáng vui mừng, bởi trước ngày bỏ phiếu đã có lắm lời đồn đoán rằng, việc bỏ phiếu sẽ “có vấn đề”, bởi những hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, rồi do những “lợi ích nhóm”…
Tuy nhiên, qua việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này mới thấy có những vấn đề nên bàn thêm và tính toán lại.
Ai cũng biết, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ hoặc với các chức danh khác là một việc tương đối bình thường ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở những nước hiến định viriệc này và có đặc tính văn hóa “duy lý”. Với đặc điểm này, người ta cực kỳ sòng phẳng và minh bạch trong tất cả mọi việc.
Khái niệm “chữ tình” không có chỗ đứng khi bỏ phiếu. Hơn nữa, việc bỏ phiếu thường chỉ đặt ra khi có sự cố khủng hoảng và người ta bỏ phiếu “bất tín nhiệm”, chứ không bỏ phiếu “tín nhiệm”, rồi lại chia làm ba mức tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp như ở ta. Để kết quả bỏ phiếu được đúng, mọi thông tin về cá nhân bị bỏ phiếu bất tín nhiệm đều được công khai và thậm chí còn có những cuộc chất vấn trước đó để đối tượng bị bỏ phiếu có cơ hội giải thích về công việc của mình.
Một điểm khác biệt nữa là các nước phương Tây không có chế độ lãnh đạo tập thể như ở Việt Nam. Tất tật mọi việc đều do cá nhân chịu trách nhiệm nên việc phán xét hay - dở, đúng - sai của từng người khá dễ dàng. Cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công việc của mình nên người giữ cương vị đứng đầu có quyền hành rất lớn. Trong đó, quyền tối cao là tổ chức bộ máy giúp việc cho mình.
Nhưng ở Việt Nam hoàn toàn không có chuyện như vậy.
Ở nước ta là chế độ lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách nên việc lớn, việc bé đều do tập thể lãnh đạo, cấp ủy Đảng quyết định và cá nhân chịu trách nhiệm.
Vai trò của cá nhân thường không được đề cao và thậm chí coi là điều “cấm kỵ”, khi nhắc đến chữ “tôi”. Khi nói về khuyết điểm, nếu nói do “tôi” thì không sao, nhưng khi nhắc đến công lao, thành tích mà nói “tôi” là “rách việc” ngay. Nếu cá nhân nào có “nổi” thì chỉ tập trung ở những người quyết đoán, dám làm, dám chịu.
Nhưng than ôi, những người như vậy thì lại dễ “mua thù chuốc oán” và dễ mang tiếng là “độc đoán, gia trưởng, cá nhân chủ nghĩa”, cho nên họ là đối tượng được nể phục chứ không chắc đã được yêu quý. Đối với người Việt Nam - nặng cách sống duy tình - thì trong việc bỏ phiếu, chữ tình thường lấn át chữ lý. Đây là mối “nguy hiểm” cho đối tượng được bỏ phiếu và tính “công tâm” trong mỗi lá phiếu cũng có phần bị hạn chế.
Người Nam Bộ có câu rất hay: “Nói zdậy mà không phải zdậy”. Khá nhiều trường hợp cán bộ khi bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm thì cao ngất ngưởng. Nhưng khi bỏ phiếu “thật”, thì kết quả lại khác xa. Thế mới có chuyện ở một cơ quan nọ, Thường vụ Đảng ủy có 9 người, trước khi bỏ phiếu cho một cán bộ, ai cũng nói “tớ sẽ ủng hộ cậu”. Nhưng kết quả thì “cậu” chỉ được 5 phiếu?
Việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lần này được đánh giá là khách quan, công khai, minh bạch nhưng kết quả thì xem ra còn có điều đáng suy ngẫm.
Bởi lẽ đối tượng được bỏ phiếu quá rộng, gồm nhiều ngành, nghề khác nhau của các cơ quan Lập pháp - Tư pháp - Hành pháp.
Ba lĩnh vực này khác nhau hoàn toàn và đòi hỏi về năng lực điều hành công việc của người đứng đầu cũng khác nhau.
Không thể so sánh công việc của một vị bộ trưởng đang đảm nhiệm chức trách tư lệnh lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân với một vị lãnh đạo một cơ quan lập pháp - những cơ quan nghiên cứu. Người đứng đầu ở những cơ quan này và dĩ nhiên chẳng lo đụng chạm đến ai, chẳng lo phải cách chức, kỷ luật ai, chẳng có điều tiếng gì. Mà khi bỏ phiếu, ai càng ít đụng chạm thì có khi số phiếu tín nhiệm cao hơn so với những vị đang “ngồi ghế nóng”.
Khi kết quả bỏ phiếu được công bố, người ta chỉ cần biết phiếu cao hay thấp và so sánh giữa người phiếu cao với người phiếu thấp, chứ không mấy ai có đủ thời gian, đủ tỉnh táo và suy xét một cách rạch ròi để biết đặc thù công việc của từng người.
Tại cuộc bỏ phiếu vừa rồi, sau khi kết quả được công bố, cũng có đại biểu Quốc hội đã phải giải thích với phóng viên về việc đó và cũng khẳng định “những người ngồi ghế nóng phải chịu áp lực rất cao”. Như vậy là việc bỏ phiếu theo kiểu “cào bằng” tất cả các đối tượng là không phản ánh đúng bản chất và không tính đến sự khác biệt về nghề nghiệp của ba cơ quan Lập pháp - Tư pháp - Hành pháp.
Việc lấy phiếu tín nhiệm như thế này, dễ dẫn đến việc người có số phiếu tín nhiệm chưa cao sẽ dễ buồn và chán nản trong công việc. Bởi lẽ họ nghĩ rằng, việc làm của mình đã không được đánh giá một cách sòng phẳng và người bỏ phiếu chẳng hiểu gì về công việc của mình.
Nhân việc bỏ phiếu này, tôi xin kể lại câu chuyện của ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông và từng là đại biểu Quốc hội. Hồi đấy, một số đại biểu Quốc hội chất vấn về việc Bộ Bưu chính Viễn thông lựa chọn một nhà cung cấp tổng đài mà theo họ là “có vấn đề”. Nhiều vị nói như “chan tương đổ mẻ”, nhưng tuyệt nhiên ông Đỗ Trung Tá chẳng có nửa lời thanh minh. Khi được chất vấn, ông cũng chỉ nói một cách rất chung chung. Sau này, tôi mới hỏi ông rằng, tại sao không giải thích cặn kẽ cho đại biểu Quốc hội hiểu thì ông cười, mà rằng: “Giải thích với những người không biết gì thì có nói thế, nói nữa cũng vô ích. Chú không thấy ở Quốc hội, những người không hiểu thì hay nói lắm, còn những người biết thì lại không nói”.
Sau này đi dự nhiều kỳ họp Quốc hội, càng nghe, càng chứng kiến tôi càng thấy lời ông nói là đúng. Tại một kỳ họp của Quốc hội khóa trước, có vị đại biểu cao giọng chất vấn rằng: “Tại sao Tập đoàn Dầu khí lại mang ngoại tệ đi đầu tư khai thác dầu khí ở nước ngoài, trong lúc đất nước còn khan hiếm ngoại tệ”. Chẳng cần biết đúng sai, một loạt các tờ báo trích lời của vị đại biểu này và cũng “cao giọng phán xét”. Nhưng vị đại biểu nọ không biết việc Tập đoàn Dầu khí đi tìm kiếm các nguồn dầu ngoài lãnh thổ Việt Nam là một chủ trương chiến lược và được Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Thế mới biết các cụ xưa có câu dạy rằng: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” sâu sắc đến nhường nào.
Người Việt ta vốn trọng uy tín và danh dự. Tiêu chuẩn tiên quyết để người lãnh đạo có thể hoàn thành được trách nhiệm của mình là phải có uy tín, rồi tiếp đó mới là năng lực lãnh đạo. Uy tín của một cá nhân được tạo nên bởi nhiều yếu tố, gồm có đạo đức, lối sống, văn hóa, đối nhân xử thế… Năng lực của người đó cũng là một yếu tố quan trọng để tạo nên uy tín, nhưng đó chưa hẳn là yếu tố hàng đầu. Hơn nữa, với cơ chế lãnh đạo của chúng ta hiện nay, việc mang chế độ lãnh đạo tập thể để quy trách nhiệm cho một cá nhân cũng là một điều cần xem lại - nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay.
Vậy nếu cứ bỏ phiếu kiểu này thì chắc chắn có không ít người bị oan. Ai càng ít việc, càng ít đụng chạm, thì số phiếu thì có khi lại càng cao. Còn người làm lắm, phải chịu trách nhiệm về nhiều thứ, nhất là ở vị trí “ghế nóng” thì làm mười việc chỉ một việc sai là đủ “chết” rồi. Mà làm lắm thì sai nhiều là lẽ thường. Vậy nên đây mới là bi kịch cho những người được bỏ phiếu.
Một việc nữa là sau khi bỏ phiếu, những người có phiếu tín nhiệm chưa cao sẽ dẫn đến hai khả năng: Hoặc là sẽ chỉ làm việc kiểu cầm chừng, chờ cho hết nhiệm kỳ và hoặc là tặc lưỡi “đằng nào thì tớ cũng sắp nghỉ”, chẳng việc gì phải lao tâm, khổ tứ, dốc bầu nhiệt huyết cho công việc. Đây mới là cái họa lâu dài.
Thiết nghĩ sau cuộc bỏ phiếu lần này, Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét lại một cách kỹ lưỡng những gì được, những gì chưa ổn và cần phải thay đổi như thế nào cho phù hợp để việc bỏ phiếu có ý nghĩa thực sự.
Liệu có nên bỏ phiếu với diện đối tượng quá rộng như thế này không?
Nên chăng, chúng ta chỉ tập trung bỏ phiếu ở các vị trí những cơ quan hành pháp và không nên lấy phiếu tín nhiệm như thế này. Chỉ nên lấy phiếu bất tín nhiệm khi thấy cơ quan hành pháp có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Khi đã bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu như số phiếu không đạt yêu cầu thì cần thay ngay. Không nên có quan điểm để cho người đó “có thời gian tu dưỡng, rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm”. Bởi khi phiếu đã thấp quá thì rõ ràng người đó không còn đủ uy tín để lãnh đạo. Và chờ đến lúc người đó “sửa chữa” xong, nếu như có lấy được uy tín lại thì lúc đấy cũng đã muộn rồi.
Một việc quan trọng nữa là chúng ta cần phải trao quyền lớn hơn cho người đứng đầu. Nếu như người đứng đầu không có quyền lực thực sự, nếu như phải phụ thuộc quá nhiều vào cơ chế đề bạt, quản lý cán bộ mà nhiều quy định đã có từ rất lâu, thậm chí lạc hậu với tình hình thực tế thì rõ ràng là chưa ổn. Rồi, người đứng đầu không được tự mình quyết định những vấn đề quan trọng ở lĩnh vực mình phụ trách thì sẽ làm giảm năng lực lãnh đạo, sức sáng tạo. Và nếu như thế, chúng ta sẽ vẫn đi vào vết xe cũ: làm ít thì không sai, “dĩ hòa vi quý” thì không bị ghét - mà như thế thì phiếu sẽ cao - phiếu cao thì cái ghế lại vững vàng hơn.
Thế cho nên qua đợt bỏ phiếu lần này, có lẽ cần nghiên cứu, tính lại cách bỏ phiếu tín nhiệm.
Nguyễn Như Phong
Theo Petrotimes