Bạn đọc viết:

Lạm thu - vô lý nhưng là..."cái lý có chân"

(Dân trí) - Ngoài các khoản thu chính đáng như học phí, như bảo hiểm y tế, các trường còn lạm thu. Đây mới là vấn đề nhức nhối bởi các khoản lạm thu nhiều khi vô tội vạ, vô lý đến mức hễ ai có lương tâm đều cảm thấy xấu hổ.

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

Lẽ thường thu tiền là để chi tiêu. Đầu năm học, giáo viên thu các khoản đóng góp là để chi tiêu? Như thế giáo viên sẽ  có rất nhiều tiền? Đó là cách hiểu đơn giản của một bộ phận không ít người trong xã hội. Bởi vậy, có những phụ huynh ở quê tôi, do bức xúc không chịu được nên mới mắng con khi con xin tiền nộp: Nộp cho thầy cô… ăn hay sao mà nộp nhiều thế?

Thực tế, các khoản thu đầu năm học được qui định bởi các cấp chính quyền, bởi Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh và Ban Giám hiệu nhà trường. Giáo viên chỉ là người trực tiếp thu. Còn thu được bao nhiêu, để chi tiêu vào những việc gì thì chỉ có Hiệu trưởng mới biết.

 

Ngoài các khoản thu chính đáng như học phí, như bảo hiểm y tế, các  trường còn lạm thu. Đây mới là vấn đề nhức nhối bởi các khoản lạm thu nhiều khi vô tội vạ, vô lý đến mức hễ ai có lương tâm đều cảm thấy xấu hổ.

 

Ví như năm học 2011-2012, Sở Giáo dục ĐT tỉnh tôi có công văn gửi tất cả các trường hướng dẫn thu các khoản đóng góp đầu năm học, trong đó qui định rõ: “Các trường không được tổ chức vận động để thu các khoản cho mục đích chi thường xuyên như điện, nước, văn phòng phẩm, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh học lực còn yếu…” Sau đó còn được ông Trưởng phòng Tài vụ của Sở nhắc lại: “Các khoản chi thường xuyên như điện, nước, bảo vệ… đều cấm vận động phụ huynh đóng góp, bởi các khoản này nhà nước đã cấp kinh phí. Năm học 2011-2012 ngân sách cho việc chi thường xuyên đã được nâng lên, do vậy về cơ bản, các trường sẽ chi đủ”.

 

Vậy nhưng, nhà trường vẫn thu. Và hội trưởng cha mẹ học sinh nhà trường còn nói rất hùng hồn:  Chúng tôi tự nguyện đóng góp, chúng tôi còn muốn được đóng nhiều hơn thế nữa (!???)  Đó là những hội trưởng chỉ như cái loa phát ngôn cho những việc làm sai trái của Hiệu trưởng. Thực ra vị này chỉ đại diện cho một số ít người - những người giàu có, chứ không phải đại diện cho toàn bộ phụ huynh. Và rồi, khi giáo viên thấy pháp luật không có hiệu lực, viết thư phản ánh với báo chí, Hiệu trưởng nhà trường đã ngang nhiên nặng lời ngay trước tập thể Hội đồng Sư phạm của nhà trường: “Đây là do có người thấy Hiệu trưởng mới mua xe ô tô nên nóng ruột chịu không nổi, do vậy mới viết thư phản ánh với báo chí. Tôi sẽ dùng quyền Hiệu trưởng để trả về Phòng, để Phòng bắt nghỉ hưu”.

 

Còn giáo viên? Họ có quyền lợi gì khi thu các khoản đóng góp? Họ được vài phần trăm của các khoản thu. Như vậy xong năm học, họ được khoảng một vài trăm ngàn đồng tiền phần trăm. Để được nhận từng đó, họ có nghĩa vụ thu triệt để, không bỏ sót trường hợp nào. Nếu cuối năm, lớp nào không hoàn thành các khoản đóng góp, danh hiệu của cô sẽ bị hạ xuống một vài bậc.

 

Có thầy cô vì lòng tự trọng nên  đã bỏ tiền túi ra nộp cho học trò để khỏi bị hạ bậc danh hiệu thi đua cuối năm (?)  Bởi vậy nên nhiều khi lên lớp chỉ vì học trò chưa có tiền nộp, trong khi nhà trường hối thúc, mà quan hệ giữa thầy cô và học trò có phần căng thẳng, giờ học ít hiệu quả.

 

Những lúc như thế, nhiều giáo viên chúng tôi ước ao: giá đừng có các khoản thu. Đặc biệt, với các giáo viên chủ nhiệm các lớp nghèo, nỗi lo canh cánh về các khoản thu nhiều khi còn khổ hơn cả bài dạy. Thương học trò nghèo và thương cả bản thân mình nhưng chẳng biết làm sao.

 

Vì vậy mới dẫn đến bức xúc. Bức xúc quá nên  giáo viên viết thư gửi lên cấp trên những mong tìm chân lý cho học trò và cho cả bản thân mình. Thế nhưng, chân lý lại là “cái lý có chân”. Giáo viên dám viết đơn thư tố cáo Hiệu trưởng trở thành kẻ xấu xa vô đạo đức. Vô đạo đức bởi những việc làm của Hiệu trưởng đã được cấp trên hợp lý hóa một cách tốt đẹp đến bất ngờ.

 

Mà giáo viên đã vô đạo đức tức là kẻ phá hoại nhà trường, kẻ thần kinh. Ai bảo dám đem chuyện nhà ra cho gà người bới! Mà đã vô đạo đức thì năng lực chuyên môn là đồ vứt bỏ, nhà trường không cần những người có năng lực nhưng… dám tố cáo Hiệu trưởng. Còn chất lượng, họ tuyên bố công khai: họ sẽ "gác cổng" từ Phòng tới Sở. Ai mà chẳng cần tiền! Mà tiền thì ngoài các khoản kinh phí trên cấp, còn thu được từ phụ huynh. Nhiều lắm.

 

Thế đấy. Nghề giáo viên những tưởng thanh thản nhưng không hẳn thế. Phụ huynh tưởng thầy cô thu tiền về để ăn, cho nên mới mắng con. Nhà trường coi việc giáo viên phản ánh các khoản lạm thu là thiếu đạo đức. Thu tiền nhiều nhưng chất lượng đang là tỉ lệ nghịch với các khoản thu là điều có thật. Tôi là người làm nghề giáo đã 30 năm nay, nhiều lúc phải khóc thầm vì thương mình, thương nghề. 

 

Thương lắm cái nghề trồng người vốn thanh cao nhưng đang bị một bộ phận làm biến tướng, bị đồng tiền làm vẩn đục, để những giáo viên vô tội phải mang tiếng xấu. 

NTHL