Làm thế nào để lựa chọn và giữ chân nhân tài?

Năm 2015, Hà Nội sẽ cần thêm 560 công chức. Để lựa chọn nhân tài vào làm việc, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều tiêu chí về hộ khẩu, bằng cấp. Những tiêu chí đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là việc tổ chức thi tuyển và cách giữ chân nhân tài.

Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ dự thi tuyển công chức vào Cục thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: vnexpress.net

Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ dự thi tuyển công chức vào Cục thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: vnexpress.net

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch thi tuyển công chức năm 2015 với tổng số 560 chỉ tiêu. Vấn đề quan trọngnhất được xem như "cửa hẹp" đối với người ngoại tỉnh là tiêu chí phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Trường hợp không có hộ khẩu tại Hà Nội, khi dự thi công chức, phải đáp ứng một trong số các tiêu chí: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; có bằng tiến sỹ tuổi đời dưới 35 tuổi; có bằng thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30 tuổi.

Chủ trương thu hút nhân tài của Hà Nội cũng như nhiều địa phương và Bộ, ngành khác là chủ trương đúng để bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, người dân không uổng công đóng thuế nuôi những "công bộc" "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".

Việc chấp nhận cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chung kỳ thi, chung vị trí tuyển dụng, không có ưu tiên nào khác, là cuộc cạnh tranh thực sự để lựa chọn nhân tài.

Tuy nhiên, dường như Hà Nội lại quá khắt khe, nếu không muốn nói là phân biệt đối xử, khi không chấp nhận bằng tốt nghiệp đại học dân lập, kể cả là loại giỏi đối với người không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật khác đều không quy định bằng đại học công lập giá trị hơn dân lập, mà chỉ phân biệt hệ đào tạo chính quy hay tại chức.

Quan niệm trường công, trường dân lập giống như “rào cản kỹ thuật", nhưng kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh. Nhìn ra thế giới, nhiều trường danh tiếng đào tạo ra những tài năng phần lớn là trường dân lập. Không ít thạc sĩ, tiến sĩ giỏi đang làm việc tại cơ quan nhà nước, đều được đào tạo ở các trường dân lập nước ngoài.

Việt Nam có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng lại thiếu những công trình hoặc sáng tạo khoa học tầm cỡ quốc tế. Bằng cấp đo đếm sự học của mỗi người, nhưng nếu chỉ nhìn vào tấm bằng mà đánh giá tài năng thì không khách quan, biện chứng.

Bên cạnh đó, bằng cấp và hộ khẩu chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phụ thuộc vào chất lượng đề thi và chấm thi. Nếu hai khâu này thực hiện đúng, minh bạch, không tiêu cực, thì mới chọn được nhân tài.

Chọn được nhân tài đã khó, nhưng giữ chân nhân tài còn khó nhiều lần. Nhân tài cần môi trường làm việc, được tự do sáng tạo, được đãi ngộ xứng đáng,... Đây cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong chính sách cán bộ./.

 Đăng Dương

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm