(Dân trí) - Tôi vừa đọc bài “Khi những 'thợ dạy' non kỹ năng sưphạm” của Nhã Uyên trên vietnamnet.vn. Mặc dù ngành Giáo dục liên tuc mở ra các cuộc vận động, nhưng gần đây vẫn tiếp tục xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc.
Ảnh minh họa (internet)
Hết chuyện vi phạm đạo đức nhà giáo lại chuyện chất lượng giáo dục Đại học, Cao đẳng; giờ lại là câu chuyện không chỉ là đạo đức nghề nghiệp mà còn là vấn đề năng lực Sư phạm của một bộ phận không nhỏ giáo viên đang đứng lớp.
Tôi muốn nhắc lại vài chuyện gần nhất mà tác giả Nhã Uyên đã nêu: 18 phút nghe cô giáo ở Hải Phòng chửi trò bằng lời lẽ gay gắt; nhiều học sinh nuốt không trôi những ngôn từ thiếu văn hóa của cô giáo ở TP.HCM; đầu năm nay, "xông đất" ngành giáo dục lại là câu chuyện đau lòng có chất xúc tác từ lời nói của cô giáo ở Thái Bình khiến nữ sinh vừa bước sang tuổi 18 nhảy lầu tự tử làm cho dư luận bàng hoàng, lo lắng và xót xa...
Tôi nghĩ rằng, chất lượng giáo dục cao hay thấp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: cơ chế quản lý giáodục, sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị,
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
quan điểm giáo dục, chương trình sách giáo khoa, hứng thú học tập của học sinh v.v… Songđội ngũ thầy cô giáo là những người trực tiếp chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bên cạnh những thày cô giáo đã công tác lâu năm trong ngành, có ý thức trách nhiệm và nhiều kinh nghiệm, thì một tỉ lệ khá lớn những giáo viên mới ra trường khi được giao nhiệm vụ đã bộc lộ không ít những điều bất cập.
Về chất lượng, ngoài những sinh viên chính quy sư phạm còn có cả những sinh viên ngoài sư phạm sau khi ra trường cũng theo ngành giáo dục. Điều đó là rất quý. Nhưng liệu những tấm chứng chỉ sư phạm học vội trong vài tháng có giúp họ thể hiện được lòng yêu nghề hay không? Ngay cả những sinh viên chính quy sư phạm, thậm chí tốt nghiệp loại giỏi cũng có khi còn lúng túng?
Vậy, sau khi tốt nghiệp, những sinh viên sư phạm đã được trang bị những gì, và còn thiếu những gì?
Chúng ta hãy bắt đầu từ những yêu cầu, đòi hỏi của nghề sư phạm. “Nghề cao quý” này cần những con người có phẩm chất đạo đức tốt, cónăng lực sư phạm và năng lực làm việc trong nghề sư phạm. Năng lực sư phạm gồm có kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm. Năng lực làm việc là khả năng sử dụng năng lực sư phạm trong quá trình hành nghề sư phạm.
Trong khi học tại các trường sư phạm, các sinh viên sư phạm đã được bồi dưỡng, rèn luyện khá tốt về phẩm chất đạo đức và những hiểu biết xã hội rộng rãi. Họ được trang bị kiếnthức chuyên ngành rất vững vàng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc. Họ cũng được trang bị về phương pháp sư phạm. Có lý thuyết, có vận dụng, thực hành – tuy việc thực hành chưa nhiều.
Tuy nhiên, giữa năng lực sư phạm và năng lực làm việc luôn có một khoảng cách. Chúng tôi gọi là khoảng cách năng lực. Những kiếnthức chuyên môn và phương pháp sư phạm mà sinh viên đã được trang bị tại các trường sư phạm là tốt nhưng thực tế làm việc, giảng dạy lại khác. Môi trường lớp học ở phổ thông, đối tượng học sinh ở từng nơi rất khác nhau. Đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy. Hình như, sinh viên sư phạm hiện nay đang được đào tạo theo phương thức “gà công nghiệp”. Những chú gà công nghiệp khi được đem ra “thi đấu” thì sao chịu nổi những đòn “thực tế”.
Như vậy, các trường sư phạm cần tăng cường một nhiệm vụ có tính chiến lược nhưng nặng nề. Đó là : rút ngắn “khoảng cách năng lực” cho sinh viên. Đây là công việc rất khó khăn, vất vả. Nó liên quan đến nhiều vấn đề như điều kiện tuyển sinh, quá trình, phương pháp, nội dung đào tạo v.v… Trong đó, có cả vấn đề thi cử. Các đề thi hết môn ở trường sư phạm (đối với cả sinh viên và học viên cao học) hiện nay còn nhiều lí thuyết, mang tính học thuộc. Sinh viên chỉ việc học thuộc bài là thi được điểm cao. Như thế sao có thể rèn luyện năng lực vận dụng được. Chúng tôi cho rằng, việc cần làm ngay trước mắt là thay đổi hướng kiểm tra hết môn. Phải đảm bảo cho sinh viên biết vận dụng kiến thức vào công việc thì mới có thể vượt qua được môn học đó. Tăng cường những đợt thực tập sư phạm.Đa dạng hoá hình thức thực tập. Nhất là những hình thức thực tập có ý nghĩa thiết thực hơn.
Ảnh minh họa (internet)
Cũng nên cho sinh viên sư phạm tìmhiểu, tiếp xúc với công việc của ngành, hiểu biết về lịch sử hình thành, quá trình phát triển, hiện trạng ngành giáo dục nước ta cũng như trên thế giới ngay từ khi vào trường. Bằng nhiều hình thức khác nhau để việc trang bị năng lực sư phạm phải song song với rèn luyện, bồi dưỡng về năng lực làm việc cho sinh viên.
Tính sáng tạo trong công việc cũng là một phẩm chất thuộc năng lực làm việc. Marion đã nói rất đúng rằng: “chính nhiệm vụ đầu tiên của nhà giáo là chiếm lĩnh được các phương pháp, là tìm ra được phương pháp tốt nhất để theo đuổi một cách có ý thức … để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ khá phức tạp của mình. Nhưng họ cần hiểu rằng các công thức đó không có cho họ hoặc có đi nữa thì nhiệm vụ đầu tiên của họ vẫn phải là nghi ngờ nó”. Marion muốn nhấn mạnh: người giáo viên phải làm chủ được phương pháp, luôn có phương pháp tốt nhất nhưng chính phương pháp tốt nhất ấy cũng không phải là vạn năng, luôn đúng; nó cần được nghi ngờ trong những hoàn cảnh khác nhau, cần một sự linh hoạt và sáng tạo. Sinh viên sư phạm khi ra trường thường yếu về mặt này. Có lẽ, họ ít được rèn luyện về tính sáng tạo, ít được thử thách tính sáng tạo chăng?
Sinh viên sư phạm cũng thiếu lòng yêu nghề. Đa số sinh viên sư phạm khi được hỏi đến nghề của mình đều nhăn nhó, ngán ngẩm. Hình như do hoàn cảnh mà họ “phải” thi vào trường sư phạm? Bên cạnh việc trau dồi đạo đức nghề nghiệp – cái tâm trong sáng với nghề, có lẽ cần những chính sách ưu đại đặc biệt hơn nữa cho ngành giáo dục. Tôi nhấn mạnh là ưu đãi cho ngành giáo dục chứ không phải chỉ ưu đãi cho sinh viên trường sư phạm. Thế mới động viên họ yêu nghề được. Đây lại là vấn đề quá lớn, vượt khỏi phạm vi nhiệm vụ của nhà trường chúngta.
Sinh viên sư phạm cũng thiếu cả bản lĩnh làm việc. Gặp những công việc quá sức thường ngại. Những giáo viên mới ra trường thường không đủ dũng cảm đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn, nhọc nhằn. Có thể còn do chế độ ưu đãi cho công việc còn chưa đủ hấp dẫn song về cơ bản là vì những sinh viên này được “sản sinh” trong điều kiện, môi trường thiếu bản lĩnh. Người ta thường đánh giá sinh viên sư phạm yếu đuối. Điều đó đúng chăng?
Nếu thế, sinh viên sư phạm cần phải được tăng cường rèn luyện về năng lực làm việc, bản lĩnh làm việc và lòng yêu nghề.
Tôi cũng khẩn thiết mong mỏi lành đạo ngành Giáo dục, Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến ngành được coi là “Quốc sách hàng đầu” này, nhất là tiền lương và chế độ chính sách, để thực sự thu hút những người tài giỏi vào ngành Giáo dục, để những người vào ngành rồi thì yêu nghề, những người đã yêu nghề thì yêu nghề hơn, say mê với nghề hơn.
ThS. Bùi Thế Nhưng
Hưng Yên
LTS Dân trí - Muốn nâng cao chất lượng dạy và học, nhân tố cần coi trọng đầu tiên là chất lượng của đội ngũ giáo viên, bao gồm những thầy cô giáo thật lòng yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn cũng như phương pháp sư phạm và biết vận dụng sáng tạo trong những hoàn cảnh cụ thể.
Năng lực làm việc của một giáo viên thể hiện khả năng vận dụng tổng hợp cả kiến thúc chuyên môn và sư phạm để đạt được hiệu quả cao trong những điều kiện cụ thể về chương trình và thời lượng môn học, trình độ học sinh, phương tiện dạy và học…
Làm nghề gì muốn đạt được hiệu quả cao cũng cần có phương pháp. Làm nghề dạy học càng cần có phương pháp tốt. Người Thầy giỏi không chỉ có cách giảng bài dễ hiểu mà còn biết khơi gợi sự sáng tạo cho học sinh, làm các em thấy hững thú trong học tập. Hơn thế, còn giúp cho các em biết cách học để nắm vững kiến thức và biết cách vận dụng sáng tạo.
Để giúp cho đội ngũ giáo viên làm tròn nhiệm vụ vẻ vang trong nghề “trồng người”, cần quan tâm nhiều hơn đến việc đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo của các trường sư phạm cũng như có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nghề có vị trí đặc biệt quan trọng này.