Lạ mà không lạ

(Dân trí) - Hóa ra, dân ta phải biết sử ta là điều cần thiết vô cùng, nhưng làm thế nào để biết sử ta thì còn là một câu hỏi lớn mà ngành giáo dục và các ngành hữu quan phải trả lời.

>> Chiến thắng Điện Biên Phủ bị “chuyển” đến năm... 1975 (!?)

>> Xôn xao băng rôn ghi "Chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô 30/4"

Một chuyện lạ xuất hiện gần đây, đó là tưởng người Việt Nam ai cũng biết sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu diễn ra diễn ra vào ngày 7/5/1954 thế mà tại xã Suối Cát và xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trên áp phích tuyên truyền treo ở đường phố của 2 xã này lại ghi “Kỷ niệm 42 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1975 - 7/5/2017”. Đây không phải sơ xuất do nhân viên đánh máy gõ nhầm con số mà là cán bộ văn hóa nào đó thiếu kiến thức lịch sử, bởi nếu tính đúng ra thì chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đến nay là kỷ niệm 63 năm, nhưng cán bộ văn hóa làm áp phích tuyên truyền này đã tính từ mốc 1975 nên ra con số kỷ niệm 42 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lạ mà không lạ - 1

Lạ mà không lạ - 2

Trên 2 tấm áp phích, chiến thắng Điện Biên Phủ được “chuyển” đến năm 1975 (ảnh: facebook)

Chết nỗi đó đâu phải là trường hợp sai sót hy hữu, vì vửa rồi tại cửa hàng xăng dầu Đức Thắng ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang lại xuất hiện tấm băng rôn ghi: “Chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô 30/4 và Ngày quốc tế Lao động 1/5” nhưng thực tế ngày giải phóng Thủ đô lại là ngày 10/10/1954, khi các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào từ các cửa ô, tiếp quản Hà Nội sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lạ mà không lạ - 3

Chiếc băng rôn với nội dung sai sót không thể chấp nhận - Ảnh: Phan Hồng Quân

Cái lạ ở đây là sao có sự lặp đi lặp lại sai lầm về sự kiện lịch sử quan trọng như vậy ở mấy nơi khác nhau, mà cái sai này lại do nhà quản lý (cán bộ văn hóa địa phương) và người có học hành (Chủ cửa hàng xăng dầu Đức Giang – theo như chính quyền địa phương biện minh) gây ra.

Đi tìm nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cái nguyên nhân gốc vẫn là ở chuyện dạy và học lịch sử ở trường phổ thông. Có thể lắm chứ khi gần đây lộ diện vụ việc, một học sinh lớp 3 ở quận Tân Bình (TPHCM) phát hiện ra kiến thức lịch sử bị sai lệch trong vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2. Trong cuốn vở in chữ sẵn để học sinh luyện chính tả, thì ở trang 5 có đoạn nhầm lẫn giữa hai danh nhân lịch sử - Ngô Quyền và Lý Thường Kiệt. Em học sinh đã thắc mắc vì sao sách này lại in rằng: “Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng” để... tiêu diệt quân Nam Hán (!?). Vậy mà cuốn sách này được in ra và phát hành nếu theo đúng quy trình thì phải qua bao nhiêu khâu: Tác giả, biên tập viên của nhà xuất bản, lãnh đạo nhà xuất bản, cơ quan nhà nước quản lý xuất bản (Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin Truyền thông địa phương...) mà vẫn để lọt cho dến khi một học sinh lớp 3 phát hiện ra mọi người mới tá hỏa?! Nếu không có cháu học sinh lớp 3 phát hiện ra thì bao nhiêu học sinh khác cứ đinh ninh rằng Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng” để... tiêu diệt quân Nam Hán (!?), và sự đinh ninh ấy sẽ theo các em này đi suốt cuộc đời các em khi đã trưởng thành, đã đi công tác và khi già, đã nghỉ hưu.

Có lẽ vì thế cho nên lạ mà chẳng lạ gì khi có chuyện xẩy ra trong chương trình S-Vietnam phát sóng vào tối 19/2, anh chàng nước ngoải hỏi cô gái dẫn chương trình:: "Em ơi, vị tướng nào đã đánh thắng quân Nguyên Mông ba lần và đã có một trận chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng?". Cô gái dẫn chương trình đáp: "Chắc chắn là Ngô Quyền rồi, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết". Ngay sau đó, hai người đã đưa nhau đến đình Hàng Kênh ở Hải Phòng, nơi thờ Ngô Quyền. Buồn thay, mặc dù cô gái dẫn chương trình khẳng định "người Việt Nam nào cũng biết" nhưng thực tế, chính cô ấy đã nhầm to khi cho rằng Ngô Quyền là người "ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng" trong khi ông là người đã đánh thắng quân Nam Hán.

Cứ cái đà này thì có thể lắm sẽ có những chuyện cười ra nước mắt như chuyện đùa mà như thật sau đây: Trong giờ học, cô giáo hỏi một học sinh: “Em cho biết ai đã ăn cắp nỏ của An Dương Vương?” Em này đáp: “thưa cô, em thề là em không ăn cắp nỏ của An Dương Vương. Chắc là một bạn nào khác trong lớp đã tắt mắt ăn cắp chiếc nỏ đó ạ.”

Hóa ra, dân ta phải biết sử ta là điều cần thiết vô cùng, nhưng làm thế nào để biết sử ta thì còn là một câu hỏi lớn mà ngành giáo dục và các ngành hữu quan phải trả lời.

Nguyễn Đoàn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm