Kỳ án nâng điểm: cần làm rõ những ai cầm đầu
(Dân trí) - Một sô người có nhiệm vụ bảo vệ, cầm chìa khóa phòng chấm thi và các đối tượng chấm thi bắt tay nhau, được bảo kê thì quy chế thi có chặt chẽ đến đâu cũng bằng thừa. Do đó, cần nghiêm trị những ai nhúng tràm
Những khoảng tối trong kỳ án nâng điểm kỳ thi tốt nghiệp ngày một sáng tỏ, gây hết bất ngờ này tới bất ngờ khác và thực sự gây bão dư luận. Sơn La là nơi kết thúc điều tra sớm nhất và bước đầu làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà dư luận nghi vấn. Đó là lời khai của các bị can về vai trò trực tiếp của Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Sơn La; những trung gian môi giới mua bán điểm và của những vị phụ huynh nhờ vả để “mua điểm” cho thí sinh. Đặc biệt, dư luận ngỡ ngàng không chỉ là việc trung bình 1 tỉ đồng cho một suất mua điểm, mà đơn “đặt hàng” yêu cầu rõ tổng điểm cho những môn cụ thể đều được đáp ứng hết, dù có phải sửa đi, sửa lại bài thi. Điều này cho thấy, “băng nhóm” cán bộ biến chất trong Hội đồng thi đã khiến kỳ thi 2 trong 1 ở đây trở thành thiếu trung thực. Hầu hết những vị trí quan trọng, thiết yếu nhất của Hội đồng thi của địa phương này vi phạm quy chế thi một cách trắng trợn và lời khai ban đầu về đơn “đặt hàng” của giám đốc sở GD ĐT Sơn La cho 8 thí sinh. Nếu lời khai này là có cơ sở, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc sở GD ĐT Sơn La là người “đặt hàng” nhiều nhất, là “tấm gương” để cấp dưới làm theo.
Qua kết luận điều tra giai đoạn 1 vụ tiêu cực này ở Sơn La, dư luận muốn đặt ra một số câu hỏi.
Thứ nhất, sao mới chỉ có Sơn La kết thúc điều tra, dù gần năm trời đã trôi qua? Vậy, Hà Giang và Hòa Bình còn vướng mắc gì? Thậm chí, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nói với báo chí tại hành lang Quốc hội: “Tôi vừa gọi điện yêu cầu kiểm điểm vụ gian lận thi cử”. Tại sao đến bây giờ ông Vinh mới “yêu cầu kiểm tra”, gần năm qua ông đã làm gì, đâu là lý do chần chừ như vậy?
Thứ hai, những vị đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm gì với những tiêu cực diễn ra tại địa phương của mình? Đặc biệt, với ông Triệu Tài Vinh, vừa là Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, vừa là người có con gái được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua, dù với bất cứ nguyên nhân gì?
Thứ ba, trong vụ án này, có hơn một nửa tổng số thí sinh (28/44) được nâng điểm đăng ký xét tuyển vào ngành công an, quân đội. Tất cả các thí sinh lọt vào các trường của lực lượng vũ trang đều đã bị trả về địa phương. Vậy, Bộ GD ĐT và những trường vẫn cho một số học sinh được chấm lại nhưng vẫn đủ điểm vẫn tiếp tục học ở trường đã “nghĩ lại” chưa? Nếu các vị cứ nhìn cách thức nhờ vả nâng điểm và phương thức những vị trực tiếp sửa bài, sửa điểm, thì điểm của các thí sinh được nâng điểm đó có vi phạm quy chế thi hay không? Nếu các vị vẫn còn cho rằng, trường có quyền tự chủ của mình để cho những thí sinh đó học thì … xin bó tay!?
Thứ tư, với tính chất nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt, tới giai đoạn 2 của vụ án liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ, dư luận kính mong Bộ Công an trực tiếp thụ lý, giải quyết kỳ án này.Nếu Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an trực tiếp thụ lý vụ án, tin tưởng kết quả điều tra sẽ nhanh và những kẻ cầm đầu khó lọt lưới hơn rất nhiều.
Cuối cùng, các thủ đoạn sửa bài, nâng điểm vừa được làm rõ cho thấy, những bị can này đã quá thành thạo, quá kín bài, nó bị lộ chẳng qua là số lượng quá nhiều tạo nên quá bất thường trên biểu điểm. Do đó, dư luận có quyền nghi vấn, không loại trừ, những năm trước, những địa phương này đã từng sửa bài, nâng điểm; và không chỉ ở những địa phương này, mà rất có thể đã xảy ra ở những địa phương khác. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm ra soát lại những điểm thi cao bất thường của năm qua và hai ba năm trước để chấm lại xem thực hư thế nào. Chắc chắn điều này không quá khó, vấn đề là có quyết tâm hay không.
Thực tế, những người có nhiệm vụ bảo vệ cầm chìa khóa phòng chấm thi và các đối tượng chấm thi bắt tay nhau, được ai đó bảo kê thì quy chế thi có chặt chẽ đến đâu cũng bằng thừa. Do đó, cần phải nghiêm trị những kẻ nhúng tràm.
Vương Hà