Kỳ 3: 8 sáng kiến đột phá để phát triển kinh tế mới

(Dân trí) - Sau khi nghiên cứu và trao đổi với nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cả trong và ngoài nước, tôi xin được kiến nghị 8 sáng kiến có thể góp phần tạo ra các đột phá căn bản cho nền kinh tế Việt Nam.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Tám sáng kiến được chia làm hai nhóm, nhóm 1 gồm 3 sáng kiến đầu tiên thiên về vi mô, các nội dung thuộc về văn hóa và nhận thức. Trước đây, khi nói đến các giải pháp kinh tế, chúng ta thường chỉ đưa ra các giải pháp vĩ mô; nhưng, chính cái vi mô mới tạo nên một sức mạnh thống nhất và vượt trội cho tầng vĩ mô. Các sáng kiến bao gồm:

Một là, sáng kiến về một phong trào “Khởi nghiệp cho thanh niên” Việt Nam. Một quốc gia giàu mạnh là tập hợp của những công dân có khát vọng và ý thức lập nghiệp và làm giàu cho bản thân và xã hội. Trong mọi thời điểm lịch sử, thanh niên luôn luôn là sức bật của đất nước và dân tộc. Giờ đây, xã hội cần trang bị động lực, tri thức, thể chất và cả tầm hồn, cùng các mạng lưới cần thiết để thổi bùng nên tiềm năng to lớn để thanh niên “khởi nghiệp để kiến quốc”.

Hai là, sáng kiến về phong trào “Làm cha mẹ thông minh”. Đối với mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình Việt Nam, con cái là một động lực hết sức mạnh mẽ và trọng yếu. Các quốc gia hùng mạnh và phát triển đều có một công thức giáo dục toàn diện từ gia đình, nhà trường, đến xã hội, tâm linh. Lao động và đầu tư cho con cái chiếm phần lớn trong suy nghĩ và hành động của mỗi gia đình. Nếu các bậc cha mẹ không được tư vấn, hướng dẫn đúng thì sẽ lãng phí nguồn lực của cả xã hội. Đặc biệt cần chú trọng đến các biện pháp truyền thông và tư vấn nhằm nâng cao trí thông minh tài chính cho các hộ gia đình Việt Nam.
 
Trên thực tế, cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, lượng tiền tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình trong tổng thể nền kinh tế là rất đáng kể, và thường nằm trong tay “các bà nội trợ”. Nếu đối tượng này có một tư duy và năng lực tài chính tốt cho các quyết định chi tiêu, đầu tư cho con cái; đầu tư vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán, kinh doanh,... thì nội lực chung của nền kinh tế quốc gia sẽ luôn ổn định mặc cho hệ thống tài chính vĩ mô còn quá nhiều bất cập. Hơn nữa, cần phải nhấn mạnh mai trò của người mẹ, của phái nữ trong gia đình, vì đây vừa là hậu phương, là động lực của người chồng; vừa là người có ảnh hưởng chính đến sức khỏe, trí tuệ và khát vọng của thế hệ trẻ trong gia đình. Có thể nói, trong chiến tranh Việt Nam đã chiến thắng nhờ nghệ thuật chiến tranh nhân dân thì trong tiến trình toàn cầu hóa hiện tại, cũng cần phải có chiến lược tài chính nhân dân để đảm bảo ổn định và phát triển nền kinh tế - tài chính quốc gia, mà trong đó, mỗi tế bào gia đình với động lực đầu tư bền vững cho tương lai con cái sẽ là hạt nhân chính trong chiến lược này.
 
Ba là, mạng lưới “Đại học toàn cầu tại Việt Nam” và các “Viện nghiên cứu công nghệ cao toàn cầu” tại Việt Nam. Đây là sáng kiến nằm nâng cao cả tri thức, nhận thức và văn hóa kinh doanh toàn cầu hóa cho Việt Nam, thúc đẩy tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực và quốc tế cho Việt Nam. Dựa trên đặc tính thông minh và truyền thống hiếu học, phát triển nhờ tri thức và phát triển kinh tế tri thức là một lựa chọn chiến lược hết sức thiết yếu của chúng ta. Chúng ta có thể quy hoạch các thành phố đại học, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao tạo các địa bàn có lợi thế như Ninh Bình, Huế, Đà Lạt...
 
Về đối tượng và nội dung, chúng ta có 3 hướng chính: một là khu vực hóa, tạo ra các trường đại học và viện nghiên cứu của ASEAN; hai là, đẳng cấp hóa, kết hợp ngay với các mạng lưới tri thức hàng đầu thế giới hiện này; ba là, khác biệt hóa, tiếp tới nghiên cứu và đưa ra các tri thức đặc sắc của riêng Việt Nam có giá trị ứng dụng cho nền kinh tế mới toàn cầu. Cần phải phát huy tối đa thành quả của cuộc cách mạng thông tin toàn cầu, đặc biệt là các ứng dụng trên mạng internet để có thể quy tụ và tạo ra các trung tâm tư duy, trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu thế giới ngay tại Việt Nam.     

Năm sáng kiến nêu sau đây là các sáng kiến vĩ mô nhưng cũng phải cụ thể. Đó là sự tổng hợp của các mô hình chiến lược cụm ngành quốc gia, hệ sinh thái kinh tế và cộng tác đại chúng. Cụ thể hơn, đối với mỗi sáng kiến sẽ không chỉ bao gồm các khái niệm vĩ mô mà còn là các đề xuất về các ngành trọng tâm, địa bàn trọng điểm, và phương thức trọng yếu để triển khai.

Sáng kiến thứ tư là: “Chiến lược đảm bảo An ninh lương thực và Nông sản toàn cầu của Việt Nam”. Các cây trồng chủ lực sẽ là gạo, đỗ tương, cà phê, tiêu, điều, các thảo được... Có thể tạo ra các cụm ngành quốc gia về lương thực, về cà phê, thực phẩm chức năng và dược phẩm phương Đông. Định vị Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm lúa gạo toàn cầu – phục hưng lại tính ưu việt của nền văn minh lúa nước và nghệ thuật dưỡng sinh đặc sắc của dân tộc; Đăk Lăk, Tây Nguyên là Thủ phủ cà phê toàn cầu,... Đây đều là các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam, chúng ta cần quy hoạch và đầu tư công nghệ toàn diện để năng cao giá trị gia tăng, thổi vào sản phẩm các giá trị văn hóa có sức hấp dẫn toàn cầu, nâng thành nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật dưỡng sinh đáp ứng được nhu cầu của thị trường toàn cầu.    

Sáng kiến thứ 5 là: “Chiến lược biển – xanh dương”. Với vai trò quan trọng về môi sinh, lương thực, năng lượng, du lịch,... biển và đại dương sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong tương lai, cũng như sẽ giúp nâng cao ý thức và quốc lực để ứng phó với các xung đột hiện có trong khu vực. Cần đứng trên lập trường và lợi ích của cộng đồng ASEAN để cùng phát triển chiến lược này. Theo đó, cần có nhận thức quốc tế hóa và khu vực hóa biển Đông là biển chung của ASEAN, gọi tên là biển ASEAN và trên vùng biển chung đó sẽ tiến hành các hoạt động của kinh tế biển bền vững: khai thách thủy hải sản bền vững và giá trị cao, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học và sinh thái biển, du lịch và giáo dục biển, khai thác tài nguyên bền vững, bảo vệ hòa bình và an ninh cho sự phát triển của khu vực và thế giới,...  

Sáng kiến thứ 6 là: “Chiến lược xanh lục”. Là việc quy hoạch và tạo ra các vành đai xanh liên quốc gia trong khu vực để bảo vệ đa dạng sinh học của rừng, tạo ra các khu bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học, các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hài hòa và bền vững, làm nền tảng để phát triển công nghệ dưỡng sinh và y học cổ truyền Việt Nam, bảo vệ tài nguyên nước, xác lập lợi thế trong thị trường giao dịch các-bon toàn cầu. Khi mà biển đổi khí hậu đang ngày càng trở thành thách thức lớn đối với nhân loại, thì các sáng kiến xanh dương và xanh lục vừa cần thiết cho chính Việt Nam, vừa là ngọn cờ để Việt Nam có thể thu hút được các nguồn lực tiến bộ hàng đầu thế giới cùng quy tụu và phục vụ các mục tiêu không chỉ của riêng Việt Nam. Miền núi phía Bắc, dãy Trường Sơn, và hạ lưu Sông Mê Kong là các khu vực cần thiết phải quy hoạch và phát triển thành các đặc khu xanh lục.  

Sáng kiến thứ 7 là: “Chiến lược kinh tế văn hóa hòa bình, văn minh hài hòa” Kinh tế văn hóa là kinh tế phát triển dựa trên các lợi thế và văn hóa và ngược lại cũng làm tăng cường ảnh hưởng  về văn hóa. Xét một cách tổng thể, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay, chiến lược quốc gia thích hợp của Việt Nam là ưu tiên phát triển theo quyền lực mềm. Mà văn hóa là cốt lõi của quyền lực mềm.
 
Chúng ta có một truyền thống lâu đời của nền văn minh lúa nước với giá trị cốt lõi là tính hài hòa, chúng ta có một lịch sử đầu tranh lâu đời để bảo vệ và gìn giữ hòa bình, đó đều là các giá trị mà thế giới hiện nay cần nêu cao. Chúng ta có thể quy hoạch vùng đất bom đạn Quảng Bình, Quảng Trị trở thành một Thành phố biểu tượng hòa bình của thế giới, ở nơi đó sẽ có Học viện hòa bình và đưa ra nghị trình cho Diễn đàn hòa bình và cổ vũ cho diễn trình hài hòa hóa của thế giới. Sẽ không có một chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia nào hiệu quả hơn dự án này, và về thực chất chính hòa bình và phát triển hài hòa, bền vững là mục tiêu và cam kết của Việt Nam.  

Sáng kiến thứ 8 là sự tổng hợp các sáng kiến nêu trên để biến Việt Nam trở thành một cường quốc về du lịch, trở thành điểm đến tiến bộ của thế giới toàn cầu hóa theo xu hướng hài hòa hơn, thân thiện hơn, bền vững hơn. Khi đó đây sẽ là “một Việt Nam của thế giới”, vì thế giới, là địa bàn hình mẫu cho phát triển bền vững mà cả thế giới cùng đến để đầu tư, chia sẻ lợi ích, cùng gìn giữ và bảo vệ các giá trị.

Các sáng kiến nêu trên không biệt lập và tách rời với nhau, mà hỗ trợ và tương tác với nhau, có trong nhau để cùng phục vụ mục tiêu của Việt Nam. Cần nhận thấy, phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp chế biến đại trà không nằm trong các  trọng tâm kinh tế mà Việt Nam cần trọng tâm hóa để tạo nên đột phá. Trong năng lực giới hạn của mình, tôi và tập đoàn Trung Nguyên sẽ cố gắng và nỗ lực thực hiện tốt nhất những gì có thể trong phạm vi của những sáng kiến nêu trên. Sự hỗ trợ của những người có trách nhiệm và sự ủng hộ của cộng đồng vì một niềm tin chung, mục tiêu chung, giá trị chung, tương lai chung trước những cơ hội và thách thức chung là điều kiện cần nhưng cũng là điều kiện đủ để chúng ta có thể cùng làm cho đất nước đột phá và phát triển bền vững trong thế giới mới hiện nay.
 
Đặng Lê Nguyên Vũ