KSV và luật sư phải ngồi ngang nhau
Số trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh quan điểm của lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc cần có quy định bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngang bằng nhau. Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng cho rằng quan điểm này là hợp lý.
Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng, việc dự thảo BLTTHS (sửa đổi) vẫn quy định vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên (KSV) cao hơn luật sư (LS) là một thiếu sót. Chỗ ngồi của các bên dù chỉ là hình thức nhưng lại liên quan đến nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự.
Ngang bằng nhau mới hợp lý
. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể lý giải kỹ hơn vì sao việc dự thảo BLTTHS (sửa đổi) quy định như vậy là thiếu sót?
+ Thẩm phán Phạm Công Hùng: Tôi nghĩ việc thay đổi vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa hình sự trong BLTTHS sửa đổi lần này là rất cần thiết. Thứ nhất, nó thể hiện tinh thần của Hiến pháp mới là đề cao vai trò tranh tụng trong xét xử (nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm). Thứ hai, nó thể hiện thái độ dứt khoát của Nhà nước thông qua BLTTHS trước một sự việc có nhiều quan điểm tranh luận nhiều năm qua. Rất tiếc dự thảo lại không đưa vào để lấy ý kiến rộng rãi trước khi thông qua. Tuy nhiên, qua những cuộc hội thảo, buổi tổ chức lấy ý kiến, chúng ta vẫn nên đưa vấn đề này ra vì tôi tin nhiều người rất quan tâm.
. Thưa ông, giới LS cho rằng tại phiên tòa, bên buộc tội và bên gỡ tội phải bình đẳng với nhau, bắt đầu ngay từ chỗ ngồi để đảm bảo vị thế của LS, giúp LS có tâm lý tốt khi tranh tụng. Là người làm nghề xét xử, ông nghĩ sao về lập luận này?
+ Tôi hoàn toàn đồng ý với cách nhận định và đánh giá như trên. Chúng ta không nên coi nhẹ hình thức phiên tòa vì nếu như vậy, ngay từ đầu đã không thấy được sự bình đẳng của các chủ thể tham gia trong tố tụng. KSV là người tiến hành tố tụng, LS là người tham gia tố tụng nhưng tại phiên tòa họ lại bình đẳng. LS là người gỡ tội trên cơ sở buộc tội của VKS và họ cần được pháp luật tôn trọng ngay từ đầu, thông qua việc bố trí chỗ ngồi.
Hiện nay, luật sư thường được bố trí chỗ ngồi thấp hơn kiểm sát viên . Ảnh minh họa: T.TÙNG
Theo tôi, vị trí ngồi tại phòng xử án cần sửa đổi theo hướng bục ngồi của HĐXX là cao nhất, trang trọng nhất vì về mặt nhận thức, nó thể hiện vị thế của HĐXX đang nhân danh Nhà nước phán xét một hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm. Đồng thời nó tạo ra sự uy nghiêm của HĐXX tại phiên tòa và tính nghiêm túc trong phòng xử. KSV và LS cần ngồi phía dưới, ngang hàng nhau để thể hiện sự bình đẳng về mặt hình thức khi các chủ thể này đưa ra các chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội để trình HĐXX xem xét tại phiên tòa. Chỗ ngồi của thư ký phiên tòa cũng nên bố trí ở ngay phía dưới bục của HĐXX vì thư ký là người giúp việc cho thẩm phán ghi chép diễn biến phiên tòa, không đóng vai trò quan trọng như các thành viên của HĐXX.
Thúc đẩy chất lượng tranh tụng
. Thưa ông, một số KSV cho rằng tại phiên tòa, KSV không chỉ giữ quyền công tố, giữ vai trò buộc tội mà còn thực hiện chức năng kiểm sát xét xử nên họ phải ngồi cao hơn LS, ngang bằng với HĐXX. Ông nghĩ sao về lập luận này?
+ Tôi nghĩ không nên xem VKS có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự là lý do để bố trí chỗ ngồi ngang bằng với HĐXX. Bởi lẽ làm như thế sẽ tạo ra sự lẫn lộn trong nhận thức của cộng đồng xã hội đối với vai trò, địa vị pháp lý của HĐXX và KSV tại phiên tòa.
. Cũng có ý kiến cho rằng thay đổi vị trí chỗ ngồi của KSV với LS chưa chắc tạo nên bình đẳng mà quan trọng vẫn là thực chất, thưa ông?
+ Đành rằng sự bảo đảm về mặt luật pháp để các bên được trình bày, tranh luận các vấn đề liên quan đến vụ án và kỹ năng tiến hành việc tranh tụng của KSV, LS là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng tranh tụng. Nhưng nếu chúng ta giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến hình thức của phiên tòa, trong đó thiết kế chỗ ngồi hợp lý dựa theo địa vị pháp lý mà pháp luật quy định cho các chủ thể tham gia phiên tòa như KSV và LS thì sẽ có tác dụng thúc đẩy chất lượng tranh tụng tốt hơn.
Theo tôi, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTHS sửa đổi, VKSND Tối cao đã có nhiều quan điểm rất tiến bộ và sát với thực tiễn. Tuy nhiên, nếu đầu tư nghiên cứu kỹ hơn nội dung này theo hướng sửa đổi vị trí ngồi tại phiên tòa như trên thì sẽ không làm giảm đi mà còn nâng cao hơn vị thế của VKS và KSV trong xã hội.
. Xin cám ơn ông
Công bằng, bình đẳng Trên chuyên trang Netluat (netluat.phapluattp.vn), rất nhiều bạn đọc đã bình luận cách bố trí chỗ ngồi của KSV và LS tại phiên tòa hình sự bên cao bên thấp như hiện nay nhìn “rất phản cảm”, “tạo uy thế ngầm” cho bên buộc tội. Có những tòa xây bục cho HĐXX và KSV quá cao khiến mỗi lần tranh luận với KSV, LS cứ phải ngước cổ lên, nhìn rất bất bình đẳng. Theo LS Nguyễn Duy Bình (Đoàn LS TP.HCM), vị thế của một LS trong xã hội và trước công đường là rất quan trọng. Chỗ ngồi của LS thể hiện sự tôn trọng; vị trí ngang hàng với chỗ ngồi của KSV thể hiện sự công bằng, bình đẳng, minh bạch trong tố tụng và quan trọng nhất là thể hiện tinh thần cải cách tư pháp. |
Thanh Tùng
(Theo Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh)