Kinh doanh học trò?
Sự bùng nổ các trường dân lập đến chóng mặt, bất chấp mọi điều kiện, yêu cầu ở nước ta hiện nay là không thể chấp nhận và đáng lo ngại.
Hiện nay, có một điều khiến toàn xã hội hết sức quan ngại. Đó là sự giảm sút chất lượng đào tạo ở bậc đại học với việc ra đời ồ ạt các trường đại học dân lập. Không thể tưởng tượng nổi chỉ từ năm 1987 đến nay (2012) mới 25 năm mà số trường đại học, cao đẳng ở nước ta đã tăng gấp hơn 4 lần (từ 101 trường tăng lên trên 400 truờng). Người ta còn dự tính sẽ đạt được con số 900 trường đến năm 2020, nhưng vì thấy quá… “lãng mạn” nên đã rút chỉ tiêu xuống còn 600. Đó là con số người ta đang phấn đấu để đạt được trong vòng chưa đầy 10 năm nữa. Cứ đà này chắc chắn sẽ thành hiện thực, chẳng khó khăn gì khi mà hiện nay không tỉnh nào không có trường đại học, cao đẳng. Có tỉnh còn có tới dăm bảy đến cả chục trường. Nhiều người nói vui: rồi đến huyện cũng có trường đại học không biết chừng(!)
Với đà phát triển của xã hội, sự gia tăng dân số, để tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của đất nước, việc các trường đại học, cao đẳng xuất hiện nhiều hơn trước là bình thường, đương nhiên, hợp quy luật, không có gì phải bàn. Nhưng nhiều đến mức thái quá, sự bùng nổ các trường dân lập đến chóng mặt như đã nêu, bất chấp mọi điều kiện, yêu cầu ở nước ta hiện nay là không thể chấp nhận và đáng lo ngại.
Trước nhu cầu của xã hội, một trường đại học muốn ra đời phải hội được đầy đủ các yếu tố: trước hết là đội ngũ giảng viên, liền sau đó là cơ sở vật chất (mặt bằng, địa điểm, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập…). Giảng viên phải bảo đảm một tỉ lệ (theo quy định) các nhà khoa học có học hàm, học vị cần thiết (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ). Không thể gọi là một trường đại học mà lên bục giảng chỉ toàn là những cử nhân mới ra trường và vài ba thạc sĩ. Chất lượng đào tạo, giảng dạy càng được nâng cao khi tỉ lệ các giáo sư, tiến sĩ càng lớn. Tất nhiên phải là những bằng cấp thực sự, chứ không phải là “rởm” – sản phẩm của việc mua bằng, chạy lấy bằng. Tỉ lệ giữa thầy và trò cũng phải được bảo đảm.
Ở nước ta hiện nay, chẳng những trình độ thực sự của thầy ở đại học còn bất cập so với yêu cầu mà tỉ lệ trên bất ổn. Tính trung bình là 1 thầy dạy 30 sinh viên. Với trường đại học, cao đẳng thuộc các ngành kinh tế, tỉ lệ này còn cao hơn: Miền Bắc là 1 thầy/60 sinh viên, miền Nam 1 thầy/100 sinh viên. Trong khi đó tỉ lệ trung bình thế giới là 1 thầy/15 trò. Hiện nay, 75% nhà khoa học trên toàn quốc đã quá tuổi 50. Những số liệu trên cho thấy chất lượng giáo dục đại học đang có vấn đề. Mới đây, trong số 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam được kiểm định thì không trường nào đạt chuẩn. “Hàng đầu” còn như vậy thì những trường ở các tỉnh lẻ, dân lập sẽ ra sao?
Có dịp về các vùng nông thôn hiện nay sẽ thấy một hiện tượng khá phổ biến: học sinh vừa thi trượt đại học ở các trường công lập, lập tức nhận được hàng chục giấy mời vào học tại các trường đại học dân lập. Có em chỉ 6,7 điểm cũng được gọi. Nhiều em được nhiều trường “mời” quá không biết học trường nào. Thì ra các trường dân lập mọc lên nhan nhản, như nấm sau mưa ở khắp nơi, rất cần có sinh viên nhập học. Do được ưu tiên về mặt bằng đất đai để xây dựng nên các trường chỉ còn mất tiền chi chủ yếu vào việc mời giảng viên nên việc “dụ” được càng nhiều sinh viên vào học càng có lãi, bởi tiền học phí không hề thấp. Trung bình đại học từ 600-700 nghìn đồng/tháng, cao đẳng cũng 400-500 nghìn đồng/tháng, mà như đã nói, một giảng viên dạy quá nhiều sinh viên, đủ thấy “lãi” như thế nào.
Để chiêu sinh được nhiều, tất nhiên các trường phải giở đủ mọi “phép”. Và thế là các mẹo “liên kết” đào tạo được triệt để vận dụng. Tiếng là trường đại học nhưng mở cả hệ trung cấp, dạy nghề. Họ đã đánh đúng vào tâm lý thích “oai”, bệnh “sĩ” của nhiều gia đình ở nông thôn muốn “mở mày mở mặt” với dân làng nên con phải vào đại học mới oai, không muốn vào các trường “lèm nhèm” khác, mà không biết có vào, hoặc lúc ra chẳng rõ sẽ làm gì (vì chất lượng đào tạo thấp), hoặc là thực chất cũng chỉ là học trung cấp. Vậy nên mới có hiện tượng học sinh chỉ tốt nghiệp THCS cũng được “vét” đi học và giáo viên dạy trung cấp leo luôn lên dạy đại học (như trường đại học Phú Yên được mở từ việc sáp nhập 2 trường cao đẳng sư phạm và trung cấp kinh tế kỹ thuật – cứ nguyên xi giáo viên cũ của 2 trường sử dụng vào việc dạy sinh viên mới).
Mở trường đại trà, tìm mọi cách lôi kéo học sinh càng nhiều càng tốt, giảng viên thì vừa ít, vừa non kém trình độ nên chất lượng đào tạo sụt giảm, sinh viên ra trường trở nên ngáo ngơ không làm được gì là một hệ luỵ tất yếu. Thật mỉa mai khi có nhiều công ty tuyển dụng người làm việc đã loại trừ sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học dân lập, thậm chí còn nói rõ tên một số trường.
Chạy theo lợi nhuận bằng việc kinh doanh học trò đang là một hiện tượng gây bất bình trong dư luận xã hội, bởi sự phương hại nghiêm trọng đến chiến lược phát triển giáo dục của quốc gia. Trong việc sửa đổi Luật Giáo dục để trình Quốc hội phê chuẩn, người ta đã đề nghị giao toàn quyền cho ngành Giáo dục Đào tạo chịu trách nhiệm việc cho ra đời các trường đại học cao đẳng. Điều này đã vấp phải sự không đồng thuận của xã hội, trong đó có nhiều nhà giáo dục có uy tín. Điều hiển nhiên là việc này phải do Chính phủ quyết định. Ngành Giáo dục Đào tạo chỉ quản lý, giám sát hoạt động của các trường sau khi được Chính phủ cho ra đời.
Với thực trạng vừa nêu, bên cạnh việc quy định trách nhiệm phải thuộc về Chính phủ khi quyết định thành lập các trường đại học, nên chăng cần rà soát lại hàng loạt các trường đã ra đời ồ ạt trong thời gian qua để thấy trường nào không đủ các tiêu chuẩn điều kiện thì dẹp bỏ? Không thể để tình trạng kinh doanh học trò ngang nhiên tồn tại gây thêm nhức nhối cho xã hội vốn đã nhức nhối về nhiều vấn đề trong sự nghiệp giáo dục thời gian qua.
Theo Ninh Bình
Petrotimes