Không thể dạy văn theo kiểu bắt chước các bài văn mẫu

(Dân trí) - Tôi vốn yêu văn học và ít nhiều đam mê nghiệp viết. Gần đây tôi gặp tình huống “dở khóc dở cười” để rồi sau những trận cười đó gần như “hoảng hốt” trước cách học văn cho trẻ em thời nay.

Không thể dạy văn theo kiểu bắt chước các bài văn mẫu - 1

Viết theo mẫu mới được điểm cao?

Câu chuyện khiến tôi phải “cười ra nước mắt” đó chính là chuyện của cháu gái tôi. Bé hiện đang là học lớp 2; cháu được tập làm những bài văn tả người hay con vật nào đó. Hôm trước, cháu vừa khoe được 9 điểm môn văn. Tôi vui mừng và trò chuyện với cháu về đề bài của môn văn, đó là đề tả con mèo nhà em. Tôi thực sự vui mừng khi đọc bài văn của cháu bởi nhà cháu ở thành thị thì đâu có nuôi con vật nào, vậy mà cháu  tả được con mèo hay như vậy tôi lấy làm vui mừng, phấn khởi lắm. Hai chị em (tôi và mẹ cháu) cứ tấm tắc khen bọn trẻ bây giờ thông minh lắm, xem tivi rồi đọc truyện là biết hết các con vật, lại ghi nhớ được hình ảnh và đặc tính của chúng nữa.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thế rồi ngay ngày hôm sau, khi dọn dẹp tầng tum ngôi nhà, bỗng có con chuột chạy ra, hai đứa trẻ la hét và bé cháu tôi ngơ ngác thốt lên câu hỏi : “Cô ơi, con gì mà ghê thế ạ?” Tôi sửng sốt vì mới hôm qua trong bài văn cháu biết miêu tả “chú mèo nhà em oai vệ khi bắt chuột”, thế mà hôm nay khi gặp “chuột thật” thì cháu lại hết sức ngạc nhiên. Tôi không nhịn được cười rồi giải thích cho cháu. Sau đó, hỏi thêm mới biết cháu tả được con mèo bắt chuột vì: “Cô giáo con bảo con mèo phải oai vệ làm chuột sợ mới bắt được nó, còn cô có nói con chuột như thế nào đâu”.

Gần đây, tôi lại đến thăm cháu, được nghe câu chuyện mẹ cháu kể về bài tập làm văn mới đây. Chị rất bức xúc với cách dạy văn của cô giáo. Đề văn cô ra như sau: Em hãy tả cô giáo cũ của em. Mà bé mới lớp 2 nên mẹ định hướng cho bé viết về cô giáo dạy mầm non bé yêu quý. Khi tả xong có câu kết như sau: “Con rất yêu mẹ Tuyết vì khi con mải chơi bị ngã mẹ không mắng, còn nâng con dậy”. Cô giáo cho bài văn 8 điểm rồi nhận xét: “Bài chưa nói được tình cảm cô giáo dành cho con”. Chỉ nghe chị kể thôi tôi đã thấy cách dạy văn theo khuôn mẫu của cô giáo. Các bạn ở lớp làm theo cách cô hướng dẫn của cô thì đều được điểm 9, 10. Cho nên khi được 8, cháu lại phàn nàn mẹ không biết cách dạy văn nên được điểm kém.

Qua hai câu chuyện rất thật mà chính tôi được chứng kiến đã cho thấy cái “hài” của việc dạy văn ở bậc tiểu học hiện nay. Tiểu học là cấp học bắt đầu, nó như những viên gạch nền móng cho một căn nhà, móng có chắc nhà mới vững. vì vậy, ở bậc này, kiến thức tưởng là dễ mà lại khó. Dễ vì kiến thức ít, hâu như chỉ có toán và văn, ngoài ra có đạo đức hay mỹ thuật. Tuy nhiên khó bởi muốn trẻ hiểu được phải có những phương pháp dễ hiểu. Và đặc biệt, môn văn được coi là nền tảng là tiền đề cho cách hành văn sau này của học sinh. Và hiện nay có biết bao nhiêu bài văn “lạ” gây cười cho công chúng, bao nhiêu cách hành văn của những bài thi tốt nghiệp THPT “dở khóc dở cười” , mà nguyên nhân không đâu xa chính là bắt nguồn từ những bài văn hời hợt, thiếu cảm xúc thật do cách dạy theo khuôn sáo của bậc tiểu học.

Không thể dạy văn theo kiểu bắt chước các bài văn mẫu - 2
Sách văn mẫu có từ lớp 2

Hiện nay, chỉ cần thông qua một vài đề bài làm văn của học sinh tiểu học chúng ta cũng có thể nắm được cách hành văn sáo rỗng, dài dòng mà dường như lâu nay đã được coi là văn “chuẩn” là khuôn mẫu để học sinh làm theo bằng cách học thuộc. Nếu chỉ đọc qua bài văn ai cũng tấm tắc khen văn con hay, ngôn từ mượt mà, bóng bẩy tuy nhiên khi được hỏi, thậm chí con còn không biết nhận xét bài viết đó như thế nào? Nào là tả về ông nội thì phải “râu tóc bạc phơ” mà ông thật ở nhà thì đâu đã có tóc bạc. Rồi tả về mẹ của em phải da trắng, ‘đôi mắt hiền hậu” để sau đó con ngây ngô hỏi mẹ “hiền hậu là gì hả mẹ?” Rồi tả cánh đồng thì xanh ngun ngút, bạt ngàn lúa, hay lúa đang trổ đòng mà khi ra ngoài đời bao nhiêu học sinh thành phố không hề biết “đòng đòng” là gì.

Dạy văn là dạy cho học sinh biết cách ăn nói, cách miêu tả, cách dùng ngôn từ đúng cảnh, đúng người, đúng tình huống diễn ra trong cuộc sống, và hơn nữa còn dạy cho các em biết cảm nhận và có cảm xúc thật để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Nếu với cách dạy văn không để hiểu, để cảm xúc mà chỉ đưa ra những bài văn mẫu hoặc viết đúng theo gợi ý của cô giáo thì liệu rằng thế hệ con em chúng ta có còn những cảm nhận và cảm xúc thật để viết ra bài văn thật sự là của mình hay chỉ biết máy móc viết theo bài văn mẫu đã học thuộc hoặc viết y như lời cô giáo bầy sẵn?

 Mới đây, tôi rất vui mừng và xúc động khi đọc bài văn “lạ” của cậu học trò trường Amsterdam. Cậu học sinh nghĩ những gì rất thật về đồng tiền, về những gì đã xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của gia đình cậu. Từ đó cách cảm nhận về “tính hai mặt” của đồng tiền vừa đúng vừa chua chát, đã gây xúc động cho bao người. Người ta nói văn là người, thường mang dấu ấn cá nhân, cho dù còn ngỗ nghĩnh ngây thơ ở tuổi mới cắp sách đến trường. Phải biết trân trọng biết chăm chút cho những “cái riêng” đó mới xứng đáng là  “kỹ sư tâm hồn”.  Tôi thiển nghĩ, văn chính là đời, văn là những gì thực nhất được tác giả chứng kiến từ đời thường và được điển hình hóa mà thành văn. Vì vậy, dạy văn chính là dạy cách cảm nhận đời sống thực tế - cảm nhận người và cảnh - bằng cả trí tuệ và tâm hồn để học sinh có thể viết ra  bài văn của chính mình chứ không phải là bài viết vay mượn những ý tứ của người khác, càng không thể khuyến khích trò viết theo văn mẫu.

             Như Toan

LTS Dân trí- Cách dạy trẻ học văn ngày  nay theo khuôn sáo của những bài văn mẫu như bài viết trên đây phản ảnh đúng tình hình thực tế. Đấy là một trong những nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng môn văn mà biểu hiện rõ nhất qua các bài văn ngô nghê của các thí sinh thi tốt nghiệp THPT và thi đại học.

Nếu nhìn nhận rộng ra thì không chỉ có môn văn mà nhiều môn học khác cũng nặng về cách dạy “nhồi sọ” theo cách suy nghĩ hộ,  phân tích hộ và làm sẵn…cho học sinh chép.  Vì vậy, chưa bao giờ có nhiều loại “sách mẫu” như bây giờ!

Trong lúc chương trình học nặng nề, các môn học đều có bài giải sẵn, rất ít học sinh chịu khó tìm tòi suy nghĩ mà cứ thế chép vào. Điều đó làm cho các em lười suy nghĩ và mất dần khả năng sáng tạo trong quá trình học tập.

Học mà không tự làm bài tập các môn học hoặc không tự làm những bài văn thì coi như không học vì chỉ “giỏi Bắt chước”. Mà đấy không phải là đặc tính tiêu biểu của loài động vật cao cấp mang danh Con Người (biết sáng tạo)! Rất tiếc là điều hiển nhiên đó không được các cấp quản lý giáo dục “nhận diện” cho đúng và kiên quyết khắc phục triệt để.