Không thể bao biện cho hành vi bịa đặt
Thời gian gần đây, việc một số tờ báo đăng tải thông tin sai sự thật ảnh hưởng tới vai trò, uy tín của giới báo chí trong xã hội, đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, có người lại đặt hiện tượng này trong quan hệ với cái gọi là tự do ngôn luận. Vậy trên thực tế, sự thật có đúng như họ bao biện?
Tiếp cận từ bất cứ góc độ nào thì tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng không đồng nghĩa với việc nhà báo dẫn nguồn tin thiếu chính xác, bịa đặt ra câu chuyện hay xào xáo, sao chép thông tin của các tờ báo khác. Trong các nền báo chí tiến bộ trên thế giới, việc dựng chuyện (fabricate) và đạo bài (plagiarism) là hai lỗi lầm nghiêm trọng và không thể dung thứ. Vì thế, thường thì khi nhà báo nào có hành vi liên quan tới hai lỗi trên sẽ bị tòa soạn sa thải ngay lập tức. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với nhiều hệ lụy khác như: buộc xin lỗi công khai tới bạn đọc, trả lại giải thưởng báo chí mà mình từng nhận. Nghiêm trọng hơn, nếu bị cá nhân hoặc tổ chức nào khởi kiện vì hành vi dựng chuyện ảnh hưởng xấu tới danh dự của họ, thì nhà báo và tòa soạn sẽ phải hầu tòa, sẽ phải bồi thường những khoản tiền không nhỏ. Chưa kể sự nghiệp báo chí của người viết có thể vĩnh viễn bị chôn vùi, tên tuổi trở thành "tấm gương xấu" trong một khoảng thời gian dài. Ðiều này không hề là ngoại lệ ngay cả với nền báo chí Hoa Kỳ vốn có tiếng là ủng hộ các hành động "tự do quá trớn" và trên lý thuyết là quốc gia không có luật báo chí!
Theo tổng kết của polotico.com, journalism.about.com về danh sách 10 nhà báo tai tiếng vì "dựng chuyện", có tới ba người từng được đề cử hoặc được nhận giải Pulitzer - giải thưởng báo chí cao quý nhất của Mỹ. Những người này sau đó đã không thể tiếp tục công việc, thậm chí phải trả lại giải thưởng kèm lời xin lỗi công khai. Nhà báo được giải Pulitzer đầu tiên "dính chàm" là Louis Seibold. Năm 1921, Seibold thực hiện một phỏng vấn giả mạo với Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson. Thời điểm đó, Woodrow Wilson rơi vào trạng thái hôn mê, Seibold không còn cách nào khác ngoài việc viết ra một bài phỏng vấn tưởng tượng với sự giúp đỡ của phu nhân tổng thống và một số người khác. Ðiều đó đã làm cho ông ta không tránh khỏi bia miệng của thế gian, ngay cả khi đã mất. Tiếp theo, là trường hợp nữ nhà báo Janet Cooke, người bị thu hồi giải thưởng Pulitzer được trao năm 1981 vì có thiên phóng sự "bịa đặt". Cooke viết một bài báo nhan đề Thế giới của Jimmy, tường thuật cuộc sống của lũ trẻ da mầu nghèo khổ giữa nạn buôn bán ma túy và đăng trên tờ Bưu điện (Post). Ðây là một bài báo cảm động, ngoại trừ việc tất cả những gì Cooke viết ra hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Thực tế, không có một đứa trẻ 8 tuổi nào có tên là Jimmy có cuộc sống như vậy dù sau đó có một vài người tìm cách bào chữa. Từ đó, Cooke bị coi là "một kẻ nói dối bệnh lý"! Trường hợp tai tiếng khác được nhắc đến là Jack Kelley, phóng viên nước ngoài kỳ cựu của tờ thời báo nổi tiếng Nước Mỹ ngày nay (USA Today) từng năm lần được đề cử giải Pulitzer. Năm 2004, ông bị chính đồng nghiệp cáo buộc ít nhất đã có hành vi bịa đặt trong tám phóng sự của mình và "đạo bài viết" của vô số trang tin khác. Nhiều nhà báo còn cho rằng hàng trăm bài viết từ trước của Jack Kelley đều ít nhiều ăn cắp thông tin, có lời lẽ vu khống, bịa đặt? Nguy hiểm hơn, Jack Kelley vốn là phóng viên chiến trường đã lừa dối người đọc Mỹ về tình trạng ở các nước như Cuba, Parkistan, Afghanistan, Ai Cập, Nga, Nam Tư... Dù thanh minh không hề làm sai bất cứ điều gì hay có ăn cắp thông tin của người khác, dưới con mắt của nhiều đồng nghiệp, Jack Kelley vẫn là "kẻ đáng xấu hổ vì phản bội niềm tin của công chúng". Không có mặt trong danh sách tai tiếng trên, Narciso Contreras, phóng viên ảnh tự do từng đoạt giải Pulitzer cũng bị hãng AP ngừng hợp tác vì đã chỉnh sửa một vài chi tiết trong những bức ảnh chiến trường Syria của mình. Cho dù các chỉnh sửa này không ảnh hưởng nhiều tới nội dung những bức ảnh, hãng AP vẫn kiên quyết chấm dứt quan hệ về công việc với Contreras. Họ tuyên bố rằng: Uy tín của AP luôn được đặt lên cao nhất, mọi hành động vi phạm đạo đức báo chí (dù nhỏ nhất) đều không thể được chấp nhận. Trước đó, Contreras cũng đã phải lên tiếng xin lỗi vì hành động của mình và mong muốn nhận được sự tha thứ từ độc giả.
Ngay cả các tờ báo "lá cải" ở Mỹ vốn coi chuyện bịa đặt là phương thức sinh tồn để lôi kéo sự chú ý của độc giả cũng từng phải trả giá đắt cho các bài viết tưởng chừng vô thưởng, vô phạt. Tờ Hoàn cầu (Globe) từng hai lần phải ra hầu tòa và nộp phạt vì phóng viên Mike Barnie. Mike được biết đến là người chuyên xuyên tạc lời của người khác. Năm 1973, Hoàn cầu mất 40.000 USD sau khi Mike bị cáo buộc là đã phịa thêm lời vào các bài phỏng vấn. Năm 1991, phóng viên này tiếp tục đem lại rắc rối cho tòa soạn sau khi tự ý thêm thắt vào lời của một giáo sư thuộc Ðại học Havard. Mike Barnie đã viết rằng vị giáo sư thích phụ nữ châu Á vì người châu Á biết "phục tùng"; rút cuộc, Hoàn cầu phải đền 75.000 USD! Năm 2004, Carl Cameron làm cho tờ Fox News cũng bị bẽ mặt khi bịa ra chuyện Thượng nghị sĩ John Kerry là một "người mắc bệnh yêu bản thân thái quá khi thường xuyên chăm sóc da mặt, móng tay". Thực tế, John Kerry là một người ưa chải chuốt; tuy nhiên, những "câu nói" Cameron viện dẫn là của ông John Kerry lại không có bằng chứng! Việc tương tự cũng diễn ra với chính đối thủ của Kerry khi đó là Tổng thống đương nhiệm George Bush. Tập đoàn truyền thông CBS buộc phải xin lỗi George Bush sau màn dựng chuyện tai tiếng khi Dan Rather - phóng viên của CBS, "chế tạo" ra một bản ghi "giả". Theo nguồn tin dối trá đó, George Bush được cho là nhờ quan hệ gia đình với bang Texas nên đã "trốn" được việc tham gia chiến tranh Việt Nam. Ðây là một bài báo ác ý nhằm hạ thấp uy tín của Tổng thống Bush. Và các sai lầm ngớ ngẩn khi "chế tạo" bản thảo của Rather đã biến thành một trò cười và thảm họa báo chí, ảnh hưởng tới uy tín của CBS.
Vài năm lại đây, trước sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều tập đoàn truyền thông ở Mỹ cũng nhanh chóng "thiết quân luật" đối với phóng viên dưới quyền khi họ sử dụng hay hoạt động trên website cá nhân, blog, facebook, twitter,... Mỗi một dòng tin nhắn hay nguồn tin xuất hiện trên các trang cá nhân của nhà báo đều đồng nghĩa với việc anh ta phát ngôn thay cho tờ báo nên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các câu chữ, đoạn video, bức ảnh được đăng tải. Năm 2010, tờ Bưu điện Washington tuyên bố đình chỉ công việc của bình luận viên bóng bầu dục nổi tiếng Mike Wise sau phát ngôn "đùa cợt" của ông trên twitter. Số là bình luận viên này đưa ra trên trang cá nhân thông báo: Tiền vệ Ben Roethlisberger của đội Pittsburgh Steelers chỉ bị đình chỉ năm trận đấu tại NFL (giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ) vì hành vi sai trái thay vì sáu như công bố của ban tổ chức giải. Gần như ngay sau đó, Mike Wise đã xóa bình luận và xin lỗi vì trò đùa của mình. Nhưng vì quá trình chia sẻ trên twitter diễn ra quá nhanh, tin tức lập tức tới lãnh đạo Bưu điện Washington. Họ yêu cầu Mike Wise xin lỗi công khai và bị đình chỉ công việc trong một tháng. Nhưng mọi việc chưa dừng lại, nhiều phản hồi của độc giả mong muốn Wise phải bị đuổi việc. Thậm chí, một vài bình luận rất gay gắt còn cho rằng nếu Bưu điện Washington không đuổi Mike thì không còn là một tờ báo đáng tin nữa!
Từ các sự kiện xảy ra trong báo chí Mỹ, có lẽ một số người tại Việt Nam nên định nghĩa lại hai chữ "tự do" mà họ đang nhầm tưởng. Tự do báo chí, tự do ngôn luận tại bất kỳ quốc gia, dù tiến bộ đến mức nào trên thế giới cũng phải dựa trên nền tảng của sự trung thực, tôn trọng sự thật. Cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của báo chí chính là sự thật. Nhà báo là người làm việc để bảo vệ, phụng sự cho chân lý ấy. Cho nên, thật ngạc nhiên khi có người chống chế, bao biện cho hành động đạo bài, chế bài, xuyên tạc, bịa đặt, dựng chuyện là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hay chưa thể kiểm chứng thông tin! Nói thế nào thì các hành động đó đều chung một bản chất, là dối trá. Ðáng tiếc, nếu ở nhiều nước phương Tây, cụ thể là ở Mỹ, người phát hiện hành vi đạo văn, bịa đặt lại chính là các nhà báo, thậm chí trong đó có người là đồng nghiệp của người đạo văn, dựng chuyện, thì ở Việt Nam, trong vài vụ việc mới đây, dường như người trong cuộc lại dửng dưng trước hành vi đăng tin sai sự thật? Sự việc chỉ trở nên rõ ràng khi dư luận phân tích, làm sáng tỏ tính chất giả mạo của bức thư. Ðến hiện tại, các cá nhân liên quan trực tiếp tới việc đăng tải bức thư trên vẫn im lặng, không có bất kỳ lời xin lỗi trước độc giả, cũng chưa có thông báo kỷ luật chính thức với những tác giả dựng chuyện? Cung cách làm việc như vậy không thể tồn tại trong một nền báo chí chuyên nghiệp. Dù chưa thể kết luận về xu hướng báo chí với các tác giả hành nghề bằng cách bịa chuyện, ăn cắp thông tin trên mạng đang giữ vai trò chi phối một số địa chỉ báo chí thì các sự kiện - hiện tượng tiêu cực trong báo chí gần đây cũng là sự cảnh báo khi mỗi nhà báo xem nhẹ vai trò xã hội - nghề nghiệp của mình, và xã hội lơi lỏng vai trò của luật pháp, thiếu hình thức kỷ luật, cơ chế xử phạt nghiêm khắc, cụ thể với báo chí.