Không phải đâu cũng có những con thú để mà xin trợ giúp!
“Nhân viên có thể giảm lương chứ không thể giảm khẩu phần ăn của động vật”. Bạn nghĩ sao về việc Thảo Cầm Viên phải giảm lương của người để có tiền ăn cho thú?
Lời kêu cứu trên fangape của Thảo Cầm Viên Sài Gòn mấy ngày qua đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Chia sẻ, vì chi tiết gần 300 nhân viên của công viên đã đồng lòng cắt giảm 30% lương, tối giản các chi phí để duy trì chế độ cho gần 1.500 động vật đang được chăm nuôi tại đây.
Chia sẻ, vì mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng về cả vật chất và tinh thần nhằm giúp công viên vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Trong đợt dịch COVID-19 hồi tháng 3, Thảo Cầm Viên phải đóng cửa 2 tháng. Trong suốt 2 tháng ấy, dù doanh thu bằng 0, nhưng 5-6 tỉ đồng tiền thức ăn cho thú, tiền lương, bảo hiểm, chăm sóc cây xanh… vẫn đều như vắt chanh - phải chi.
Rồi đến đợt dịch này. Doanh thu bán vé, từ khoảng 300 triệu, giờ tụt xuống chỉ còn 15 triệu mỗi ngày.
Khoản lỗ, ngót 20 tỉ kể từ đầu năm, phải đến như một tất yếu.
Thảo Cầm Viên không có cách nào khác là giảm lương, với chia sẻ của ông Giám đốc: “Nhân viên có thể giảm lương chứ không thể giảm khẩu phần ăn của động vật”.
Câu chuyện Thảo Cầm Viên được người ta chia sẻ vì khía cạnh nhân văn của nó, rằng không thể để những con thú chết đói được - chấm hết - như thể đó là một lẽ dĩ nhiên không có gì phải bàn cãi.
Nhưng đằng sau đó, còn là một khía cạnh khác của đời sống. Ngót 300 người lao động phải giảm lương, có nghĩa là thêm 300 gia đình chật vật. Thêm vô số những khoản chi phải thắt lưng buộc bụng. Thêm không ít những khó khăn.
Đằng sau đó, còn là sự tác động kinh khủng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp.
Vừa mới tinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố một con số choáng váng: 63.500 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường. Có nghĩa là mỗi tháng, hơn 9.000 doanh nghiệp phải đóng cửa.
Doanh thu thậm chí bằng 0 trong khi các chi phí vẫn theo kiểu “mở mắt là mất tiền”. Sự thật ấy nó phũ phàng đến khủng khiếp lắm.
Báo điện tử Chính phủ vừa dẫn lại một so sánh của TS Nguyễn Đình Cung năm nào: Phần lớn trong số họ (cộng đồng doanh nghiệp) không có tiếng nói, chỉ lầm lũi thinh lặng như đang đi trên cái cầu khỉ, lưng bị đè nặng bởi khối đá mệnh lệnh, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông... luôn trong tình trạng ưu phiền, kiệt sức...
Họ, khác với Thảo Cầm Viên, khác với các doanh nghiệp nhà nước là họ không có những “con thú” để có thể mở lời nhờ cậy sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, không có một bầu sữa để bấu víu, vật nài.
Cho nên, trước lời kêu cứu của Thảo Cầm Viên, nếu không giúp thì cũng chẳng có lý do gì để chúng ta nói lời cay đắng.
Im lặng, nhiều khi cũng là một thứ trách nhiệm trong thời điểm này.