Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người lao động
Không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động
Trong những năm qua, các cấp CĐ đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho NLĐ.
Qua đó nhiều đoàn viên, NLĐ đã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN; nâng cao kiến thức pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng như chọn cách hành động đúng đắn, không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động, tham gia tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh và an toàn xã hội tại địa phương, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập, đời sống của chính CNLĐ.
Kịp thời giải quyết những nổi cộm từ cơ sở
Trong những năm qua, LĐLĐ huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã triển khai nhiều cách làm hay, đồng bộ để tăng cường hiểu biết pháp luật của đoàn viên, CNLĐ. Hằng năm, LĐLĐ huyện đã tổ chức và phối hợp với các đơn vị tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của NLĐ; triển khai kịp thời các văn bản mới, văn bản sửa đổi về luật. Cùng với đó, hằng năm, các cấp CĐ trong huyện tổ chức tuyên truyền cho trên 5.000 lượt lao động (LĐ) tham gia học tập, trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động (2012), Luật CĐ (2012), Luật BHXH, Luật BHTN trong CNLĐ.
Theo ông Hà Lương Tuấn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đoan Hùng, hình thức tuyên truyền được các cấp CĐ trong huyện lựa chọn phù hợp với từng loại hình CĐCS, sát hợp từng loại đối tượng CNVCLĐ trong đó phát huy tốt hình thức tuyên truyền miệng, hỗ trợ pháp lý, tư vấn trực tiếp, đối thoại, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội thi, giải đố câu hỏi pháp luật. Những nội dung tuyên truyền đến NLĐ luôn thiết thực, cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các CĐCS thường xuyên kiện toàn mạng lưới thông tin viên, tuyên truyền viên để phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, uốn nắn những biểu hiện sai lệch về tư tưởng đạo đức và lối sống của NLĐ.
Còn tại Quảng Ninh, thực hiện đề án phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2016-2020, LĐLĐ tỉnh đã kết hợp tuyên truyền với tư vấn pháp luật lưu động tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân (CN). Ông Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh - cho biết, LĐLĐ tỉnh không tổ chức tuyên truyền bằng hình thức triệu tập vì không phải lúc nào DN cũng tạo điều kiện, cũng như phương thức truyền đạt một chiều có nhiều hạn chế. Thay vào đó, LĐLĐ tỉnh chủ trì tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, kết hợp giải đáp những vướng mắc, bất cập tại cơ sở. “Cứ DN nào tập trung đông CN, nhạy cảm về QHLĐ thì chúng tôi đến. Theo đó, CĐ phối hợp với ngành LĐTBXH, BHXH để tư vấn, giải đáp cho CN chính sách pháp luật trong lĩnh vực BHXH, CĐ, ATVSLĐ. Với những vấn đề bất cập, sát sườn mà CN hỏi, đội tư vấn pháp luật lưu động sẽ trả lời luôn. Có những vấn đề sau đó được trả lời bằng văn bản, yêu cầu DN thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Tính riêng trong năm 2017, đã có trên 30.000 CNLĐ được tư vấn qua hình thức này” - ông Chức cho biết.
Trách nhiệm rất lớn của tổ chức CĐ
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, đặc điểm hiện nay của CNLĐ, nhất là CNLĐ trong các KCN-KCX hầu hết xuất thân từ nông thôn, không qua đào tạo bài bản cả về chuyên môn, tay nghề, pháp luật. Trong khi đó, DN nếu có đào tạo cũng chỉ trong 2-3 tuần, thành ra CN là những người thiếu mọi thứ, trong đó có ý thức pháp luật cũng như ý thức chính trị. Khi vào làm việc, họ phải theo ca kíp, kết thúc công việc là lại trở về nhà trọ nên rất thiếu thốn thông tin chính thống (từ báo chí, truyền hình); những hiểu biết về quyền, trách nhiệm của mình. Hơn thế nữa, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch luôn coi CNLĐ là một đối tượng mà họ rất quan tâm. Một trong những nguyên nhân xảy ra ngừng việc tập thể là phức tạp trong quan hệ lao động, nhưng có cả yếu tố chống đối của các thế lực thù địch chống phá. Nếu không có nhận thức thì NLĐ rất dễ bị kích động, xảy ra phản ứng tập thể, trở thành điểm nóng.
Trước bối cảnh trên, ông Vũ Mạnh Tiêm cho biết, các cấp CĐ có trách nhiệm rất lớn trong công tác này. Là một thành viên Hội đồng Phổ biến pháp luật quốc gia, Tổng LĐLĐVN luôn nắm bắt thông tin ở cơ sở, tâm tư nguyện vọng, điều kiện làm việc của NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp CĐ phát huy truyền thông của cơ sở (như bảng tin, các loa phát thanh, video tại các loa phát thanh đưa thông tin đến CN) cũng như tuyên truyền pháp luật qua tờ rơi, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền miệng ở các khu nhà trọ của CN để đảm bảo an ninh trật tự, sức khỏe, chi tiêu, chính sách BHXH.
Ông Tiêm cho biết thêm, Tổng LĐLĐVN còn tuyên truyền tư vấn trên phương tiện thông tin đại chúng. Website congdoan.vn sẵn sàng tiếp nhận giải đáp tình huống pháp luật; tổ chức cuộc thi trực tuyến. Đặc biệt, Tổng LĐLĐVN đang xây dựng kế hoạch tư vấn pháp luật online cho đoàn viên, CNLĐ; tăng cường vận động tuyên truyền cho CNLĐ trên mạng xã hội. “Đây là điểm đổi mới, đột phá của tổ chức CĐ. Hiện nay, với sự phổ biến của wifi, smartphone trong CN thì đây là một hình thức rất hiệu quả để phổ biến pháp luật cho NLĐ. Tổng LĐLĐVN sẽ từng bước xây dựng các gói câu hỏi dạng tình huống để trả lời tự động cho CN; còn các vấn đề khác cần phân tích, trao đổi thì sẽ có các chuyên gia cũng như nhân sự ở các Trung tâm tư vấn pháp luật tại các địa phương giải đáp. Những trung tâm này cũng sẽ phối hợp để bảo vệ NLĐ khi họ khởi kiện đòi quyền lợi của mình” - ông Tiêm cho biết.
Theo Quế Chi
Báo Lao động