Không còn chỗ cho lãnh đạo biến chất

(Dân trí) - Chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc cấp dưới trực tiếp có sai phạm là một trong những nội dung trong quy định mới đang được thảo luận tại Hội nghị TƯ 8 được dư luận hoàn toàn ủng hộ.


Hội nghị Trung ương 8: Hoàn thiện quy định về cán bộ cấp cao

Hội nghị Trung ương 8: Hoàn thiện quy định về cán bộ cấp cao

Hội nghị TƯ 8 vừa họp, đưa ra nhiều nội dung quan trọng và một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên TƯ Đảng (gọi tắt là Quy định).

Trong Quy định có một điểm được nêu rất cụ thể và rõ ràng: Yêu cầu các cán bộ nêu trên chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín, hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.

Có lẽ, chưa bao giờ những quy định của Đảng lại nêu những yêu cầu rất rõ ràng và điều chỉnh rộng như thế này về việc nêu gương, bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất như hiện nay. Điều này, tuy là nội dung mới, nhưng nếu để ý, ai cũng có thể thấy, đó là những bước đi có tính xuyên suốt đòi hỏi tính gương mẫu, sự liêm khiết, sự trung thực của lãnh đạo, bắt đầu từ cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước.

Với những yêu cầu như thế này, chắc chắn những vị lãnh đạo nhúng chàm, nếu chưa thể khởi tố vì không đủ chứng cứ, cũng sẽ không thể yên vị. Bởi, từ trước đến nay, không ít vị dính dáng đến tiêu cực nhưng vẫn bình yên vô sự vì biết “ném đá giấu tay”. Với những việc “nhạy cảm”, họ luôn chỉ đạo bằng miệng và cấp dưới vẫn phải thực hiện. Chính vì vậy, khi pháp luật sờ đến, những vị lãnh đạo này thường vô can bởi không đủ chứng cứ. Do đó, những đối tượng nhúng chàm này vẫn nhởn nhơ trước vòng pháp luật và vẫn vô tư “thuyết giảng” về đạo đức ở không ít nơi. Do đó, dù không thể khởi tố, họ vẫn buộc phải từ chức và ít nhất, nhờ đó bộ máy cũng trong sạch hơn.

Trong dự thảo này cũng quy định rất rõ từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lội; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…

Tuy nhiên, nếu như việc vạch mặt chỉ tên nạn “con cháu các cụ” có thể không dễ, nhưng không khó, thì việc chứng minh được ai tham nhũng chính sách, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm cũng không hề đơn giản chút nào. Bởi, đã là “tham nhũng chính sách” luôn là kết quả của liên minh, thỏa thuận giữa các “nhóm lợi ích”, nên nó luôn có cách che chắn tinh vi và thường làm “đúng quy trình”. Trong khi, hậu quả của “tham nhũng chính sách” lại gây ra hậu quả vô cùng to lớn tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Để “tham nhũng chính sách”, tất nhiên phải là những “nhóm lợi ích” có vị trí cao. Để có thể trục lợi từ chính sách, những đối tượng này có thể đưa ra những lời giải thích một cách ngụy biện, nhưng mấy ai dám chống và nếu chống cũng khó thành mà còn bị trù dập.

Do đó, chỉ riêng việc ghi rõ “tham nhũng chính sách” trong Quy định của Đảng đã thể hiện sự dũng cảm: Dám nhìn thẳng sự thật, từ đó có giải pháp chống tiêu cực hiệu quả nhất. Và để che đậy sai phạm, lý do “nhạy cảm” thường được sử dụng trước đây để xử lý nội bộ đã không còn đất diễn.

Dư luận tin rằng, những “nhóm lợi ích” sẽ tìm đủ lý do “nhạy cảm” để cản trở những nội dung quan trọng trên đưa vào Quy định, nhưng những gì Đảng đã, đang quyết liệt chống tham nhũng tiêu cực, đã thành một xu thế không thể cưỡng, thì chắc chắn những nội dung trên sẽ được đưa vào Quy định này của Đảng. Những nội dung đó sẽ ngăn chặn tối đa những ý đồ, những hành động hại nước, hại dân và lấy lại lòng tin của người dân.

Tuy nhiên, việc phân định thế nào là không đủ uy tín lại là vấn đề mà dư luận rất quan tâm.

Thứ nhất, những vị đã chịu hình thức kỷ luật của Đảng thì có thể đơn giản hơn. Chỉ cần quy định rõ mức nào là thiếu tín nhiệm. Chẳng hạn, bị kỷ luật khiển trách hay chỉ ở mức cảnh cáo mới bị coi là thiếu tín nhiệm. Và khi đã có mức cụ thể, thì những vị đã từng bị kỷ luật đó, nhưng đang tại vị, có bị buộc phải từ chức không?

Ngoài những vị có hình thức kỷ luật của Đảng, thì những vị nào chưa bị kỷ luật, nhưng phiếu tín nhiệm thấp của những thành viên Chính phủ, một số chức danh trong Quốc hội có bị coi là thiếu tín nhiệm hay không? …

Dư luận tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, những nội dung trong Quy định mới này sẽ ngăn chặn tối đa những ý đồ, những hành động hại nước, hại dân, tăng thêm lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Vương Hà