Không cần những lý thuyết cao siêu “trên trời”
(Dân trí) - “Bộ trưởng Đinh La Thăng phải ngồi ở nhà nhiều hơn, chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc cụ thể vụn vặt ấy. Tác phong của bộ trưởng như vậy là rất tốt, nhưng vị trí bộ trưởng không phải ở chỗ ấy, mà có thể thông qua bộ máy, thông qua cấp phó hay đốc thúc cấp dưới làm. Nếu trên bảo dưới không nghe, với tác phong của mình, Bộ trưởng Thăng có thể hạ bệ, cách chức người đó ngay”- ông Cao Sĩ Kiêm đã góp ý như vậy với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Ông Cao Sĩ Kiêm nói không sai, bộ trưởng là người sử dụng trí tuệ để hoạch định chính sách, chạy ra ngoài đường giải quyết chuyện vụn vặt là việc của cấp dưới.
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế đôi khi không chấp nhận lý thuyết, ít nhất là trong một giai đoạn tạm thời. Có nhiều việc đúng là không cần đến tay bộ trưởng, nhưng một khi bộ máy cần có những thay đổi mạnh mẽ, thì phải có sự quyết đoán từ người có trách nhiệm cao nhất. Nhìn lại những quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa qua, cho thấy sự có mặt của ông là không thừa. Và nếu như không có ông, sẽ không có sự thay đổi tích cực. Mới nhất, Bộ trưởng Đinh La Thăng bị dân “quây” khi đi thị sát dự án Nhật Tân - Nội Bài. Ngay sau đó, con đường hầm cho người dân được hoàn thành đúng cam kết của bộ trưởng.
Bộ trưởng ngồi nhà suy nghĩ chính sách, nhưng phải đi ra đường để biết được cần phải làm chính sách gì. Chúng ta đã có quá nhiều chính sách “trên trời”, bởi vì những chính sách đó là sản phẩm của những lý thuyết gia không bao giờ thở hơi thở của cuộc sống. Phải xông vào thực tiễn để làm chính sách thì chính sách đó mới sống động, thiết thực, hiệu quả.
Mặt khác, khi bên dưới còn quá nhiều điều xộc xệch, thì không thể chỉ đạo bằng văn bản. Chính sách dù hay ho, nhưng bộ máy thực hiện yếu kém thì cũng vô ích. Cho nên, sự có mặt đúng lúc, đúng nơi của bộ trưởng là rất cần thiết. Mỗi một lần bộ trưởng có mặt tại một điểm nóng, là giải quyết, xử lý được một vụ việc, còn hơn là để những sai lầm hay vi phạm đó tồn tại và ngồi chờ chính sách.
Đi đến các công trình, dự án, xem xét hiện trường và kỷ luật ngay lập tức những cán bộ quản lý của các dự án đó. Nhiều vụ như vậy, cách chức được nhiều cán bộ năng lực kém, thiết lập trật tự trong quản lý các dự án xây dựng. Đó là việc phải làm.
Trực tiếp đi thực tế, nắm tình hình của ngành đường sắt, cách chức một loạt cán bộ để thay máu cho ngành đường sắt. Đó là việc phải làm.
Đến các nhà ga khắp cả nước, tổ chức các hội nghị để chấn chỉnh ngành hàng không, bắt lãnh đạo Cục Hàng không “lên máy bay để cõng hành khách xuống nếu như không có xe thang”. Đó là việc phải làm.
Một bộ trưởng phải kiến tạo được những chính sách lớn, có giá trị cải cách mạnh mẽ và lâu dài. Nhưng phải xông ra đường để có những thay đổi thiết thực, cụ thể. Đất nước này không thể phát triển bằng những lý thuyết cao siêu trên trời, mà bằng những hành động ngay tại mặt đất.
Lê Thanh Phong
Theo báo Lao động