Khiếp vía du lịch Việt, đồng hành cùng đạo chích

Với nhiều du khách đến Việt Nam, taxi như người bạn đồng hành khi di chuyển. Song, nhiều người thất kinh kiếp vía vì không chỉ “chặt chém”, táo tợn hơn, gần đây lái xe taxi còn chôm chỉa cả tiền và đồ của khách du lịch.

“Trò bẩn” này đang làm xấu đi hình ảnh một Việt Nam thân thiện, mến khách.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Cánh cổng mở của nhà ông Nguyễn Bá Thanh

* Chỉ nên ăn 6 thìa nhỏ đường mỗi ngày!

* Samsung Electronics Thái Nguyên được ưu đãi hải quan

* Phát hiện vật khả nghi là từ máy bay mất tích gần đảo Thổ Chu

Lợi dụng khách du lịch là người nước ngoài, là Việt kiều chân ướt chân ráo vừa xuống máy bay, không biết đường xá, không rõ tiền Việt nên một số lái xe taxi đã giở trò lưu manh. Nhẹ thì tính cước đắt đỏ, kiểu như 1 triệu đồng cho quãng đường 3 km, nặng hơn là bịp khách khi cố tình nhập nhèm các loại tiền Việt với nhau và giữa tiền Việt với tiền nước ngoài, nặng hơn nữa là trộm đồ của khách rồi “té”. Khách lơ ngơ thì chịu mất tiền oan, còn nếu nhanh tay nhanh miệng kêu hỗ trợ thì may ra mới lấy lại được.

Gần đây nhất là ngày 3/3, một lái xe taxi của hãng Vinasun đã nẫng túi đồ gần 200 triệu đồng của chị L.T.Y.M. (Việt kiều Canada, lưu trú phường 14, quận Phú Nhuận).

Tranh thủ lúc sắp xếp hành lý lên xe, chị M. bịn rịn, lưu luyến chia tay người thân trong gia đình để ra sân Tân Sơn Nhất, Nguyễn Huỳnh Lý (sinh năm 1989) liền cầm chiếc giỏ xách bên trong có 200 USD, 200 đô la Canada, 2 triệu đồng tiền Việt, 4 lắc và dây chuyền vàng trị giá khoảng 7.500 đô la Canada (tổng giá trị gần 170 triệu đồng) lên ô tô, nổ máy bỏ chạy trước sự ngỡ ngàng của nạn nhân.

Chị M. nhanh chóng báo với công an và tài xế tham lam bị bắt giữ ngay sau đó, tài sản được trả lại cho chủ nhân.

Khiếp vía du lịch Việt, đồng hành cùng đạo chích
Khó có thể thanh tra, kiểm tra tất cả các xe taxi mà cần trông đợi vào đạo đức của các bác tài (ảnh minh họa)

Trước đó chỉ 1 tuần, một nữ taxi hãng Hà Anh (thực chất là xe taxi giả) đã cố tình lấy 50 USD (tương đương 1 triệu đồng) của hai du khách người Anh cho quãng đường 3 km đi từ đền Ngọc Sơn ra Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đến khi bị “tóm”, lái xe tỏ ra ân hận, khóc và xin lỗi khách. Vị tài xế này thanh minh là do bất đồng ngôn ngữ, khi giơ 5 ngón tay ra hiệu tiền taxi hết 5 USD (tương đương 100.000 đồng) thì khách đưa 50 USD. Do vội vàng nên cô đã cầm lấy và về tới nhà mới biết là 50 USD.

Nghe qua thì thấy cái lý do cầm nhầm của nữ lái xe có vẻ hợp lý, song nếu thấy khách đã tranh cãi, thậm chí chụp lại cả đồng hồ cước để khiếu nại, phải mời Thanh tra giao thông đến để giải quyết, thì chẳng có lý do gì để biện minh cho cái trò bịp bợm đó cả. Bởi, nếu muốn sửa sai thì đã làm ngay rồi.

Nhiều người trong ngành du lịch cho hay chỉ Việt Nam mới có tình trạng taxi lừa đảo khách du lịch như thế này. Đón khách mà làm xấu mặt nước chủ nhà ngay từ sân bay, đến đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phải trực tiếp gặp và xin lỗi du khách. Đúng là thật xấu hổ.

Một quan chức khác trong ngành nói thêm, ở đây không chỉ cơ quan quản lý mà công dân Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và nên xin lỗi bạn bè thế giới. Nhưng đừng để cứ xin lỗi hoài, xin lỗi mãi, mà sau xin lỗi phải là trách nhiệm, phân công quản lý rất rõ.

Việc quản lý taxi hiện thuộc các địa phương. Trong khi một số điểm đến quản tốt đội ngũ taxi cũng như tình trạng “chặt chém” như Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết - Mũi Né... thì ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... lại làm chưa tốt việc này.
 
Một cán bộ thuộc Thanh tra Giao thông Hà Nội cho hay trên địa bàn thành phố hiện có gần 18.000 xe taxi thuộc 113 doanh nghiệp. Đại đa số lái xe đã được tập huấn về nghiệp vụ và đạo đức. Thế nhưng, vẫn có một số lái xe bắt chẹt hành khách, thái độ ứng xử không văn minh.

Vì thế, Thanh tra Giao thông phải lập đường dây nóng ứng trực 24/24 giờ để xử lý các vi phạm liên quan.

Vấn đề đặt ra ở đây, bài học đạo đức mới chỉ là lý thuyết, sách vở, còn trên thực tế trong phút giây đã bị lòng tham đè bẹp. Vì quá hám lợi, và cũng có thể do thiếu hiểu biết, cánh tài xế taxi đã ăn chặn, lừa đảo, thậm chí là trộm cắp tài sản của khách. Trong đầu họ lúc đó chẳng nghĩ đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu quốc gia... những thứ quá to tát, xa xôi, mà chỉ là làm sao lấy được nhiều tiền nhất của những vị khách Tây lơ ngơ, nhưng chắc là tiền rủng rỉnh.

Có lẽ, cần phải dùng nhiều hơn biện pháp răn đe mạnh như bỏ tù hai tài xế của hãng Việt Thanh khi đồng lõa ép khách Nhật trả 7,5 triệu đồng từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, đắt gấp hơn 20 lần cước bình thường. Chỉ có như thế mới cảnh tỉnh các lái xe khác.

Năm 2013, Việt Nam đón khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Báo chí nhiều lần dẫn con số 75% khách đi không quay trở lại. Không thể đổ lỗi đó là do tình trạng taxi chặt chém khách, nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng khách sẽ sợ xanh mắt nếu mỗi lần đặt chân đến Việt Nam, ngay từ sân bay đồng hành với các tài xế taxi - tưởng thân thiện mà bỗng biến thành đạo chích gớm ghiếc.

Làm thế nào để các lái xe trung thực, nếu tốt hơn, là một hướng dẫn viên mến khách, thì du lịch Việt Nam sẽ được nhờ hơn rất nhiều.

Theo Ngọc Hà
Vietnamnet

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm