Khi những “bà đỡ” không còn “mát tay”
(Dân trí) - Đàn ông vượt biển có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình… Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình… Những “tổng kết” từ xưa ấy giờ không chỉ vẫn nguyên ý nghĩa, mà các bà bầu vượt cạn hiện nay nhiều khi còn lo lắng hơn.
Y đức và tình người thời nay
Thời trước phương tiện kỹ thuật còn lạc hậu lắm, dân thì đa số đều nghèo, y bác sĩ cũng trong chẳng khá khẩm gì hơn. Ấy vậy mà xem ra phụ nữ mỗi khi sinh nở đều có thể yên tâm trao thân gửi phận cho các y bác sĩ. Sinh thường thì cứ an tâm được những “bà đỡ” mát tay có tiếng ở các nhà hộ sinh lo cho mẹ tròn con vuông. Sinh khó một chút đã có bệnh viện, mà thường thì các sản phụ vẫn được động viên cố đẻ thường cho “tốt mẹ, lợi con”.
Sinh xong mẹ con bồng bế nhau đi xích lô về, chỉ gửi lại cho các y bác sĩ đã thức cả đêm đỡ đẻ và chăm sóc mình suốt mấy ngày qua câu cảm ơn suông là chủ yếu. Ai có mẹ già từ quê lên “đón tay” cháu, may ra biếu y bác sĩ được chục trứng gà, nải chuối chín… cây nhà lá vườn cả. Quý nhau là ở tấm lòng, mà thời đó cũng chẳng thấy mấy ai nói gì tới y đức, tới “bệnh” nọ “bệnh” kia (như các “bệnh”: phong bì, cáu gắt, vô cảm…) của chính ngành Y cao quý “cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa”…
Vậy mà giữa thời khoa học kỹ thuật hiện đại hơn rất nhiều hôm nay, hai từ “tai biến” và “y đức” những ngày qua lại càng đặc biệt trở nên nổi bật trên khá nhiều trang báo. Đó là bởi liên tiếp chỉ trong hơn một tháng qua đã xảy ra nhiều vụ tai biến khi sinh, gây chết người tại các bệnh viện bao gồm ở cả tuyến huyện và tại các thành phố lớn.
Cũng như tác giả Vũ Duy Thông phân tích trong bài viết có tựa đề “Tai biến và y đức” đăng trên báo Hà Nội Mới ngày 12/6: “Cho dù nguyên nhân nào chăng nữa thì hầu hết các vụ tai biến khi sinh dẫn đến chết người dường như đều có liên quan đến thái độ thờ ơ, tắc trách, kể cả trường hợp bỏ phiên trực, mải ngủ… của bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý. Tức là ở một góc độ nào đó, y đức xuống cấp, lòng trắc ẩn bị chai lỳ trước sinh mệnh người khác là nguyên nhân của nhiều cái chết oan uổng. Nhưng nguyên nhân của sự tha hóa này ở đâu? Ở chính sự quá tải được tích tụ năm này qua năm khác trong công việc của một bộ phận cán bộ y tế; ở sự đãi ngộ quá bèo bọt mà họ được hưởng sau mỗi ca đỡ đẻ; ở những ẩn ức tâm lý hằng ngày mà họ mang đến bệnh viện...”
Nhìn nhận về vấn đề này từ các độc giả Dân trí cũng có nhiều điểm chung với tác giả Vũ Duy Thông, song điều được nhấn mạnh ở đây vẫn là sự thiếu vắng y đức cũng như tình người trong các cơ sở y tế nước ta thời nay.
“Vấn đề tai biến là bất khả kháng và không ai muốn, nhưng bức xúc người dân nói chung là ở chỗ sự thiếu trách nhiệm có thể nhận thấy rõ trong hầu khắp các bệnh viện, ở sự thờ ơ đến vô cảm của phần lớn y bác sỹ. Trước khi xảy ra tử vong thì thường người nhà đã báo cho ca trực nhưng không được thăm khám, hoặc chỉ thăm khám một cách qua loa. Đến khi sự việc đã rồi thì lấy nguyên nhân này nọ là “bệnh hiếm gặp”. Tại sao không chấn chỉnh, rút kinh nghiệm? Bao nhiêu sinh linh mất đi trong một thời gian ngắn thì đâu thể nói là hiếm gặp nữa, hỡi các y bác sỹ....” - Dat Tran: dattranminh@yahoo.com không chấp nhận những lý giải về “bệnh hiếm gặp” vẫn thường được viện dẫn ra sau các trường hợp tử vong vô cũng đau xót.
“Nên xem lại vấn đề y đức, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao cho bệnh nhân và sản phụ hiện nay...” - Mai Thế Kiều: kieu.cpct@yahoo.com.vn cũng xoáy vào tình trạng y đức bị xuống cấp trầm trọng.
“Tôi nghĩ, nói gì thì nói chứ các bác sĩ, y tá ở VN (nhất là các bệnh viện công) thì cũng nên học lại cách "chăm sóc tận tình" cho bệnh nhân của mình. Và hãy bắt đầu từ lời nói ân cần đến hành động cứu người bệnh như chính đó là người thân nhất của mình. Từ đó tôi tin rằng mọi vấn đề trong y tế hiện nay sẽ hoá giải được hết mà thôi! Chân thành cảm ơn nếu các vị làm được như vậy” - Trần Thuý: anhsaobuon0801@yahoo.com nêu rõ sự cần thiết thay đổi cách chăm sóc bệnh nhân vốn đang gây nên bao nỗi ẩn ức, bức xúc cho cả người bệnh và người nhà họ.
“Rõ ràng như tôi thấy, thời gian gần đây các bà mẹ và con chết là do có sự tắc trách của y bác sỹ. Đa số trường hợp người nhà đã yêu cầu bác sỹ xử lý, nhưng sự thờ ơ của y và bác sỹ đã dẫn đến những cái chết oan uổng. Sao lại đổ thừa cho tỉ lệ sanh không thành công như vậy được. Tôi nghĩ, nếu y đức và trách nhiệm của cán bộ ngành y được cải thiện thì chắc chắn những cái chết tức tưởi ấy sẽ giảm đi rất nhiều!” - Duy Quang: duyquang8102328@yahoo.com chỉ rõ “thủ phạm” ẩn dấu sâu bên trong sự thiếu vắng y đức.
Khoảng cách giữa Tâm và Tiền
“Kính gửi các bác sỹ. Hôm nay, nhân đọc bài báo này tôi nhớ cách đây gần hơn 5 năm. Đúng đêm 30 tết, một người hàng xóm của tôi, do ở chung vách nên hay qua lại và rất thân, cũng đã mất sau khi sinh. Tôi khi đó chỉ nghe người lớn nói chị bị băng huyết do bác sỹ thiếu quan tâm và cũng do gần tết bác sỹ thiếu. Lúc mất máu phải hơn 30 phút mới có bác sỹ đến xét nghiệm máu để truyền...
Nay bé gái con dì ấy cũng gần vào lớp 1, mọi người gọi bé là Xuân Mai vì ngày mai là mùa xuân (mồng 1 Tết)... Người mất đã đành nhưng còn người sống... Bé gái suốt đời không gặp được mẹ và cũng chẳng bao giờ nhận được sự quan tâm cũng như tình thương của người mẹ.... Và dù ai đúng hay sai thì bé gái đó cũng không bao giờ được bù đắp mất mát lớn nhất đời đó...
Biết rằng nghề nghiệp nào cũng có sự rủi ro hoặc tai nạn nhất định, nhưng nếu những tai nạn đó chỉ là do sự bất cẩn hay vô ý của các bác sỹ khiến một gia đinh không bao giờ có thể đoàn tụ, con không thể gặp mẹ... thì chỉ mong các bác sỹ chấp nhận hi sinh một chút, chịu khó một chút để không gia đình nào còn phải gánh chịu tại nạn nghề nghiệp do các y bác sỹ gây ra nữa!
Tôi viết không để chê trách hay quy trách nhiệm ai cả, mà chỉ muốn chia sẻ với mọi người cũng như không muốn ai đó còn biết thêm một câu chuyện đau xót như tôi vừa kể...” - Tèo: danghai.amc@gmail.com kể lại một trong những câu chuyện đẫm nước mắt vẫn vừa lặp lại ở chỗ này, chỗ khác…
“Tôi nằm ở bệnh viện 1 tháng nuôi vợ tiền sản giật tuần thứ 33, đã chứng kiến nhiều chuyện đau lòng. Có bà mẹ đủ tháng đủ ngày đến nằm chờ sinh 2 ngày, tới ngày thứ 3 tim thai chết. Chủ nhật thứ 7 bác sỹ đi làm thêm không trực, đến khi người nhà to tiếng bức xúc thì bác sỹ mới có mặt. Nguyên nhân là do họ còn đi làm thêm kiếm tiền. Các hộ lý, y tá thì lời ăn tiếng nói rất... tệ với bộ mặt lúc nào cũng... hằm hè. Vợ tôi bị tiền sản giật, phải theo dõi 3 ngày bên phòng hậu sinh mà không có người vệ sinh cho mẹ. Y tá chỉ sang khoa sản, khoa sản chỉ sang bộ phận phòng sinh, cuối cùng cô hộ lý thực tập vệ sinh cho vợ tôi. Thật bức xúc lắm lắm....” – bạn đọc lấy nick là Nói với nmấy ông mệt quá: nbt72@yahoo.com than vãn.
“Ở đâu cũng kêu thiếu bác sĩ, vậy mà tôi thấy một thực trạng là bác sĩ học xong ra trường không xin được việc thì vẫn tràn lan. Nói chung muốn xin được vào bệnh viện phải có tiền, rẻ cũng phải vài trăm (triệu đồng). Thế cứ bảo tại sao bác sĩ thích phong bì, nếu không nhận phong bì thì bao giờ họ mới thu hồi lại đủ số vốn ban đầu bỏ ra chứ?” - Thảo: thaoacg@gmail.com luận thêm về “bệnh phong bì” trong ngành Y.
“Thiếu gì chứ.... Em là sinh viên Y Thái Bình, quê Hoài Đức. Năm nay ra trường muốn xin về tuyến huyện làm, nhưng không có tiền nên cũng… khó lắm!!!!” – Huy Huy: huyhuy@yahoo.com có dẫn chứng từ chính bản thân cho “bệnh chạy tiền, chạy việc”.
“Hồi xưa bác sĩ khám chữa bệnh bằng cái tâm. Còn giờ do cơ chế thị trường, làm bác sĩ là phải có nhà lầu, xe hơi nên giờ chữa bệnh vì tiền là chính. Không có tiền là bị hành xác, bị mắng mỏ, nhiếc móc... Thậm chí tới khi chết mà không có tiền thì có khi xác còn không lấy được để về an táng đó.
Bác sĩ giờ phải làm vậy thôi ư? lẽ nào là vì khi muốn vào bệnh viện lớn làm việc dù không có năng lực, mà chỉ cần đủ tiền nộp phí là được? Rồi khi đã vào làm được thì trước tiên phải kiếm lại đủ vốn mình bỏ ra trước đã, còn bệnh nhân sống chết thì.... tùy?
Bây giờ khoa học tiên tiến mà chẩn đoán bệnh còn sai, nếu ngày xưa mà có nhiều y bác sĩ kiểu này thì dân chắc tiêu quá (vì hầu như chẳng ai có tiền mà đi... phong bì).
Theo tôi nghĩ, không phải nước mình không có nhiều bác sĩ giỏi, vừa có tâm vừa có tài. Nhưng chắc là vì họ bị những "con sâu" làm hỏng mất y đức ngành nghề đó thôi. Cần chấn chỉnh lại ngay, để loại trừ hết những "con sâu" đó, trả lại sự cao quý vốn có của ngành Y...” - Nguyễn Long Minh: longmin777@gmail.com có một bài tóm lược tuy ngắn nhưng xem ra thật đầy đủ mọi ý tứ.
Mà đâu phải chỉ các bà bầu nhỉ. Giờ đây ai chẳng sợ khi không may có bệnh phải tới bệnh viện thì mới chỉ nghĩ tới những cảnh quá tải, cảnh bị đối xử như… Rồi nào phải phong bì, phong bao liền tay mà vẫn còn đó nỗi lo… tai biến. Tốt nhất, có lẽ đúng như một số bạn đọc đã khuyến cáo: Cố đừng ốm đau, nhất là nếu túi tiền bạn mỏng!