Khánh Hoà: Bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa qua từng tiết học
Lâu nay, học sinh ít hiểu biết về biển, đảo VN, về bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nay học sinh ở Khánh Hoà đều sôi nổi, hào hứng khi được học trực quan với những cứ liệu, hình ảnh minh chứng cụ thể, phong phú về hai quần đảo này.

Đây là lần đầu tiên chúng em trực tiếp được học về chủ quyền của Việt Nam gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với những trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của nhiều thế hệ. Chúng em hiểu hơn, nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của hai quần đảo này và có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Cần nhân rộng trong cả nước
Để đưa được chương trình giảng dạy về Hoàng Sa và Hoàng Sa vào tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT từ năm học 2012-2013, Sở GDĐT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đồng Khoa học lịch sử Khánh Hoà đã dày công biên soạn bộ tài liệu hoàn chỉnh nhất, phù hợp với từng bậc học. Sở GDĐT tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn ngoại khóa “chủ quyền biển đảo” cho hàng trăm giáo viên, cán bộ chủ chốt trong ngành giáo dục.
Chiều ngày 18.9, trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GDĐT Khánh Hoà - cho biết: Ngành giáo dục đã hướng dẫn cho các thầy cô phương pháp truyền đạt các nội dung khái quát về biển, đảo VN, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa một cách hiệu quả, hài hoà, phù hợp với từng lứa tuổi và nhận thức của các em. Chẳng hạn như ở bậc tiểu học chỉ giới thiệu về Trường Sa hôm nay; khối THCS dạy thêm phần lịch sử chủ quyền; THPT mở rộng nội dung “thế hệ trẻ Khánh Hoà với trách nhiệm bảo vệ biển, đảo quê hương”...
Chương trình giảng dạy về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được lồng ghép trong các giờ học lịch sử, địa lý, học chính khóa, ngoại khóa thông qua màn hình trực quan rất sinh động, bổ ích. Mục tiêu tạo cho các em luôn nhận thức việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa... qua từng tiết học. “Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GDĐT về nội dung chương trình và hiệu quả bước đầu giảng dạy chủ quyền biển, đảo. Trong khi chờ đợi việc biên soạn về chủ quyền biển, đảo trong sách giáo khoa lịch sử, thiết nghĩ, Bộ GDĐT nên nghiên cứu nguồn tài liệu chủ quyền biển, đảo của tỉnh Khánh Hoà biên soạn để áp dụng giảng dạy cho học sinh phổ thông trong cả nước!” – ông Lê Tuấn Tứ nói.
Theo Lưu Phong
Lao Động