Kết thúc thí điểm Grab, Uber: Hướng đi nào trong công tác quản lý taxi công nghệ?

Các ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách như Grab, Uber sau 2 năm được thí điểm tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước đến nay đã hết hiệu lực.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản trình Chính phủ về dự thảo sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP ngày 10-9-2014, trong đó chính thức hóa việc thí điểm này. Trong khi chờ nghị định chính thức được ban hành thì công tác quản lý loại hình taxi công nghệ này tại các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Chưa có định danh dịch vụ rõ ràng

Bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng vậy, việc định danh loại hình đó là gì, xếp vào nhóm hoạt động kinh doanh nào là việc làm quan trọng nhất, là cơ sở căn bản để ban hành khung pháp lý điều chỉnh và các chính sách quản lý hoạt động kinh doanh đó. Tuy nhiên trong suốt thời gian thí điểm, không chỉ Hà Nội mà các tỉnh, thành phố cùng thí điểm Grab, Uber cũng gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề này. Đến nay, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề Grab, Uber là loại hình gì? Bộ GTVT cho rằng đây là loại hình vận tải hợp đồng. Trong khi các hãng taxi truyền thống khẳng định bản chất là dịch vụ vận tải taxi, còn về phía Uber và Grab lại không nhận mình là taxi.

Từ chính sự định danh không rõ ràng này khiến các cơ quan quản lý gặp không ít trở ngại. Sau 2 năm thí điểm, hàng loạt vấn đề bất cập phát sinh, như không kiểm soát được số lượng phương tiện làm tăng mật độ xe lưu thông và dừng trên đường gây ùn tắc giao thông... Trong quá trình hoạt động, các đơn vị thuộc diện thí điểm tự quy định giá cước vận tải, tự điều động phương tiện và thu tiền của khách… điều này không phù hợp với đề án thí điểm được Bộ GTVT phê duyệt. Thêm nữa, Uber và Grab cũng bị phản ánh vi phạm Luật Cạnh tranh khi liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá trái quy định. Đồng thời đối với loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ, ít sử dụng tiền mặt như Grab và Uber, việc xác định và thu thuế của Bộ Tài chính cũng vô cùng khó khăn.

Tại hội nghị tổng kết 2 năm triển khai Quyết định 24/QĐ-BGTVT về thí điểm ứng dụng khoa học, công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có Uber và Grab, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh những lợi ích không thể bàn cãi khi Uber, Grab xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần hoàn thiện quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ, rõ ràng, công bằng.

Sớm bổ sung các quy định quản lý

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, sự tham gia của Uber và Grab đã làm thay đổi thị trường taxi. Uber, Grab trở thành đối thủ cạnh tranh, gây sức ép lớn lên các hãng taxi truyền thống, buộc họ phải đổi mới. Doanh nghiệp taxi nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tái cấu trúc lại doanh nghiệp để giảm chi phí, phục vụ khách hàng với mức giá tốt hơn. Để thuận lợi trong quản lý, Uber, Grab cần được cấp phù hiệu, logo theo quy chuẩn và phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu không, đây là hoạt động “chui”, phải tịch thu xe khi lực lượng chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần thanh tra việc nộp thuế của Uber, Grab trong những năm qua. Thậm chí, có thể kiến nghị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế nếu không thực hiện.

Hiện, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ Vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị để đề xuất nội dung quản lý trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 86/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Theo đó, dự kiến sẽ bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử, đồng thời nghiên cứu đưa loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng 9 chỗ ngồi trở xuống ứng dụng khoa học, công nghệ. Nghiên cứu giảm một số điều kiện kinh doanh đối với taxi truyền thống… Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện hoạt động và các chế tài để xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Uber, Grab.

Đồng thời, đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng internet như Uber, Grab hay Google, Facebook… còn rất mới nên không thể dùng các giải pháp riêng lẻ kiểm soát mà cần giải pháp của cả hệ thống. Trong các giải pháp chống thất thu thuế cần cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hiện đại hóa ngành thuế và hải quan. Các cơ quan chức năng sớm đề xuất Chính phủ ban hành nghị định quy định về hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Dương Sao - Giang Võ

Báo Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm