Hư danh bằng cấp

Trước thềm kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dữ liệu tổng hợp về kỳ thi này.

Có rất nhiều con số được đưa ra nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là con số này: 286.129 thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để công nhận tốt nghiệp.

Như vậy so với tổng số thí sinh dự thi (887.396) thì đã có khoảng 32% nói không với thi đại học, cao đẳng. Ngạc nhiên hơn là ngay tại Hà Nội, trung tâm khoa bảng của quốc gia thì số thí sinh không thi đại học, cao đẳng năm nay đông nhất nước với gần 17 nghìn em, tăng hơn 1.000 em so với năm ngoái.

Riêng Hòa Bình, số thí sinh nói không với thi đại học, cao đẳng chiếm tới 70%; tại Lào Cai là 50%. Thậm chí ngay cả những địa phương có truyền thống hiếu học, nơi mà việc học hành, khoa bảng gần như là con đường duy nhất để thoát nghèo thì số thí sinh nói không với thi đại học, cao đẳng cũng chiếm tới 40%.

Hư danh bằng cấp - 1

Sinh viên nhận bằng tốt nghiệp đại học

Những con số tưởng như khô khan được công bố khiến chúng ta liên tưởng đến những câu chuyện, những phận người mà ở đó chất chứa không ít nỗi buồn mà truyền thông đã nhiều lần nói đến. Cái giá phải trả cho trào lưu “phổ cập đại học”, cho những phù phiếm hư danh bằng cấp, không chỉ là cảnh báo mà đã nhìn thấy ở những cảnh đời, những phận người.

Không chỉ một số ít mà là hàng vạn cử nhân phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân đã xuất hiện trên truyền thông để kể lại câu chuyện chua xót của mình. Cả những chuyện cười ra nước mắt khi họ nói rằng, đã có những khu công nghiệp từ chối không tuyển cử nhân, kỹ sư. Trong khi tấm bằng ấy với đa phần các em ở nông thôn là nhọc nhằn của cha, là mồ hôi của mẹ, là bữa cơm thiếu đói của gia đình ở quê để dành dụm, tằn tiện cho con ăn học nơi đô thành gạo châu củi quế.

Đành rằng, không phải tất cả cử nhân đều thất nghiệp. Đành rằng, học hành khoa cử bao đời nay, không chỉ đem lại vinh hoa mà cả phú quý. Nhưng những vinh hoa phú quý mà khoa bảng mang lại chỉ với những ai mà sự lựa chọn ấy là phù hợp - phù hợp với năng lực, với trí tuệ riêng và với xu hướng ngành nghề chung của xã hội. Bằng không, nếu chọn cách vào đại học bằng mọi giá, vào bất cứ trường nào, theo bất cứ ngành nào, chỉ cần có bằng đại học trong tay, bất kể ngành nghề đó có phù hợp với năng lực riêng và xu hướng chung hay không thì sẽ chỉ là bi kịch.

Kết quả khảo sát của một đơn vị chuyên về giáo dục tại TP Hồ Chí Minh vừa được công bố trên báo chí mới đây cho thấy, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành mình chọn học, 20% hiểu một cách tương đối và đến 75% thiếu hiểu biết về quyết định của mình. Các nghiên cứu về chọn nghề đã tổng kết, việc chọn nghề phải thỏa mãn 3 điều kiện cơ bản gồm lực học, thứ nữa là đam mê và nhu cầu thị trường. Bằng cấp nhưng không đủ năng lực làm việc hoặc không có cơ hội làm việc thì bằng cấp cũng chỉ như thứ đồ trang trí phù phiếm. Ở nước ngoài, đặc biệt là những nước phát triển, việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp cho học sinh được tiến hành từ rất sớm - ngay ở bậc trung học cơ sở chứ không phải chờ đến bậc đại học như chúng ta. Thậm chí ở một số nước, việc phân luồng còn bắt đầu ngay từ bậc tiểu học. Ở trường, các em được ghi danh vào các câu lạc bộ năng khiếu và quá trình học tập, sinh hoạt tại đây với sự hướng dẫn, trợ giúp của các giáo viên như một trải nghiệm để các em khám phá bản thân. Có em ghi danh vào lớp hát nhưng luyện mãi vẫn không có giọng nên từ bỏ ước mơ vào trường nhạc. Có em lại thấy mình phù hợp với nghề bảo mẫu vì quá trình tham gia làm trợ giảng cho các thầy cô trong trường mẫu giáo đã cho thấy điều đó. Những hoạt động hướng nghiệp sớm và thiết thực kiểu như vậy đã giúp học sinh và phụ huynh tự “phân luồng” cho chính mình, cho con em mình, rằng sẽ học tiếp đại học hay học nghề…

Bình luận với báo chí về sự kiện gần 30 vạn thí sinh năm nay không thi đại học, cao đẳng, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đó là một chỉ báo đáng mừng cho thấy công tác giáo dục, phân luồng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông rõ ràng đã có những chuyển biến tích cực. Đại học không phải là con đường duy nhất cho thành công của đời người và bởi vậy, các em không phải nhao vào bằng mọi giá, các phụ huynh cũng không cần phải phổ cập cho con em mình bằng mọi giá, bất chấp sự không phù hợp cả về năng lực cá nhân lẫn cơ cấu ngành nghề chung của toàn xã hội.

Theo Petro Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm