Hỏi xoáy, đáp xoay về... PHÍ!

(Dân trí) - Mới giữa tháng 3 mà nỗi lo của người dân xem ra đã sắp lớp. Chưa kịp bớt choáng vì sự tăng giá thình lình của gas, xăng dầu kéo theo bao mặt hàng khác thì lại đã có “tín hiệu” từ điện và mới nhất là lại thêm khoản phí bảo trì đường bộ.

Hỏi xoáy, đáp xoay về... PHÍ!
Méo mặt vì “phí ...(minh họa: congdong.net.vn)
 
Sao nhiều phí thế?
 

Chiếm đại đa số trong hàng ngàn ý kiến bạn đọc phản hồi tức thì trước thông tin: “từ 1/6, chủ ô tô và xe máy phải nộp phí bảo trì đường bộ” là ý kiến phản ứng. Thậm chí có nói quá lên một chút như Lại Văn Thứ ttiamol@yahoo.com chua chát: “100% người bình luận là phản đối. Tôi cũng phản đối, cho dù biết phản đối cũng không thay đổi được tình hình. Ở ta dường như luôn là chính sách "tiền trảm, hậu tấu" (cứ thu phí đã, dân kêu ta tính sau, mà dân kêu kệ dân, có ảnh hưởng lớn lắm đâu…)”, thì sai số cũng chỉ rất ít mà thôi.

 

Cái sự “phí chồng phí” được rất nhiều người nhấn mạnh lại một lần nữa với những phân tích, lý giải rất đời thường. Qua đó, cũng có thể thấy tâm trạng của người dân đang rất mâu thuẫn: Biết rằng đành phải chấp nhận thôi nhưng vẫn cảm thấy ấm ức, không thông… nên nhiều nhận xét khá gay gắt. Chúng tôi chỉ xin trích giới thiệu dưới đây một số ý kiến có phần nhẹ nhàng, êm tai hơn nhưng xem ra cũng có phần na ná như chương trình "Hỏi xoáy, đáp xoay" trên TV, chỉ có khác câu trả lời còn... bỏ ngỏ.

 

“Đúng là phí chồng chất phí! Dân đã đóng bao nhiêu là khoản thuế vậy mà vẫn chưa đủ sao? Đồng ý là đóng tiền, nhưng việc sử dụng phải thế nào chứ, phải xem xét  cách sử dụng... Nhưng mà trời ơi, sao nhiều loại quỹ quá vậy!” - Dương Văn Huy:  bommavn@gmail.com

 

“Phí lại chồng lên phí! Nếu vừa thu phí bảo trì, vừa thu phí đường bộ tại các trạm thu phí thì có đúng không??? Các trạm thu phí do ngân sách đầu tư hay các trạm BOT thì  ít nhiều có phần vốn góp từ ngân sách (của dân): hoặc góp bằng mặt bằng, quỹ đất của toàn dân và trạm thu phí nào cũng đều là thu phí bằng tiền cả. Vây tại sao lại thu phí chồng lên phí. Nếu 01 phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ trên phạm vi cả nước, thì khi đi qua các trạm thu phí BOT có được giảm phí không. Vì nếu không được giảm thì rõ ràng phương tiện đó bị thu phí 2 lần.

 

Nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thì phải có tính toán để rút ngắn thời gian thu phí. Đồng thời giảm mức thu tại các trạm thu phí (kể cả trạm BOT) đang hoạt động và chấm dứt cấp phép các trạm thu phí mới” – Thế Anh:  theanh838@gmail.com

 

“Phí bảo trì đường bộ, theo tôi nghĩ, là loại phí không minh bạch nhất… Tiền làm đường thì không thiếu, nhưng tại sao đường nhanh xuống cấp vậy, mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm? Để rồi người dân lại phải chịu trách nhiệm "đóng phí để bảo trì". Liệu đây phải là bảo trì cho cái phần "rút ruột, lót đường" của các ông ấy không. Chứ làm nghiêm túc thì 10-20 năm mới phải bảo trì, lúc đó đã thừa tiền làm mới rồi…Không hiểu nổi sao cái gì cũng nhằm vào dân thế? Tôi lúc đầu rất hâm mộ bác Thăng, khâm phục vì bác dám nói và làm. Nhưng quả thật, hình như bác chỉ mới dừng ở mức làm để thu của dân thôi, chứ có thấy phạt ai đâu…” – Viet Nga:  sanc808@yahoo.com
 
Công bằng và minh bạch

 

Số ít ý kiến bày tỏ ủng hộ việc thu phí này, song cũng nhấn mạnh những vấn đề cần được lưu ý như: sự công bằng, công khai và minh bạch nguồn thu, nguồn chi sao cho đúng mục đích, chất lượng đường sá được cải thiện tương xứng với mức phí đã thu…

 

“Tôi ủng hộ việc thu phí, nhưng phải làm công bằng là vấn đề trọng tâm. Nếu nơi làm nơi không thì việc khó thành. Mỗi người đóng góp một chút thì sẽ có nhiều quĩ để sửa chữa đường bộ. Theo tôi thì các loại xe hạng nặng sẽ phải nộp nhiều hơn thì mới công bằng” – Bui Van Luan:  Luanbui59@yahoo.com

 

“Tôi ủng hộ với việc thu phí phương tiện giao thông, đó là việc nên làm. Nhưng các cơ quan nhà nước cần làm như thế nào cho đúng, mới xứng đáng với số tiền mà nhân dân bỏ ra. Xem người dân liệu có nhận được những gì tương xứng, hay là tiền lại rơi vào chỗ khác?” - Pham Van May:  thanhdongtravel@gmail.com

 

“Tôi là một người dân bình thường, phương tiện đi lại của tôi là xe gắn máy. Với mức thu 80.000 đến 150.000đ/năm tôi nghĩ là chấp nhận được với điều kiện:

 

- Chất lượng giao thông được nâng cao (Cơ sở hạ tầng cũng như an toàn giao thông, vấn nạn giao thông...)

 

- Công khai cho dân biết khoản phí mà dân nộp đi đâu và về đâu.

 

Vì sao tôi đưa ra 2 yêu cầu cơ bản trên? Đơn giản nếu bỏ tiền ra mà nhận được sự hài lòng thì chắc chắn không ai phản đối. Và sự thật khác nữa là chúng ta thu rất nhiều khoản phí mà không biết đi về đâu. Phí đường bộ lần này cũng vậy, cần công khai minh bạch vì nếu dùng một phép tính đơn giản thì sau khi thu phí, số tiền thu được sẽ rất lớn” - Nguyễn Tuấn Kiệt:  tuankiet62@yahoo.com

 
Hỏi xoáy, đáp xoay về... PHÍ!
Đã có quá nhiều trạm thu phí giao thông (ảnh: Tuổi Trẻ)
 

“Cần phải kiểm tra lại việc sử dụng tiền ngân sách hiện nay vào việc duy tu bảo dưỡng đường bộ, trước khi nghĩ đến việc thu phí. Nếu việc sử dụng để xảy ra nhiều thất thoát, lãng phí dẫn đến thiếu tiền thì có thu thêm phí nữa chắc đường sá cũng sẽ không có gì cải tiến cả. Mà có khi thêm tiền lại chỉ sinh thêm tiêu cực, mà người cuối cùng gánh chịu lại là nhân dân. Bây giờ có ít tiền thì tính làm sao để sử dụng số tiến ít ỏi ấy cho hiệu quả, không được để thất thoát, tham nhũng  nữa. Nên làm từng bước một. First Thing First!” - Quang Minh:  phule33e@yahoo.com

 

“Mình sang Nhật, thấy họ không thu phí như vậy. Ngay cả việc mua một chiếc xe cũng đơn giản, chỉ khó ở việc mất rất nhiều tiền và rất khó để được cấp giấy phép lái xe. Như vậy vừa giáo dục được ý thức về an toàn giao thông cho người dân. Tại sao Việt Nam không học tập nhỉ, sao chỉ thấy lúc nào cũng tăng thuế, tăng phí…” - Bảo Anh:  baoanh@gmail.com

 

“Cái quan trọng, theo tôi, là việc sử dụng phí đường bộ có thật sự hiệu quả, hay khi bảo trì họ lại rút ruột công trình. Và rồi hết phí này tới phí nọ mà vẫn không còn là phí bảo trì nữa? Đó là điều tôi quan tâm. Vì thực sự làm tốt việc bảo trì đường bộ có hiệu quả thì tất cả vấn đề không có gì phải bàn khi tham gia nộp phí bảo trì đường bộ nữa. Có 1 điều nữa là liệu đã công bằng khi có những phương tiện tham gia lưu hành thường xuyên liên tục, trong khi những những phương tiện khác tuy cũng là ôtô, xe máy nhưng lưu thông ít lại cũng hải nộp 1 mức phí như nhau?” - Đoàn Khánh Ngọc:  đkngoc@yahoo.com.vn
 
Biện pháp và lòng tin
 

Tựu trung lại, vấn đề lòng tin cũng như sự hợp tình, hợp lý vẫn được người dân lưu ý  nhiều nhất tới các vị giới chức các cấp, các ngành hữu quan:

 

“Tôi nghĩ việc thu phí thì tất nhiên các nàh lãnh đạo cũng đã nghiên cứu từ lâu rồi, nhưng sao các vị không tính đến tình hình kinh tế thị trường chứ. Các mặt hàng tăng giá, nhưng lương không tăng thì liệu có đáp ứng được không. Đành rằng là công nhân viên chức là có lương, nhưng những người nông dân họ tích góp mua được chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, vậy bây giờ thu phí liệu còn có ai dám mua để đi nữa không? Mà tôi  thấy đường giao thông của chúng ta làm trước hỏng sau, vậy bây giờ mà thu phí bảo trì đường vẫn hỏng thì sao? Tất nhiên thu phí thì tôi vẫn đóng rồi, nhưng mong các nhà lãnh đạo hay xem xét lại cho hợp tình, hợp lý” - Ha:  tungay_yeuem@yahoo.com

 

“Phí bảo trì đường bộ thì cũng hợp lí thôi, mình sử dụng thì phải có trách nhiệm bảo trì. Tuy nhiên cũng tính đến trách nhiệm của các đơn vị "đào đường", phương tiện quá tải...cũng phải nộp phí gấp nhiều lần phí bảo trì. Đơn vị thi công đoạn đường nào phải có trách nhiệm bảo hành đoạn đường đó, phí bảo trì nên tỉ lệ với chất lượng đường” - Lê Nam:  Phongkgi@yahoo.com

 

“Trong điều kiện hạ tầng còn hạn chế và xuống cấp mà kinh phí Nhà nước không đáp ứng đủ, thì việc thu phí là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, với mức thu nhập của người dân và giá cả hiện nay, theo tôi có thể ấn định mức thu đối với xe máy thấp hơn thì khả thi hơn. Vì xe máy là phương tiện đi lại phổ biến nhất, mọi người dân Việt Nam hầu như ai cũng sở hữu và họ phần lớn là thu nhập thấp. Với ô tô thì để sở hữu được đã là người có thu nhập cao hơn rồi. Mặt khác ôtô cũng là tác nhân gây ùn tắc và hư hỏng hệ thống giao thông nhiều hơn” - Hoàng Lân:  hoanglan07062004@yahoo.com.vn

 

“Hàng tháng lãnh lương, tôi phải xoay sở để chi tiêu sao cho không vượt quá mức thu nhập. Trong khi giá xăng, giá gas, giá điện, giá tiêu dùng tăng liên tục, bản thân người điều khiển phương tiện giao thông cũng đã phải đóng đủ loại thuế rồi. Giờ thêm phí bảo trì đường bộ nữa thì thật chúng tôi kham không nổi.

 

Người giàu thì sẽ thấy chả đáng là bao, nhưng những người lao động như chúng tôi sẽ có cuộc sống chật vật hơn khi cái gì cũng phải cần đến tiền. Nếu nhà nước muốn dân đóng góp nhiều như vậy thì cần có chính sách an sinh tốt, đằng này đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng tăng ...  Chất lượng công trình đường bộ thì hầu như không tốt, nay đào, mai xới gây ùn tắc giao thông, rồi lại đổ tại phương tiện giao thông tăng.  Muốn xã hội phồn thịnh, dân ấm no thì tôi nghĩ Nhà nước cần có chính sách an sinh tốt hơn, bài trừ được tệ tham nhũng thì dân mới giàu, nước mới mạnh” -  Nguyễn Lưu Ly:  tinhban2604@gmail.com

 

“Mong Thủ tướng và các bộ thận trọng hơn khi quyết định thu thêm khoản thu này. Ở Việt Nam không thể so sánh với các nước tiên tiến khác trên thế giới được. Họ thu nhiều nhưng chất lượng dịch vụ công rất tốt, chưa nói đến việc sử dụng dịch vụ công không phải tốn tiến. Thu kiểu ở Việt Nam mình là quá lạm thu, mức thu nhập người dân đã thấp lại càng làm cho họ khổ thêm. Tại sao không xem xét lại các khoản chi, khoản nào chưa thực sự cần thiết thì tạm thời ngừng lại, cần tăng chi cho con người.

 

Tôi nhận định: thu thêm phí nhưng chắc chắn một điều là chất lượng đường sá sẽ không được cải tiến, vẫn nhiều nơi tồn tại ổ gà, ổ vịt thôi. Tất cả các khoản chi cho cơ sở hạ tầng cần được quản lý chặt chẽ. Thông thường nhà thầu chỉ làm hết khoảng 50-60% dự toán kinh phí cho công trình, còn lại bị rút ruột và không biết khoản tiền đó chia chác cho những ai. Nếu làm đúng theo thiết kế và dự toán kinh phí thì chắc không cần phải thu thêm nhiều khoản phí như thế này. Mong các vị hãy cân nhắc lại, đừng để thế giới chê trình độ quản lý của mình kém các bác à” - Linh:  ntlinh_aof2005@yahoo.com
 
Hỏi xoáy, đáp xoay về... PHÍ!
Thu thêm phí, liệu chất lượng đường sá có được cải thiện, ùn tắc có giảm? (ảnh: petrotimes.vn)

 

Than thở, phàn nàn về thu phí cũng như tăng giá chắc luôn là chuyện dài kỳ, vì theo nhiều “Gia cát Dự” thì việc nảy sinh thêm các loại phí cũng như giá tăng đã là “chuyện thường”… Khổ thế! Chưa hết nỗi lo này đã tới nỗi lo khác. Câu hỏi thì người dân đưa ra đã nhiều, còn câu trả lời lại không phụ thuộc vào họ, biết làm sao...

 

Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm