Hối lộ rồi sẽ nhận hối lộ

Gần 50% số người dân được hỏi trên toàn quốc cho rằng phải hối lộ mới có được việc làm trong khu vực hành chính công, đó là kết quả khảo sát trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) công bố ngày 14.4 tại Hà Nội.

Tình trạng chạy để vào công chức được nói đến từ lâu. Dư luận còn nhớ rõ thông tin của ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm UBKT Thành uỷ Hà Nội - rằng, thí sinh chạy để đỗ công chức không dưới 100 triệu đồng. Ông Dực không đưa ra bằng chứng trường hợp nào cầm tiền, nhưng ai cũng có thể tin lời ông nói là sự thật.

Và sự thật đó được chứng minh qua báo cáo vừa nêu trên, đó là con số được thực hiện bằng khảo sát, thống kê khoa học, không phải nói theo cảm tính. Muốn vào cửa công thì phải hối lộ. Chưa kể vào rồi, muốn leo cao hơn, cũng hối lộ.

Chuyện hối lộ để vào làm việc ở cửa công được chỉ ra cụ thể, nhưng hậu quả đằng sau đó thì chưa đo được bằng con số. Với 50% số công chức được chọn vì tiền thì chất lượng hành chính công không thể cao. Chính vì vậy nên các nỗ lực cải cách hành chính vẫn chưa thay đổi được tình trạng yếu kém như hiện nay.

Dù muốn hay không thì về bản chất, Nhà nước và tư nhân luôn phải cạnh tranh về nhân sự. Tư nhân tuyển chọn người có năng lực vào làm việc. Họ không nhận hối lộ để đưa người kém vào để làm hỏng đơn vị của họ, cho nên chất lượng nguồn nhân lực của khối tư nhân luôn cao hơn khu vực nhà nước.

Và dù muốn hay không, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phải dựa trên sự phát triển đồng đều giữa hai nguồn nhân lực của Nhà nước và tư nhân. Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân năng động, sáng tạo, luôn có sáng kiến đổi mới, nhưng bộ máy hành chính chậm chạp, trì trệ, bảo thủ thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đi bằng hai chân, nhưng một chân bị tật thì không thể đi nhanh.

Nguy hiểm hơn, không ai bỏ tiền đầu tư mà không có mục đích thu hồi vốn và lợi nhuận. Những người bỏ tiền để chạy một chân công chức sẽ tìm cách để kiếm tiền, đồng lương nhà nước rất thấp, vậy họ thu hồi vốn và lấy lãi bằng cách gì ngoài nhận hối lộ.

Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng cho doanh nghiệp, phục vụ nhân dân tốt là mục tiêu của Đảng, Chính phủ. Có nhiều biện pháp, giải pháp có tính chiến thuật và chiến lược được đặt ra. Nhưng cốt tử nhất là con người, tuyển dụng công chức qua hình thức thi cử công khai, minh bạch, trung thực thì mới có được đội ngũ công chức chất lượng.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)