Học sinh mong muốn gì ở giáo viên dạy văn

Giáo viên là người có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh. Trong tình hình mới, giáo viên lại càng có vai trò lớn khi định hướng bồi dưỡng cho học sinh có đủ đức tài đáp ứng yêu cầu của thời đại hội nhập. Với giáo viên dạy văn, việc việc định hướng bồi dưỡng ấy lại càng rõ nét. Vì văn học là nhân học. dạy văn là dạy đối nhân xử thế, dạy làm người.

Học sinh mong muốn gì ở giáo viên dạy văn - Ảnh 1.

Nhiều năm đứng trên bục giảng, rồi làm quản lý giáo dục, tôi đã trực tiếp giảng dạy môn văn cho học trò cũng như dự giờ các đồng nghiệp. Tôi chợt nhận thấy có nhiều giáo viên văn hiện nay giảng dạy nhìn chung mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản là truyền thụ đầy đủ kiến thức theo phân phối chương trình và tuân thủ sách giáo khoa, mà thiếu đi chất lửa trong đó. Có lẽ do áp lực chương trình? Cũng có khi do lương thấp, nỗi lo cơm áo gạo tiền phần nào cũng đã làm giảm đi sự nhiệt tình say mê, làm chậm lại mạch cảm hứng của các thầy cô giáo dạy văn, làm giảm niềm say mê văn học trong giờ giảng. Bởi lẽ "cơm áo không đùa với khách thơ".

Mặt khác, lượng sách tham khảo quá lớn khiến học sinh phụ thuộc, lười nghiên cứu dẫn đến tiếp thu thụ động. Ngay cả nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên cũng hay dạy tủ, học sinh được tiếp cận với các bài văn mẫu nhiều hơn. Cũng có khi bởi mục đích cuối cùng của dạy văn là phục vụ cho thi cử, nên áp lực điểm số buộc các thầy cô phải có phương pháp dạy sao cho đạt được kết quả cao về điểm số của lớp mình dạy, khiến lòng nhiệt tình, chất lửa trong khi dạy văn bị giảm đi.

Mỗi khi dự giờ, trong vai trò của một học sinh, nhiều lúc tôi băn khoăn suy nghĩ: Nếu mình là học sinh, tôi sẽ yêu cầu gì ở giáo viên dạy văn? Tôi đã thử đặt mình vào vị trí học sinh để suy xét, cộng với những lúc trò chuyện với học sinh, xin mạo muội đưa ra mấy ý kiến cá nhân: Nếu tôi là học sinh tôi muốn giáo viên văn của mình phải đáp ứng được những nguyện vọng sau:

Thứ nhất: vai trò làm gương

Giáo viên – đặc biệt giáo viên văn - cần là tấm gương cho học sinh soi vào. Trong nhà trường, bao giờ cũng có khẩu hiệu "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương lớn về đạo đức, tự học và sáng tạo". Thầy cô dạy văn càng cần là tấm gương cho học sinh soi vào trong tất cả mọi nơi mọi lúc: từ  ăn mặc, đầu tóc đến lời ăn tiếng nói đều phải chuẩn mực. Học trò luôn muốn các thầy cô của mình nói đi đôi với làm. Không phải chúng ta nhắc các trò phải mặc đồng phục sạch sẽ mà bản thân thầy cô lại đầu bù tóc rối, ăn mặc nhàu nhĩ. Đặc biệt với giáo viên dạy văn, trang phục lịch sự đúng mức cũng làm cho thầy cô lên lớp tự tin hơn, giờ giảng văn sẽ có sức hấp dẫn lôi cuốn. Nếu cô giáo mặc áo dài tha thướt hoặc tà áo bà ba mềm mại, tự nhiên tiết văn sẽ có một không khí khác hẳn.

Cùng với đó, cô giáo dạy văn cần có cử chỉ thân thiện với học trò, không bỗ bã, xô bồ. Người dạy văn tất nhên càng cần ứng xử có văn hóa trong mọi nơi mọi lúc. Thực tế rất nhiều thầy cô đã kiềm chế tốt trước những tình huống sư phạm khi tiếp phụ huynh học sinh và xử lý học sinh chưa ngoan. Đặc biệt càng không nên nổi nóng vô lý, mà phải biết kiềm chế. Người dạy văn càng thâm trầm càng "lạt mềm buộc chặt", lời nói nhẹ nhàng mà thâm thuý, chứ đâu cần đao to búa lớn, để người đối diện với mình phải tâm phục khẩu phục.

Thầy cô giáo – đặc biệt là giáo viên văn – cần bao dung khi học sinh mắc lỗi. Văn học là nhân học, nên thầy cô cần công bằng trong đối xử với học sinh, không phân biệt giàu nghèo, lại càng không được định kiến với những học sinh chưa ngoan, không được thiên vị những học sinh là cán bộ lớp mà bỏ quên những em học yếu hơn. Giáo viên dạy môn văn lại càng phải đối xử nhân văn với đồng nghiệp và đặc biệt phụ huynh học sinh.

Thứ hai: Vững chuyên môn nghiệp vụ

Đã là người thầy, cần vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ mới có thể dạy được học trò. Người dạy văn càng cần như vậy, bởi nếu không vững chuyên môn nghiệp vụ, rất dễ sa đà vào mạch cảm xúc cá nhân, mà quên đi hướng trọng tâm bài học.

Học sinh rất muốn thầy cô nghiêm khắc (có thể hơi khó tính nhưng đừng cáu gắt). Yếu tố làm cho học sinh yêu thích môn văn nhiều khi lại do tính cách của thầy cô quyết định, vì thầy cô giáo là người khơi nguồn cảm xúc để học sinh hứng thú học tập, đặc biệt môn văn là môn cần cảm thụ nhiều hơn các môn khác. Thầy cô phải là người hiểu tâm lý học sinh, "thoáng một cái là biết các trò muốn gì" để điều chỉnh cách giảng phù hợp (Có thể pha trò hài hước khi các em căng thẳng, cũng có khi gần gũi chân tình khi các trò có vấn đề khó nói, đôi lúc phải rắn để tạo lập kỷ cương…). Trên lớp thì trình bày bài giảng một cách ngắn gọn, súc tích để bài học dễ đi sâu vào trí nhớ, không tốn nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn hiệu quả, đặc biệt giờ giảng văn hay bị sa đà vào mạch cảm xúc riêng tư mà quên hẳn định hướng trọng tâm bài học.

          Với giáo viên văn, cần chú ý dạy để hiểu, không phải để "cháy" giáo án. Vì có người cảm hứng nói theo nguồn mạch dẫn đến cháy giáo án, bài giảng không thành công. Đồng ý là môn văn có thể giảng dạy thêm các vấn đề ngoài sách giáo khoa và có thể trả lời những câu hỏi khó mà học sinh thắc mắc. Nhưng việc dạy hay dễ hiểu, gắn với thực tế, vui tính hòa đồng, có biện pháp giúp học sinh đỡ nhàm chán trong tiết dạy; bài tập giao phải vừa sức; tôn trọng suy nghĩ của học sinh… sẽ gây được hứng thú học của trò hơn.

Về phong cách và phương pháp giảng bài, các trò rất thích thầy cô môn văn có phong thái dạy học nghiêm túc nhưng phải vui để tạo cho học sinh sự năng động. Phần lớn các em đều mong muốn thầy cô là người tâm lý, hòa đồng vui vẻ, hiểu được học sinh mình muốn nói gì để đạt được hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh ở mức độ cao nhất, học sinh mong muốn thầy cô tận tâm với nghề, với học sinh.

Môn văn thường gắn liền với văn hoá đọc. Nhưng hiện nay sách tham khảo quá nhiều, nội dung chỉ na ná giống nhau, giáo viên văn cần vững về chuyên môn để hướng cho học sinh chọn lọc những cuốn sách tham khảo môn văn hợp lý nhất mà mang lại hiệu quả cao.

Thứ ba: Giáo viên văn với vai trò dạy người

Giáo viên văn là người trang bị cho học sinh những kiến thức ứng xử, học làm người. Các cụ nói "Tiên học lễ, hậu học văn". Giáo viên văn là người hơn ai hết dạy lễ nghĩa cho học sinh thông qua các bài giảng của mình; giúp học sinh hình thành và nhân lên lòng yêu nước; biết kính trọng ông bà cha mẹ, thân thiện với bạn bè (gắn với cuộc vận động xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" của  ngành giáo dục). Để làm người biết lẽ sống, học sinh cần biết ơn thầy cô giáo cũng như không được có thái độ vô ơn với người đã giúp đỡ mình, biết cảm ơn xin lỗi đúng lúc đúng chỗ. Muốn học sinh có được điều này, thầy cô dạy văn có vai trò hết sức quan trọng. (Trong thực tế hiện nay, rất buồn vì còn một số trường hợp mà báo chí đưa tin có học sinh hỗn láo, xúc phạm danh dự nhân phẩm, thậm chí là thân thể thầy cô)

          Giáo viên văn cũng là người rèn kỹ năng sống cho trò. Hiện nay do vòng xoáy của cơ chế thị trường, học sinh đang rất thiếu hụt kỹ năng sống. Thông qua các giờ văn, thầy cô cần cung cấp kiến thức kỹ năng sống như: việc ứng xử hàng ngày, hoặc cách xử lý các tình huống trong cuộc sống, các phạm trù đạo đức ngoài xã hội… Thầy cô dạy học sinh giao tiếp ứng xử, cách nói năng, diễn đạt thế nào cho người khác hiểu được ý mình, hoặc bằng cách chọn lọc câu từ để khi đối đáp có thể hóa giải được các xích mích không dáng có. Nếu biết ứng xử nhân văn, học sinh sẽ biết cách tiết chế tình cảm, không để xảy ra điều đáng tiếc (khi xích mích với bạn bè, hoặc khi có những rung động đầu đời…để không vượt quá giới hạn, giữ  được tình bạn đẹp, trong sáng).

          Thầy cô dạy văn cũng là người định hướng tư vấn cho học trò. Học trò rất cần thầy cô – đặc biệt giáo viên văn - là người gỡ rối, tư vấn tâm lý học đường cho trò. Các con có thể tham khảo để thầy cô tư vấn cho cách ứng xử một số tình huống học sinh gặp phải trong cuộc sống. Có những học trò đã coi người thầy dạy văn và Giáo dục công dân là quân sư suốt đời, chia sẻ, tư vấn, gỡ rối, thậm chí được tin tưởng hơn cha mẹ vì thầy cô có thể giữ bí mật cho trò.

Thứ tư: Giáo viên văn với nhiệm vụ dạy chữ

Với giáo viên văn, cần hiểu học văn là để học làm người, học nói năng, giao tiếp ứng xử. Dạy văn là dạy cách nói năng, dạy ứng xử, giao tiếp. Bên cạnh đó cần chú trọng dạy kiến thức: dạy cách làm bài, các dạng đề, để khi gặp bất cứ vấn đề gì học trò cũng có thể viết được nếu biết cách khai thác.

Học trò rất cần giáo viên dạy kỹ hơn cách dùng từ. Trong các giờ ngữ pháp, thầy cô sẽ nói kỹ hơn về từ đồng âm nhưng nghĩa khác nhau, trò có thể vận dụng vào cách nói hoặc viết với lối chơi chữ hóm hỉnh… Thầy cô dạy văn cũng là người tập cho học sinh ngữ điệu nói trong từng văn cảnh cụ thể, để thể hiện thái độ tình cảm khi nói năng giao tiếp. Giáo viên văn cũng là người giúp học sinh cảm nhận, cảm thụ văn học, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn.

Thầy cô cũng dạy học sinh về phương pháp viết văn (không dạy mẫu) để học sinh thể hiện quan điểm cá nhân trong bài viết. Trò cũng muốn được thầy cô hướng dẫn những kỹ năng kiến thức cần có để nói và viết chuẩn mực. Đặc biệt, rất cần thầy cô sửa ngọng khi nói, sửa chính tả khi viết (dạy kỹ hơn, thực hành nhiều hơn) để sau này ra đời đỡ vấp phải những tình huống dở khóc dở cười khi đứng nói trước đám đông. (Có những người ngoài xã hội rất thành đạt mà vẫn cảm thấy mất tự tin khi nói trước đám đông bởi hay bị ngọng n-l, trở thành cố tật khó sửa).

Thứ năm: Thầy cô vẫn cần rèn luyện và không ngừng hoàn thiện bản thân

Cũng như mọi giáo viên khác, người dạy văn cần tiếp tục hoàn thiện bản thân và không ngừng rèn luyện nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Về phương pháp dạy: Cần cập nhật thường xuyên những phương pháp mới, thực hiện đổi mới giáo dục theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Để hiểu tâm lý học sinh hơn, thầy cô cần trau dồi kiến thức chuyên môn, nắm vững chắc về nghiệp vụ. Ngoài ra cần cập nhật tình hình thời sự, tăng vốn tri thức thực tế trong nước và quốc tế để không tụt hậu. Là nhà giáo cần rèn đạo đức nhân cách mọi nơi mọi lúc, để nêu gương, xứng đáng là điểm tựa cho học trò mãi mãi về sau, suốt đời

Giáo viên là người có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh. Trong tình hình mới, giáo viên lại càng có vai trò lớn khi định hướng bồi dưỡng cho học sinh có đủ đức tài đáp ứng yêu cầu của thời đại hội nhập. Với giáo viên dạy văn, việc việc định hướng bồi dưỡng ấy lại càng rõ nét. Vì văn học là nhân học; dạy văn là dạy đối nhân xử thế, dạy làm người.

Những kỳ vọng của học sinh đối với thầy cô nói chung và thầy cô dạy văn nói riêng được nêu trong bài viết chỉ là ý kiến cá nhân, được rút ra trong quá trình thực tế giảng dạy và quản lý. Mong rằng chúng ta hãy hiểu học trò hơn, để sao cho việc dạy văn đúng nghĩa là môn dạy làm người, để sao cho học trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Nguyễn Thị Diệp

(Hiệu trưởng THCS Đức Thượng – Hoài Đức - Hà Nội)