Góc nhìn chuyên gia
Học sinh bỏ học đâu phải là chuyện bình thường?
Trẻ em là tương lai của đất nước. Ta đã hãnh diện xóa mù chữ từ thập niên 80 của thế kỷ trước, chả nhẽ bây giờ nhắm mắt để thế hệ sau thất học?
Theo http://vietbao.vn/Giao-duc/Tinh-ta-1-nam-co-1086-HS-bo-hoc-la-binh-thuong-cu-yen-tam/55814604/202/ cho biết, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc sở GDĐT Quảng Trị đã phát biểu:
"Tỉnh ta, 1 năm có 1.086 HS bỏ học là bình thường, cứ yên tâm”
Bài báo cho biết tiếp theo:
Nguyên do học sinh bỏ học có nhiều, song theo ông Thắm, chủ yếu là do lười học, hụt kiến thức không theo kịp chương trình nên phải bỏ, rồi hoàn cảnh khó khăn, hay sinh viên ra trường không có việc làm tác động đến tâm lý học sinh.
Và vị Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị lý giải: “So với mọi năm thì con số bỏ học đó là bình thường, không có gì đột biến. Chúng tôi đã so sánh với Quảng Bình bỏ học đến 975 học sinh, còn Thừa Thiên-Huế bỏ học đến 1.121 em. Như vậy, con số học sinh bỏ học của tỉnh ta so với các năm trước là bình thường, và so với các tỉnh khác cũng bình thường, nên cứ yên tâm, không có gì đột biến đâu”.
Xin mạn phép có vài lời bình:
- Nếu giống như Quảng Trị Quảng Bình Thừa Thiên Huế, các tỉnh thành khác trên toàn xứ đều có, mỗi năm khoảng 1000 học sinh bỏ học ở mỗi tỉnh thì vị chi phải tính khoảng 62.000 em bỏ học trong toàn nước. Một con số không bình thường chút nào.
- Nếu nguyên do học sinh bỏ học là vì lười, vì theo không kịp chương trình thì phải chăng là các giáo viên không đủ sức khuyến khích và cổ động các em, không đủ tài giúp các em tiếp cận thấu đáo chương trình. Hay là vì chương trình không thích hợp?
Tôi ví von cụ thể: trong một xưởng làm giày, nếu sản phẫm không đạt tiêu chuẩn và phải vất đi, hay nếu khách hàng không mua giày của xưởng, công nhân thế nào cũng bị sa thải và xưởng phải xem lại cách sản xuất của mình.
- Bỏ học do hoàn cảnh khó khăn của các em? Thế người quản lý giáo dục không có phương thức nào can thiệp hết sao? Học bổng chẳng hạn.
A, ở đây tỉnh đang định tăng học phí. Cũng may là đề nghị này không được thông qua.
Mọi so sánh đều khập khiểng nhưng nếu chỉ có một người chết vì tai nạn giao thông ta cũng phải làm sao tránh tai nạn ấy. Một em bỏ học cũng vậy. Không bình thường chút nào.
Trẻ có quyền đi học. Công ước về Quyền trẻ em 1989, mà Việt Nam đã phê chuẩn từ 1990, ghi rõ trẻ có quyền được giáo dục. ( https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C6%B0%E1%BB%9Bc_v%E1%BB%81_Quy%E1%BB%81n_tr%E1%BA%BB_em )
Được đào tạo còn thất nghiệp, vậy các em bỏ học sau này sẽ làm gì? Ta sẽ bằng lòng để chúng không có tay nghề, không chuyên môn? Làm cữu vạn hay làm ...thợ đụng?
Trẻ được giáo dục thì xã hội giảm thiểu được tội phạm tuổi thiếu niên. Tất cả các thống kê quốc tế đều cho thấy liên hệ giữa thất học và tội phạm thiếu niên.
Trẻ còn là tương lai của đất nước. Ta đã hãnh diện xóa mù chữ từ thập niên 80 của thế kỷ trước, chả nhẽ bây giờ nhắm mắt để thế hệ sau thất học?
Hơn nữa, thế giới càng ngày càng tiến bộ, giới trẻ không được đào tạo thì làm sao ta theo kịp với toàn cầu?
Thế nên bất cứ ai trong xã hội đều phải cố gắng lo cho các em đi học. Nhất là khi người ấy có trách nhiệm quản lý giáo dục.
Nguyễn Huỳnh Mai