Bạn đọc viết:

Học “lệch”, tại sao không?

(Dân trí) - Vì sao cứ phải đưa lí do học tủ, học lệch để không bỏ thi tốt nghiệp? Thật ra chương trình học hiện nay quá nặng, không cần thiết, với áp lực phải đạt (chứ chưa phải giỏi) tất cả các môn, khiến cho nhiều học sinh căng thẳng và sợ thi cử.

Trao đổi trước giờ vào lớp (ảnh minh họa)
Trao đổi trước giờ vào lớp (ảnh minh họa)

 

Nhưng thôi, tôi cũng hiểu rằng đổi mới chương trình học cho phù hợp không phải muốn là làm được ngay mà cần có thời gian, nên tôi cũng không nói nhiều về việc đó. Mà tôi  chỉ muốn nói đến việc phải học đạt chuẩn tất cả các môn là không cần thiết (theo ý kiến cá nhân).

 

Tôi đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành tiếng Pháp, nên cũng được biết kha khá về hệ thống giáo dục ở Pháp. Sau khi kết thúc lớp 10 (classe secondaire), học sinh sẽ phải chuyển ra học theo các seri khác nhau theo lựa chọn của học sinh để phù hợp với khả năng của mình. Và mỗi lựa chọn đó sẽ phải phù hợp với ngành nghề sau này của học sinh. Dĩ nhiên lúc kết thúc cấp 3 sẽ có kì thi tốt nghiệp khác nhau tùy theo seri học sinh đăng kí và có bằng khác nhau, nhưng đều được coi là bằng tốt nghiệp.

 

Như vậy, theo tôi nhận thấy, ngành giáo dục Pháp đã hiểu rõ rằng không phải học sinh nào cũng học được tất cả các môn. Có môn được học sinh ưa thích và học giỏi, còn cũng có môn học sinh học kém.

 

Có thể có người nói tôi so sánh khập khiễng khi so sánh giữa Pháp và Việt Nam, nhưng tôi sẽ củng cố hiểu biết của mình bằng cách quay lại về Việt Nam để học tiếp ở bậc đại học.

 

Tôi cũng được biết là khi lên đại học, có nhiều kiến thức cấp 3 không được áp dụng ở bậc này. Mỗi ngành thì cũng chỉ áp dụng và phát triển tiếp được vài môn, thế lúc đó có phải là học lệch không? Và nếu đó là bậc đại học học lệch, thì tại sao lại sợ học sinh cấp 3 học lệch nhỉ?

 

Nguyễn Đình Tuấn Dương 

email:  vampire020791@gmail.com